Người nâng tầm “RAU QUẢ” Việt

 “Tất cả xuất phát từ chữ  ‘Tâm’. Tận nhân lực mới tri thiên mạng. Chúng tôi coi nông dân là giám đốc sản xuất, còn chúng tôi là giám đốc thị trường”, ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco), một trong 18 người vừa giành Giải thưởng EY-Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp 2014, chia sẻ về quan niệm kinh doanh trên con đường vượt qua thách thức, đưa rau quả Việt Nam đi khắp thế giới.

Người nâng tầm “RAU QUẢ” Việt

“Tận nhân lực mới tri thiên mạng”

Nhắc đến Antesco là nhắc đến một thương hiệu xuất khẩu rau quả lớn tại vựa trái cây đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện Công ty có gần 70 sản phẩm rau quả chế biến, đạt sản lượng 12.000 tấn rau quả xuất khẩu/năm nếu quy ra nguyên liệu rau quả (trái cây) thu mua của nông dân ĐBSCL khoảng 40.000 - 50.000 tấn nguyên liệu/năm, sản phẩm xuất qua các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng ít ai biết rằng, trước kia, doanh nghiệp này chỉ là công ty chuyên về phân phối vật tư nông nghiệp thua lỗ và sự lột xác của doanh nghiệp này có công sức lớn của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Huỳnh Quang Đấu.

Năm 1988, ông Đấu được bổ nhiệm Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang, được coi là “ghế nóng” bởi trước đó công ty kinh doanh thua lỗ nặng. Để vượt qua được tình cảnh ngặt nghèo này, ông đã kiên trì đi gõ cửa các ngân hàng xin vay vốn, nhưng không ngân hàng nào dám cho vay. Ông hiểu rằng, để thuyết phục ngân hàng, bản thân Công ty phải lột xác. Ông vạch ra kế hoạch, chuyển hướng kinh doanh chi tiết cụ thể, thực hiện từng hợp đồng nhỏ, rồi mới dần dần tìm hợp đồng lớn hơn. Cuối cùng, những nỗ lực đó cũng được ngân hàng nhận ra.

Là người có tầm nhìn xa trông rộng, ông Đấu nhận ra, nếu Công ty chỉ giậm chân tại chỗ với ngành nghề phân phối vật tư nông nghiệp thì một ngày nào đó, sản phẩm của Công ty đến ngưỡng bão hòa và ông tự hỏi: tại sao địa phương có nguyên liệu sẵn mà không tận dụng chế biến những loại rau quả này để xuất khẩu. Nghĩ là làm, năm 1993, ông Đấu đã xây dựng nhà máy đầu tiên chuyên sản xuất, chế biến và đông lạnh rau quả (đầu tiên tại ĐBSCL) để xuất sang Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada, Mỹ, EU… Đến năm 2000, ông cho xây dựng tiếp nhà máy thứ hai với dây chuyền công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ. Năm 2014, sản lượng xuất khẩu của Antesco đạt 12.000 tấn, doanh thu 13,5 triệu USD. Tháng 9/2014, Công ty khởi công xây dựng nhà máy chế biến rau quả thứ ba tại huyện Châu Phú với công suất 10.000 tấn/năm. Dự kiến, trong năm 2015, Công ty xuất khẩu trên 20.000 tấn/năm, thu về khoảng 25 triệu USD/năm, tiêu thụ trên 100.000 tấn nguyên liệu rau quả trong tỉnh và các tỉnh ĐBSCL.

Trong một thời gian dài, khó khăn của Antesco là không có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Tận nhân lực mới tri thiên mạng, ông tin như vậy nên càng gắng sức chèo chống đưa Công ty vượt khó. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, suốt thời tuổi thơ nghèo khó, nên ông Đấu không ngại khó, ngại khổ. Ông đã trực tiếp xuống tận đồng ruộng giải thích, hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng và đảm bảo với nông dân rằng Công ty đầu tư bán chịu giống, thu mua sản phẩm khi nông dân thu hoạch.

Chia sẻ về quan điểm hợp tác với nông dân, ông Đấu nói: “Chúng tôi coi nông dân là giám đốc sản xuất, còn chúng tôi là giám đốc thị trường” tạo ra sự liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp). Ông rất mong muốn được đi chung thuyền với nông dân, đưa sản phẩm rau quả Việt Nam đi xa hơn và tới nhiều nước hơn, góp phần tạo nên hình ảnh Việt Nam là “Bếp ăn của Thế Giới”, sản phẩm đảm bảo an toàn từ đồng ruộng cho đến bàn ăn.

Lên đời cho cá linh và phụ phẩm vỏ rau quả

Là người tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp mới trong sản phẩm, quy trình kinh doanh ngay khi bước đầu thành công khi mặt hàng rau quả đông lạnh và đóng hộp được tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước, ông chưa dừng lại mà vẫn loay hoay nghĩ cách tiếp tục chinh phục thị trường bằng việc khai thác thế mạnh về thủy sản của ĐBSCL. Cá tra đã đem lại nguồn lợi không nhỏ, nhưng nhiều doanh nghiệp đã làm, đi sau khó theo kịp. Và ông Đấu đã chọn con cá linh, loại cá chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi, có rất nhiều trong tự nhiên, giá rẻ lại ngon (cá tự nhiên, từ đầu nguồn sông Cửu Long, biển hồ Campuchia, theo mùa nước nổi về vùng sông nước Cửu Long)

“Tôi được nghe kể lại hồi chiến tranh, có lần dân làng lượm được mấy thùng đồ hộp của lính Đại Hàn bỏ lại. Khi mở ra, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy chỉ là cá cơm kho khô. Nhớ lại chuyện này, tôi nghĩ những thức ăn bình thường vậy vẫn được đóng hộp và có thị trường tiêu thụ, tại sao mình không thử đem cá linh kho mía, kho lạt, sốt cà và mắm cá linh chưng trứng đóng hộp. Các mặt hàng đó chẳng những bán được trong nước, mà còn có thể xuất khẩu, để mấy triệu người Việt Nam ở nước ngoài ăn đỡ nhớ quê”, ông Đấu chia sẻ về xuất phát điểm của ý tưởng “lên đời” cho cá linh. Giờ đây, người dân đồng bằng sông Cửu Long đi xa thường mang theo sản phẩm cá linh đóng hộp của Antesco sản xuất để làm quà giới thiệu đặc sản quê hương, trong và ngoài nước.

Ông Đấu kể, mỗi năm, Antesco thải ra hơn 10.000 tấn vỏ trái cây và Công ty tốn hơn 2 tỷ đồng thuê xe rác đổ bỏ, hơn thế, điều này lại không đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông Đấu đã tìm đọc các tài liệu chuyên môn về chăn nuôi và phát hiện Hàn Quốc, Nhật Bản phải nhập khẩu vỏ ngô, vỏ đậu về chăn nuôi bò. Một lần đi nước ngoài, khi chuyện trò với các đối tác, khi dò hỏi: nếu tôi sản xuất ra loại thức ăn gia súc từ các phụ phẩm nông nghiệp ở dạng viên, các ông có cần không, ông Đấu đã nhận được câu trả lời sao lại không. Vậy là ông vui mừng trở về họp với các kỹ sư và bắt tay chế tạo máy móc chế biến phụ phẩm.

Đầu năm 2007, dây chuyền sản xuất thử nghiệm sản phẩm thức ăn viên sấy khô thay thế thức ăn tươi cho động vật ăn cỏ đã hoàn thành, công suất 200 tấn sản phẩm/tháng. Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật và Hàn Quốc làm thức ăn chăn nuôi bò sữa. Đầu tháng 2/2009, xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi của Antesco xuất mẻ sản phẩm thương mại đầu tiên. “Sau hai tháng hoạt động, Antesco đã xuất được lô hàng 100 tấn thức ăn chăn nuôi từ thân cây bắp non trị giá 20.000 USD sang Nhật”, ông Đấu chia sẻ.

Nguồn nguyên liệu đầu vào cho chế biến thức ăn chăn nuôi của Antesco rất dồi dào. Ngoài nguồn phụ phẩm từ hai nhà máy chế biến thực phẩm Mỹ Luông và Bình Khánh, Antesco còn có vùng nguyên liệu 2.500 héc-ta bắp thu hoạch trái non và đậu nành ở huyện Chợ Mới, Châu Phú và một số tỉnh lân cận. Không dừng lại ở đó, ông Đấu cho biết, Antesco đang tính tới chuyện liên kết doanh nghiệp các tỉnh khu vực ĐBSCL để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại đây.

Không quên trách nhiệm xã hội

Ngoài việc tổ chức thu mua nguyên liệu của nông dân về chế biến rau quả xuất khẩu, ông Đấu không quên trách nhiệm với xã hội là chăm lo đời sống nông dân bằng cách tặng bò, tặng đồ dùng sinh hoạt gia đình cho những nông dân sản xuất nguyên liệu chất lượng tốt, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, bệnh tật, cấp học bổng, tập vở cho con em nông dân và công nhân làm việc tại nhà máy. Đặc biệt là cha mẹ cán bộ công nhân lao động từ 75 tuổi, ông Đấu tổ chức cho đoàn đến tặng quà và chúc mừng Vu Lan với các cụ. Ngoài ra, ông Đấu còn trích tiền lương của mình để giúp đỡ cho những gia đình khó khăn, các cháu tật nguyền. Ông Đấu suy nghĩ, tuổi thơ của ông nghèo khổ, không nơi nương tựa nên hôm nay ông đã trưởng thành, ông muốn được góp phần cùng xã hội lo cho những hoàn cảnh khó khăn như thời thơ ấu ông được bà con láng giềng nuôi dưỡng.

Antesco đã và đang không ngừng mở rộng vùng nguyên liệu, làm ăn với hàng chục ngàn nông dân, luôn chú trọng việc đảm bảo lợi ích hài hòa, tạo điều kiện giúp cho nông dân làm giàu, góp phần nâng cao phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và nhận thức của bà con nông dân tại địa phương.

Ông Đấu chia sẻ: “Trong sự thành đạt của một doanh nhân luôn có sự góp sức của nhiều người. Nhưng sự thành đạt ấy chỉ bền vững khi tạo được lợi ích cho xã hội”.

An An

{fcomment}