Nhiều biệt thự ở TP HCM biến mất... trên giấy!

UBND quận 1 vừa có văn bản gửi Viện Nghiên cứu phát triển TP về hiện trạng các biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó địa phương cho biết sẽ loại nhiều căn biệt thự ra khỏi danh sách diện cần bảo tồn.

Còn nguyên vẹn

Báo cáo mới nhất của UBND quận 1 cho thấy tại địa phương có 230 căn biệt thự xây dựng từ trước năm 1975, có những căn hơn 100 năm tuổi, mang nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Tuy nhiên, "qua rà soát nhận thấy có một số tường hợp không còn là biệt thự, một số công trình đã xây dựng thành công trình mới, một số đã tách chủ quyền", UBND quận 1 kết luận và thông báo trong thời gian tới sẽ loại 109 căn biệt thự, gồm 49 căn không phải là biệt thự hoặc có nguồn gốc là nhà biệt thự nhưng nay không còn; 60 căn đã xây dựng công trình mới.

Lần theo danh sách một số căn biệt thự đề xuất loại bỏ, chúng tôi khá bất ngờ về hiện trạng. Cụ thể, theo báo cáo của UBND quận 1, căn biệt thự nằm tại số nhà 25 Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Nghé) là "khu đất trống". Thế nhưng, hồ sơ quản lý nhà ở của Sở Xây dựng cho thấy đây là công trình kiến trúc vững chắc, mái ngói âm dương và xây dựng lâu đời. Có giai đoạn, Hội đồng Phân loại biệt thự TP HCM (HĐPLBT TP) xem xét dự kiến đưa vào nhóm 1 để bảo tồn nguyên vẹn. Còn căn biệt thự ở số 31 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé) dù hiện nay không có dấu hiệu xuống cấp nhưng UBND quận 1 kết luận "bị chia cắt, nhiều mảnh tháo dỡ", từ đó loại ra khỏi việc bảo tồn.

Biệt thự 145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM được báo cáo “không tồn tại”

Hồi tháng 10-2019, UBND quận 3 cũng có văn bản liệt kê hàng loạt căn biệt thự cũ xây dựng trước năm 1975. Phần lớn các căn biệt thự sau vài năm được báo cáo "không tồn tại địa chỉ" hoặc "không tồn tại". Thế nhưng, ngay sau đó, HĐPLBT TP kiểm tra và phát hiện chúng vẫn sừng sững!

Điển hình căn biệt thự nằm ở số 143-145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị biến mất với lý do "địa chỉ không tồn tại" nhưng mái nhà, khuôn viên và cả cửa ra vào còn nguyên vẹn nét cổ kính. Hiện nay, hai căn biệt thự này là trụ sở của một công ty du lịch và một nhà hàng sang trọng. Phía trước nhà gắn hai biển số nhà rất to. Hay căn biệt thự ở 204D Điện Biên Phủ (phường 7) được UBND quận 3 cho rằng "không tồn tại". Thực tế biển số nhà ẩn mình sau tán cây, khi sử dụng flycam để "soi" thì sẽ thấy sau vách tường cũ kỹ là một ngôi nhà xây dựng từ hàng chục năm trước. Căn biệt thự số 1 Bà Huyện Thanh Quan (phường 6) cũng được kết luận "không tồn tại" trong khi thực tế nằm giáp 2 mặt tiền, tường cao cửa rộng.

Cảm tính, thiếu khảo sát cụ thể

Một thành viên HĐPLBT TP nhận định hầu hết các căn biệt thự cổ nằm ở vị trí đắc địa. Nếu được xếp loại vào nhóm 1, bắt buộc bảo tồn thì giá trị bán ra sẽ rất thấp nhưng xếp vào nhóm 3 - chủ nhà có quyền quyết định số phận kiến trúc trên đất - thì giá trị nâng lên 5-6 lần. "Hiện nay, việc thẩm định các căn biệt thự gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế vẫn còn hàng trăm căn biệt thự đang chờ phân loại, ít nhiều gây mâu thuẫn lớn giữa cơ quan quản lý nhà nước và quyền lợi của người dân" - vị chuyên gia nói.

Cũng theo chyên gia này, danh sách các căn biệt thự do Viện Nghiên cứu phát triển TP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cùng Sở Xây dựng TP đưa và ấn định xuống quận, huyện đánh giá mà chưa khảo sát cụ thể hình thức và chủ quyền còn hay không. Hiện nay, dưới áp lực chủ sở hữu nhà nằm trong danh sách biệt thự phải kiểm tra, đánh giá và thống kê, đề xuất hướng giải quyết, nhiều địa phương có hướng loại bỏ bớt nhằm tạo điều kiện cho HĐPLBT TP tập trung đánh giá đúng các căn biệt thự nhóm 1, 2.

Một cán bộ Sở Xây dựng TP HCM nhìn nhận năm 2019 từng xảy ra mâu thuẫn trong công tác thẩm định biệt thự. Cụ thể, căn nhà số 68 Sương Nguyệt Anh (quận 1) được phân loại nhóm 2, ngay sau đó, có khiếu nại chủ sở hữu, HĐPLBT TP đã đánh giá lại và đề xuất nhóm 3. "Điều này cho thấy công tác đánh giá biệt thự còn cảm tính, chưa có tiêu chí rõ ràng về mặt pháp lý. Để an toàn, các thành viên thường đánh giá theo nhóm 2, bảo tồn một phần" - vị chuyên gia cho hay và thông tin hiện nay nhiều chủ nhà được đề xuất nhóm 2 đang tính đến chuyện khiếu nại.

Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM) cho thấy một nửa số biệt thự tại TP đã biến mất sau hàng chục năm. Từng một thời được cho là phố biệt thự nhưng hiện nay những con đường như Nguyễn Đình Chiểu, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn, Hai Bà Trưng chỉ còn vài căn.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu thông tin: "Cứ 2 du khách nước ngoài đặt chân đến Việt Nam thì 1 người đến TP HCM và tìm kiếm những công trình lịch sử, cổ để tham quan. Vì vậy, việc bảo tồn một cách nghiêm túc cần phải quan tâm. Thế nhưng, muốn bảo tồn và phát huy di sản cần tích hợp và giúp ích cho chủ nhân của chúng bảo đảm các giá trị vật chất và tinh thần".

Đã có nghị quyết về bảo tồn di sản

Tại kỳ họp thứ 17, khóa 9, HĐND TP HCM đã ra nghị quyết về việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.

Trong đó, đối với việc phân loại các biệt thự trước năm 1975, UBND TP đã ban hành Quyết định 33/2018 về tiêu chí đánh giá, phân loại biệt thự cũ trên địa bàn TP và thành lập HĐPLBT. Hiện trên địa bàn TP có hơn 1.000 biệt thự trước năm 1975 có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc được phân loại nhằm bảo tồn di sản, tạo nên bản sắc và bề dày văn hóa đô thị.

Theo đánh giá của HĐND TP, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm kê, phân loại biệt thự cũ trước năm 1975 chưa đồng bộ, còn chậm. Công tác phân loại biệt thự cũ của HĐPLBT TP còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhiều biệt thự không có hồ sơ lưu trữ và khó nhận diện các biệt thự đã bị biến dạng.


Nguồn: Báo Người Lao Động