'Nhiều yếu tố để hy vọng Chứng khoán Việt Nam sẽ tăng sau thời gian tích lũy đủ dài'

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu VCBF tin rằng các mục tiêu vĩ mô quan trọng trong năm 2019 sẽ hoàn thành.

Liên quan đến diễn biến thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm được đánh giá kém tích cực, đặc biệt trong quý II/2019 và triển vọng thị trường cũng như các yếu tố chính sẽ tác đến đến thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) những tháng còn lại của năm 2019, BizLIVEđã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu VCBF.

Thưa ông, thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm được đánh giá là diễn biến kém tích cực, đặc biệt trong quý II/2019, thị trường nằm trong xu hướng giảm điểm, theo ông xu hướng giảm của thị trường còn tiếp tục kéo dài bao lâu?

Trong nửa đầu năm 2019, TTCK diễn biến kém tích cực do các lo ngại về tình hình vĩ mô trong nước và thế giới. Cụ thể là tình trạng leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ khiến thương mại toàn cầu sụt giảm.

Riêng đối với Việt Nam, mặc dù được đánh giá có nhiều cơ hội hưởng lợi từ cuộc chiến này trong dài hạn nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu; tuy nhiên trong ngắn hạn, nền kinh tế của chúng ta khó tránh khỏi những tác động tiêu cực, đặc biệt là sức ép giảm giá đồng Nhân dân tệ (CNY) và chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá VND và cán cân thương mại của Việt Nam.

Tuy nhiên, dữ liệu Quý II/2019 và theo VCBF bức tranh vĩ mô bước đầu cho thấy những ổn định trước các rủi ro tiềm ẩn bên ngoài chưa đoán định được. Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ vào các FTAs đã ký kết (CPTPP và đặc biệt là EVFTA trong dài hạn) và sự phục hồi của Samsung ở mảng điện thoại di động do sự suy yếu từ các đối thủ Trung Quốc.

Hơn nữa, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bắt đầu cân nhắc sẵn sàng dùng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nếu bất ổn toàn cầu đẩy rủi ro giảm tăng trưởng kinh tế. VCBF nhận thấy lãi suất VND mặc dù không giảm nhưng nhiều khả năng sẽ ổn định. Và đặc biệt quan ngại về lạm phát sau khi tăng giá một số mặt hàng thiết yếu đã không còn khi lạm phát Quý II chỉ gần 3% so với cùng kỳ. Rõ ràng, sự cân đối vĩ mô và chống đỡ bất ổn bên ngoài của Việt Nam là tương đối tốt.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, khi doanh nghiệp vẫn tăng trưởng như hiện nay và nếu Chính phủ có chính sách tốt, việc tích lũy trong một thời gian của thị trường là bình thường. Thị trường sẽ ổn định tích lũy đủ dài trước khi có hướng đi mới. Tôi hy vọng là hướng đi lên sau thời gian tích lũy này.

Như vậy, theo ông yếu tố chính nào sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2019 ?

Tôi cho rằng, TTCK trong những tháng cuối năm sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố: tình hình vĩ mô Việt Nam, áp lực tăng lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn, triển vọng nâng hạng thị trường, khả năng Fed cắt giảm lãi suất, định giá thị trường hợp lý.

Thứ nhất, về tình hình vĩ mô Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam đã phần nào cho thấy khả năng chống đỡ khá tốt với các biến động trên thế giới, khi các chỉ tiêu vĩ mô chính đều đang theo sát mục tiêu Chính phủ đề ra, thậm chí vài chỉ tiêu còn tốt hơn mức kỳ vọng của thị trường. Nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức lớn hơn trong nửa cuối năm 2019.

Đầu tiên là GDP phải tăng tốc so với 6 tháng đầu năm để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho cả năm trong điều kiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Tuy vậy, nếu như khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt như trong 2 quý đầu năm, cùng với yếu tố mùa vụ khi tăng trưởng kinh tế thường cao hơn ở nửa cuối năm, chúng tôi tin tưởng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% sẽ đạt được.

Về cán cân thương mại, tuy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc họp thượng đỉnh G20, nhưng sẽ khó để hai cường quốc này sớm đi đến một thỏa thuận chung do mục tiêu của cuộc chiến thương mại không chỉ nằm ở thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Do đó, rủi ro về những hành động bất ngờ từ hai phía tác động tiêu cực đến thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn khá lớn.

Ngoài ra, căng thẳng mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn nếu kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến các công ty công nghệ Hàn Quốc, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam.

Ở mặt tích cực, nhờ vào hiệp định CPTPP và sắp tới đây là EVFTA, cùng với xu hướng chuyển dịch sản xuất để tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nước ta sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khác như giày dép, dệt may, đồ gỗ, từ đó giúp cải thiện cán cân thương mại trong nửa cuối năm 2019.

Với các cơ hội của nền kinh tế, cùng với khả năng điều hành linh hoạt của Chính phủ, chúng tôi tin rằng các mục tiêu vĩ mô quan trọng trong năm 2019 sẽ hoàn thành; từ đó giúp tăng cường niềm tin và hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư trên TTCK.

Thứ hai, về triển vọng nâng hạng thị trường: Trong lần công bố kết quả phân loại định kỳ vào cuối tháng 6 vừa qua, MSCI vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay. Tuy nhiên, do Kuwait vừa được thăng hạng lên thị trường mới nổi, nên tỷ trọng của Việt Nam trong các bộ chỉ số dành cho thị trường cận biên của MSCI (MSCI Frontier Market Index và MSCI Frontier Market 100 Index) sẽ tăng lên đáng kể.

Mặc dù có thể phải sang đến năm 2020 các quỹ ETF mô phỏng theo hai bộ chỉ số này mới bắt đầu rót thêm tiền vào Việt Nam, tuy nhiên trước mắt TTCK có thể thu hút dòng tiền mua đón đầu, đặc biệt vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn, giúp cải thiện thanh khoản và hỗ trợ chỉ số VN-Index.

Ngoài MSCI, FTSE cũng có khả năng nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá thường niên vào tháng 9 sắp tới. Tuy tác động nâng hạng thị trường của FTSE không bằng MSCI, nhưng việc này cũng phần nào ảnh hưởng tích cực lên tâm lý của các nhà đầu tư, và tạo thêm động lực để cơ quan quản lý đẩy nhanh việc cải cách, nâng cấp thị trường.

Thứ ba, về khả năng Fed cắt giảm lãi suất: Thời gian gần đây, Fed liên tục đề cập đến khả năng sẽ cắt giảm lãi suất do các bất ổn gây ra từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ suy giảm. Trong ngắn hạn, tín hiệu này từ Fed đã có tác động tích cực đến tâm lý thị trường chứng khoán toàn cầu. Lịch sử cho thấy khi lãi suất USD giảm xuống, nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro sẽ tăng lên; từ đó kích thích dòng tiền đổ vào các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

Tuy vậy, chúng tôi cũng khá thận trọng với khả năng này vì các chỉ số chính của kinh tế Mỹ vẫn chưa cho thấy các dấu hiệu cần thiết phải hạ lãi suất.

Thứ tư, về áp lực tăng lãi suất các khoản vay trung và dài hạn: Việc Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng ngân hàng cho các khoản vay trung và dài hạn và các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản đã và sẽ tiếp tục đẩy lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay trung và dài hạn tăng, từ đó gây áp lực lên chi phí vốn của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phương án đầu tư, kế hoạch mở rộng sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là thay đổi chính sách cần thiết để đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng trong dài hạn, khi tỷ lệ tín dụng của hệ thống ngân hàng/GDP đã vượt 130%, đồng thời giúp thúc đẩy gia tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Cuối cùng, định giá thị trường hợp lý.

Mức định giá của P/E VN-Index hiện tại đang gần 17 lần, thấp hơn hầu hết các thị trường trung khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Ấn độ, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn. Hơn nữa, mức định giá của VN-Index đang bị ảnh hưởng nhiều bởi một số cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Mức trung vị P/E của VN-Index chỉ hơn 10 lần cho thấy có nhiều cổ phiếu vẫn đang được định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, do triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp không tăng cao như năm 2018, việc lựa chọn và đánh giá từng cổ phiếu sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong thời gian tới.

Xin cám ơn ông!

Nguồn: Báo BizLIVE