Những cách giúp hạ sốt tại nhà

Sốt là triệu chứng thường gặp của bệnh cúm, bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay viêm phế quản. Uống nhiều nước, tắm nước ấm hay chườm lạnh dưới cánh tay có thể giúp hạ sốt tại nhà.

Sốt không phải là một căn bệnh mà là triệu chứng thường gặp của các bệnh như cảm lạnh, bệnh cúm, viêm phổi, hoặc các tình trạng viêm nhiễm khác. Ảnh: Hher24.

Theo Medical News Today, sốt là tình trạng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường (36–37 độ C). Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, chúng ta có thể cảm thấy lạnh cho đến khi nhiệt độ giảm dần và ngừng tăng.

Khi bị sốt chúng ta có cảm giác ớn lạnh, rùng mình, đổ mồ hôi, hơi thèm ăn, có dấu hiệu mất nước, tăng nhạy cảm với cơn đau, thiếu năng lượng, dễ buồn ngủ và khó tập trung. Nếu trẻ em bị sốt, chúng có thể cảm thấy nóng khi chạm vào, má ửng đỏ, đổ mồ hôi. Khi sốt cao chúng ta có thể bị kích thích, lú lẫn, mê sảng và co giật.

Sốt không phải là một căn bệnh mà là triệu chứng thường gặp của các bệnh như cảm lạnh, bệnh cúm, viêm phổi, viêm phế quản hoặc các tình trạng viêm nhiễm khác. Vì vậy kịp thời giảm sốt tại nhà có thể giúp cơ thể đỡ khó chịu, mệt mỏi và ngăn ngừa xuất hiện các triệu chứng khác nghiêm trọng hơn.

Uống nhiều nước

Theo Very Health Well, uống nhiều nước là cần thiết để tránh mất nước khi bị sốt. Sốt càng cao thì nguy cơ mất nước càng cao. Nôn mửa và giảm cảm giác thèm ăn cũng thường xảy ra khi bị nhiễm trùng và bệnh tật. Điều này có thể làm tăng thêm nguy cơ mất nước.

Mất nước nghiêm trọng khi bị sốt có thể dẫn đến: chuột rút, kiệt sức vì nhiệt, giảm huyết áp, động kinh hoặc một tình trạng liên quan đến thay đổi ý thức và cử động không tự chủ.

Uống nước lọc hoặc thức uống thể thao cũng có thể giúp hạ sốt.

Tắm nước ấm

Tắm nước ấm, không quá nóng có thể giúp hạ sốt, thư giãn và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, bạn nên ra khỏi bồn khi nước bắt đầu nguội. Tắm nước lạnh nghe có vẻ là một ý kiến hay nếu bạn đang nóng ran người, nhưng nó có thể khiến bạn bị rùng mình và làm tăng chứ không giảm nhiệt độ cơ thể.

Đặt túi chườm lạnh dưới cánh tay

Chườm khăn lạnh hoặc túi chườm lạnh lên trán là cách phổ biến để hạ sốt. Tuy nhiên, nếu sốt quá cao, cách tốt hơn có thể là đặt một túi lạnh dưới nách hoặc ở vùng bẹn, nơi có các mạch máu lớn hơn.

Hãy lưu ý rằng bạn nên bọc túi chườm lạnh trong một miếng vải để tránh tiếp xúc trực tiếp với da và giữ nguyên vị trí không quá 10 đến 15 phút. Sau đó, thường xuyên di chuyển túi liên tục để tránh vùng da bị lạnh quá lâu.

Nghỉ ngơi nhiều

Một điều rất quan trọng khi bị sốt chính là phải nghỉ ngơi vì bất kỳ hoạt động nào cũng có thể làm tăng nhiệt độ của bạn.

Sốt là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang chống lại sự nhiễm trùng. Vì vậy, không lãng phí năng lượng vào các hoạt động không cần thiết cho phép cơ thể tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ đang làm.

Những người bị sốt nên nghỉ ngơi nhiều và hạn chế vận động. Ảnh: Webmd.

Dùng thuốc không kê đơn

Theo The Prevention, nếu bạn cảm thấy rất khó chịu, hãy dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Đối với người lớn, có thể dùng aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen theo hướng dẫn trên bao bì. Ưu điểm của acetaminophen và ibuprofen so với aspirin là ít người gặp tác dụng phụ hơn.

Tất cả các loại thuốc trên đều hiệu quả, nhưng một số loại có tác dụng tốt hơn đối với các bệnh cụ thể. Ví dụ: aspirin và ibuprofen là những loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) phổ biến, vì vậy chúng có hiệu quả trong việc giảm đau và viêm cơ.

Acetaminophen được khuyên dùng nếu bạn bị nhạy cảm với đường tiêu hóa hoặc bị dị ứng với aspirin. Nó không hoạt động tốt như NSAID đối với chứng viêm và đau cơ nhưng nó là một loại thuốc an toàn hơn để sử dụng và có ít tác dụng phụ nhất, miễn là nó được dùng với liều lượng thích hợp.

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Nhiệt độ từ 38 độ C trở lên có thể nghiêm trọng, đặc biệt nếu bạn đang cảm thấy ốm kèm theo các triệu chứng khác. Người lớn bị bệnh mạn tính như bệnh tim hoặc bệnh hô hấp có thể không chịu được những cơn sốt cao kéo dài. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ), hãy đi khám bác sĩ nếu bạn gặp một hoặc nhiều điều sau đây,:

- Nhức đầu với cứng cổ.

- Ho dữ dội hoặc nôn mửa.

- Đau khi hít thở sâu hoặc khó thở.

- Đau mặt.

- Da phát ban.

- Bầm tím hoặc chảy máu không lý do.

- Tiêu chảy dai dẳng.

- Chảy nước mũi màu vàng hoặc xanh lá cây.

- Nhiệt độ cao hơn 38 độ C kéo dài hơn 2 ngày hoặc các biện pháp hạ sốt tại nhà không hiệu quả.

- Nhiệt độ cao hơn 39 độ C trong mọi điều kiện.

Nếu đã thử nhiều biện pháp hạ sốt tại nhà nhưng vẫn không hiệu quả, bạn nên đi khám bác sĩ. Ảnh: Aquasana.

Theo Very Well Health, đối với trẻ em trên 2 tuổi bị sốt, thường không có lý do gì để báo động miễn là hành vi của trẻ vẫn bình thường. Nếu sốt trên 39 độ C nên gọi cho bác sĩ nhi khoa. Trong các trường hợp dưới đây, bạn nên liên hệ bác sĩ ngay lập tức:

- Sốt đã kéo dài hơn 4 hoặc 5 ngày

- Trẻ phản ứng kém hơn bình thường hoặc giao tiếp bằng mắt kém.

- Sốt kèm theo đau đầu dữ dội, mệt mỏi, nôn mửa hoặc các triệu chứng khó chịu khác.

- Trẻ bị sốt sau khi bị bỏ lại trong ô tô nóng.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, sốt không rõ nguyên nhân luôn là điều đáng lo ngại. Bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc ngay lập tức nếu trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có bất kỳ cơn sốt nào, nếu trẻ không có biểu hiện giống mình hoặc nếu bạn lo lắng.

Ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, nhiệt độ trên 37,9 độ C cần được điều trị ngay lập tức. Ở trẻ em dưới 2 tuổi, sốt cao hơn 39 độ C cần phải gọi bác sĩ nhi khoa.

Nguồn: zingnews.vn