Nữ tướng REE: Những lần vấp ngã và đứng dậy

Gắn với nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á Nguyễn Thị Mai Thanh là những kỷ lục đặc biệt: thúc đẩy REE trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu đầu tiên lên sàn chứng khoán của Việt Nam…

Nữ tướng REE: Những lần vấp ngã và đứng dậy

1

Một sáng đẹp trời năm 1985, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, khi ấy 33 tuổi bất ngờ được ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (TP.HCM) mời đến văn phòng. Chờ bà ngồi xuống ghế, ông Vân hỏi: “Mai Thanh có đồng ý thay chú làm Tổng giám đốc?”

Bị sốc, nhưng sau chút suy nghĩ, nữ kỹ sư trẻ gắn bó với xí nghiệp được 3 năm mạnh dạn trả lời: “Dạ có. Nhưng thưa chú, cho con được phép lựa chọn đội ngũ làm việc cùng mình”.

Dẫn người kế vị đi gặp cấp trên, ông Vân giải thích: “Tôi chọn Mai Thanh vì là người dám ra quyết định và dám chịu trách nhiệm”.

Hơn một năm sau, bà Mai Thanh chính thức tiếp quản chiếc ghế lãnh đạo với trăn trở: “Thế hệ lãnh đạo thứ nhất có tâm huyết, nhưng đã không vực dậy Xí nghiệp được, thì nay công ty cần sức trẻ hơn”.

Khi ấy, Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh đã hoạt động được 8 năm, nhiệm vụ chính là tận dụng các thiết bị cũ gom từ nhiều nguồn để lắp ráp dây chuyền sản xuất đá cây, nhưng định hướng hoạt động không rõ ràng, kinh doanh bế tắc. Ở tuổi 33, bà Mai Thanh quản lý 200 con người, ngày đầu đối mặt với một loạt khó khăn, trong đó có việc dàn nhân sự cấp trưởng, phó phòng đồng loạt xin nghỉ việc, kho hàng vật tư trống rỗng, tài khoản ngân hàng không một đồng.

Để có tiền nuôi quân, bà phải quyết định lập hồ sơ để Xí nghiệp vay vốn ngân hàng nhập tủ lạnh cũ, tân trang bán lại kiếm lời, lần hồi, cầm cự vượt qua cuộc khủng hoảng giá lương tiền năm 1986.

2

Đó là câu chuyện của gần 30 năm trước. Giờ đây nhìn lại phía sau, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) - Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh ngày xưa có nhiều lý do để hài lòng.

Cuối năm 2013, tổng tài sản của REE đạt 350 triệu USD, vốn chủ sở hữu hơn 200 triệu USD, doanh thu mỗi năm trên 100 triệu USD. Từ ngày đầu có vài cỗ máy cũ kỹ, REE mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều lĩnh vực mới, nền tảng vững chắc theo thế “chân kiềng”: cơ điện - văn phòng cho thuê - đầu tư chiến lược vào lĩnh vực hạ tầng tiện ích.

Hiện tại, ở mảng kinh doanh truyền thống cơ điện công trình (M&E), REE là nhà thầu không có đối thủ cạnh tranh nội địa xứng tầm, để lại dấu ấn ở nhiều công trình tầm vóc quốc gia: Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC), Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài T2 (Hà Nội), Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Saigon Trade Center (TP.HCM)…

Thương hiệu máy lạnh Reeteech dù có phần lép vế so với thương hiệu của các tập đoàn đa quốc gia, nhưng cũng chiếm giữ khoảng 10% thị phần.

Ở mảng kinh doanh bất động sản, REE quản lý hơn 110.000 m2 văn phòng cho thuê, diện tích lấp đầy ở mức 90 - 95%, mỗi năm đóng góp trên 100 tỷ đồng lợi nhuận. Rót 150 triệu USD vào lĩnh vực hạ tầng tiện ích, REE là cổ đông lớn của 4 công ty khai thác than, 5 công ty sản xuất điện, 6 công ty cung cấp nước.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đánh giá: “Chị Mai Thanh là người đổi mới, biết chớp thời cơ. REE là trường hợp doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu thành công sau cổ phần hóa”.

3

Bà Mai Thanh in đậm dấu ấn cá nhân trên con đường REE lớn mạnh. Cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Xí nghiệp liên hiệp, dưới sự dẫn dắt của người kỹ sư chuyên ngành điện lạnh tốt nghiệp Đại học Karlmax- Stadt (Đức), đã bước hẳn sang lĩnh vực M&E với các công trình quy mô: Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát TP.HCM, UBND TP.HCM, Khách sạn New World, Saigon Trade Center, Khách sạn Caravelle
(TP.HCM)...

Bước ngoặt lớn của REE diễn ra vào năm 1992, gắn với Nghị định 102/CP, khi Nhà nước thí điểm cổ phần hóa. “Nó như một cái phao cứu sinh cho những ai muốn thay đổi, muốn tốt đẹp hơn, năng động hơn, tự chủ hơn”, bà Mai Thanh nhớ lại.

REE không nằm trong nhóm 6 doanh nghiệp “hạt giống”, nhưng sau khi giải thích, Tổng giám đốc đã xin “được” thí điểm, vì nhận ra Công ty lúc ấy đã vượt qua thời kỳ khó khăn, nhưng thiếu tự chủ trong kinh doanh, thiếu động lực làm việc. Làm ăn khá, được phê duyệt thí điểm, REE trở thành công ty cổ phần đúng dịp sinh nhật bà Mai Thanh, ngày 25/12/1993.

Thời gian này ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều tòa cao ốc mọc lên, REE làm không hết việc ở mảng M&E, nhưng bà Mai Thanh ấp ủ kế hoạch sản xuất máy điều hòa thay vì chỉ làm đại lý phân phối cho nhiều thương hiệu nổi tiếng. Có dịp đi nhiều nước, thuyền trưởng REE tìm ra nguồn thiết bị, linh kiện nhập khẩu, nhưng vướng nút thắt tài chính.

Năm 1996, một vị khách bất ngờ gõ cửa Công ty. Đó là Dominic Scriven, nhà quản lý Quỹ VEIL. Ông đến với lý do “nghe nói ở TP.HCM có một doanh nghiệp làm ăn khá và năng động nên thử đến tìm cơ hội”. Lời chào đầu của Dominic Scriven với REE là một khoản vay 5 triệu USD theo hình thức trái phiếu chuyển đổi.

Những tư tưởng lớn gặp nhau, thương hiệu máy điều hòa Reetech ra đời.

4

Một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam bị ảnh hưởng, nhiều công trình xây dựng bị đình trệ, hoạt động kinh doanh của REE trở nên bấp bênh, phụ thuộc vào sự nóng lạnh của thị trường bất động sản.

Trong những ngày tháng khó khăn, bà Mai Thanh mạnh dạn sắp xếp lại sản xuất, đưa nhà xưởng về Khu công nghiệp Tân Bình. Với mặt bằng đất rộng, mặt tiền đường Cộng Hòa, REE xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê. Tòa E -Town đầu tiên, diện tích 30.000 m2, khánh thành năm 2002, được lấp đầy trong 18 tháng tạo cú huých để công ty phát triển thêm gần 80.000 m2 văn phòng cho thuê trong một thập niên sau đó.

Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động, với sự mạnh dạn của người thuyền trưởng, REE tạo ra nhiều cột mốc đáng nhớ: doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu lên sàn đầu tiên…

5

Dù là linh hồn, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho REE lớn mạnh, nhưng 6 năm trước, bà Mai Thanh đã bị nhiều cổ đông nghi ngờ về vai trò lãnh đạo. Giai đoạn 2006 - 2007, thời kỳ chứng khoán bùng nổ, có lúc cổ phiếu REE đã được giới đầu tư sang tên với mức giá kỷ lục 300.000 đồng/cổ phiếu. Sự kỳ vọng lúc ấy hướng vào danh mục đầu tư tài chính của REE lên tới gần 1.300 tỷ đồng - động lực mới của REE khi các lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A) tăng trưởng chậm lại, quỹ đất đã cạn.

Hy vọng biến thành thất vọng khi chứng khoán quay đầu. Dù các mảng kinh doanh cơ điện và văn phòng cho thuê vẫn có lãi nhưng cuối năm 2008, REE báo lỗ hơn 150 tỷ đồng vì 450 tỷ đồng trích lập dự phòng chứng khoán giảm giá. Bị giới đầu tư quay lưng, cổ phiếu REE có lúc mất giá tới 85% giá trị so với thời kỳ đỉnh cao.

Sau cú sảy chân, trong Đại hội đồng cổ đông, bà Mai Thanh nói: “Năm 2008 vừa qua là sai lầm lớn nhất của Ban giám đốc và HĐQT. Chúng tôi đã lên kế hoạch cắt lỗ từ đầu năm, nhưng không cương quyết làm ngay vì vẫn hy vọng thị trường sẽ phục hồi trở lại” và nhận trách nhiệm: “Tổng giám đốc là người chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi xin nhận sự yếu kém này trước cổ đông”.

Sự thẳng thắn này giúp thuyền trưởng của REE lấy lại chút thiện cảm, nhưng nhiều cổ đông nhìn nhau nghi ngờ: Khủng hoảng đang lan rộng, thị trường bất động sản đóng băng, cả hai mảng kinh doanh cơ điện công trình và văn phòng cho thuê bị ảnh hưởng nặng, mảng đầu tư tài chính phá sản, REE còn “bài” gì mới để tiến lên?

6

Năm 2013, cổ đông REE có lý do để hài lòng khi giá cổ phiếu tăng gấp đôi trong vòng 12 tháng, lần đầu tiên lợi nhuận trước thuế của REE vượt 1.000 tỷ đồng, Công ty gia nhập nhóm “câu lạc bộ lợi nhuận ngàn tỷ” gồm các tên tuổi lẫy lừng: Vinamilk, Masan, Vingroup, FPT, Hòa Phát… bà Mai Thanh cũng có một năm thành công khi là một trong 3 nữ doanh nhân Việt được Tạp chí Forbes (Asia) vinh danh “Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á”.

Cũng như các cuộc khủng hoảng trước đây, mỗi khi REE ở thế chân tường, bà Mai Thanh lại tìm ra một hướng đi mới.

Nếu khủng hoảng 1986, REE bước hẳn sang mảng M&E và khủng hoảng châu Á, REE có mảng kinh doanh văn phòng cho thuê, thì sau cú vấp ngã năm 2008, bà Mai Thanh đã quyết đoán cắt bỏ các khoản đầu tư tài chính, dốc nguồn lực đầu tư chiến lược vào hạ tầng tiện ích - mảng kinh doanh đóng góp một nửa lợi nhuận trong năm 2013.

Ông Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital nhận xét về năng lực lõi của REE là hiểu biết sâu sắc ngành điện và xây dựng, nên sự tham gia “đi tắt đón đầu” vào lĩnh vực tiện ích là phù hợp, đón đầu cơ hội khi các lĩnh vực này hoạt động theo cơ chế thị trường hơn.

7

Một sáng đẹp trời cuối năm 2013, ngồi trong văn phòng làm việc tại tòa nhà E - Town, giữa buổi trả lời phỏng vấn, bà Mai Thanh cầm bút thoăn thoắt vẽ một hình kim tự tháp, miệng diễn giải về mô hình của REE: “Phần đáy là khoản đầu tư vào lĩnh vực tiện ích cho thu nhập vững chắc; phần giữa là mảng bất động sản đóng góp lợi nhuận ổn định; trên cùng là mảng cơ điện (ME và Reteech) được đầu tư nhiều chất xám để ngày càng có sức cạnh tranh tốt hơn”…

Nhớ lại các thăng trầm của công ty mà mình gắn bó 32 năm, nữ doanh nhân làm nên thành công của REE nhắc đến câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: “Đừng đánh giá tôi dựa trên những lần thành công. Hãy đánh giá tôi về số lần tôi gục ngã và đứng dậy trở lại”.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}