Điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014 là quyền khởi kiện của cổ đông được mở hơn theo thông lệ quốc tế, nhưng các quy định pháp lý liên quan vẫn “đóng”, nên đang có quan ngại sẽ làm giảm ý nghĩa cải cách của Luật Doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp 2014 “mở”
Những năm gần đây, tuy các nhà hoạch định chính sách đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan, nhưng mức độ bảo vệ lợi ích của NĐT ở nước ta vẫn liên tục bị xếp hạng ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Cụ thể, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo kinh doanh 2015, mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam xếp thứ 117/188 quốc gia; hệ số thủ tục khởi kiện của cổ đông tại các DN ở Việt Nam chỉ đạt 1/10 điểm…
Bà Nadine Abi Chakra, Chuyên gia Nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh doanh của WB, cảnh báo: nếu Việt Nam chậm trễ trong cải thiện chỉ số bảo vệ NĐT nhỏ lẻ, thì vừa khó thu hút dòng vốn nước ngoài tham gia TTCK, vừa khó khích lệ nguồn vốn trong nước đầu tư nhiều hơn vào DN.
Kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng, ở những quốc gia mà NĐT nhỏ lẻ được bảo vệ tốt, sẽ tạo động lực khuyến khích họ tự tin hơn khi bỏ vốn đầu tư vào DN. Ngược lại, ở những nước mà NĐT nhỏ lẻ không được bảo vệ tốt, thì thị trường tài chính khó phát triển, khó trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho DN.
Thực trạng trên có nhiều lý do, nhưng dưới góc độ của Luật Doanh nghiệp hiện hành, thì có nguyên nhân từ một số quy định liên quan chưa tạo thuận lợi cho cổ đông, thành viên công ty thực hiện quyền khởi kiện người quản lý DN trong trường hợp cần thiết so với thông lệ quốc tế tốt như: hạn chế quyền tiếp cận thông tin DN, tự chịu chi phí khởi kiện trong trường hợp khởi kiện nhân danh công ty... Mặt khác, hiện trình tự, thủ tục khởi kiện còn phức tạp, kéo dài, tốn kém.
Để khắc phục tình trạng này, điểm đáng chú ý tại Luật Doanh nghiệp 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, là bổ sung quy định: cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc...
Quy định này được kỳ vọng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông; đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông.
Với hướng cải cách trên, quyền khởi kiện của cổ đông được mở hơn so với quy định hiện hành. Bởi không chỉ có quyền tự mình khởi kiện, Luật Doanh nghiệp 2014 còn trao cho cổ đông quyền được trực tiếp hoặc nhân danh công ty khởi kiện (cơ chế kiện phái sinh) cá nhân người quản lý DN khi phát hiện người quản lý DN có các hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho DN và gián tiếp cho cổ đông, để đòi bồi thường thiệt hại.
Quy định pháp luật khác vẫn “đóng”
Những cải cách của Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ cải thiện một phần khả năng bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ, phần quan trọng còn lại phụ thuộc nhiều vào mức độ cải cách của hệ thống tư pháp về tố tụng dân sự, cơ quan tòa án. Điều đáng tiếc là hiện nay khái niệm kiện phái sinh chưa có trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoại trừ được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014.
Cơ chế kiện phái sinh rất quan trọng và nó không dễ phát huy hiệu quả theo cơ chế khởi kiện như quy định của pháp luật về dân sự hiện hành, đó là ai bị thiệt hại trực tiếp, thì mới có quyền khởi kiện. Bởi lẽ, hành vi vi phạm của người quản lý DN thường gây thiệt hại trực tiếp cho DN, còn chỉ gây thiệt hại gián tiếp cho cổ đông.
Sẽ là không tưởng nếu trông chờ DN đứng ra khởi kiện người quản lý DN, bởi điều này chẳng khác nào người quản lý DN tự kiện chính họ. Bởi vậy, để cơ chế kiện phái sinh phát huy tốt hiệu quả trong bảo vệ cổ đông, cần sớm sửa đổi Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng bổ sung các nội dung về trình tự, thủ tục của cơ chế khởi kiện phái sinh.
Ngoài ra, chuyên gia của WB cho rằng, cũng cần sửa đổi Luật Chứng khoán và các quy định pháp lý liên quan theo hướng mở rộng phạm vi phải chịu trách nhiệm đối với các thành viên HĐQT khi để xảy ra các giao dịch có vi phạm; yêu cầu thành viên HĐQT có trách nhiệm trực tiếp hoàn trả khoản lợi nhuận thu được từ giao dịch có vi phạm, sau khi nguyên đơn (cổ đông) khởi kiện đòi bồi thường thành công; cho phép tòa án xóa bỏ hiệu lực của giao dịch có vi phạm, hoặc có gây tổn thất sau khi bên nguyên đơn (cổ đông) khởi kiện đòi bồi thường thành công; cho phép bên nguyên đơn thu thập các chứng từ và thông tin (từ bên bị đơn và nhân chứng) liên quan đến nội hàm yêu cầu đòi bồi thường…
Đổi mới về cơ chế là quan trọng, nhưng tự thân nó không tạo ra bước cải cách trong bảo vệ cổ đông, điều rất quan trọng là cổ đông hãy tích cực sử dụng tối đa các quyền mà pháp luật trao cho, để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích mà đáng ra mình được hưởng, đây vốn là điều đang rất yếu.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Người sống thọ đều có chung 7 thói quen này, ai thông minh đã áp dụng từ lâu
-
Instagram sẽ trả tiền cho người dùng sáng tạo video hay như Youtube
-
20 hạng mục cần kiểm tra khi ô tô 'lội nước' sau cơn mưa lớn ở Hà Nội
-
SUS Việt Nam – Tổng thầu thiết bị vệ sinh đẳng cấp 5 sao
-
'Chi tiêu trả thù' ở khắp châu Á
-
Ogival OG3356ALSK-T: Chiếc đồng hồ không thể thiếu trong tủ đồ của các cô nàng
-
Ecolife Capitol tung ưu đãi nhân dịp nhận chứng chỉ xanh EDGE
-
Kế hoạch đưa lỗ luỹ kế vượt 3.000 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc sẽ… âm vốn chủ sở hữu
-
Lạm phát tại Hàn Quốc cao nhất trong 24 năm
-
CEO Humana và giấc mơ đến năm 2020