"Siết" thương mại điện tử: Mua hàng online phải thanh toán qua ngân hàng?

Đề xuất của Bộ Tài chính nhằm quản lý và thu thuế với hoạt động thương mại điện tử, được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). 

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất cần có quy định bắt buộc phải thanh toán thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng), hoặc dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép, theo quy định của pháp luật.

Để có cơ sở pháp lý quản lý thuế đối với thương mại điện tử, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này.

Cũng tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung những điều khoản liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp và các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để phát triển thanh toán thương mại điện tử; nghiên cứu, đề xuất các dịch vụ xuyên biên giới khi thực hiện thanh toán phải thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, Youtube… có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Để có sự phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông…, dự thảo luật quy định các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Trước đó, tại Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) gửi lên Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá, ở Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh này, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài. Mô hình kinh doanh này ngày một phát triển do sự thuận lợi từ những đặc điểm của loại hình kinh doanh qua mạng.

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh. Giao dịch bằng phương tiện điện tử cũng nhanh hơn so với giao dịch truyền thống, chi phí rất rẻ, một doanh nghiệp có thể gửi thư tiếp thị, chào hàng đến hàng loạt khách hàng chỉ với chi phí giống như gửi cho một khách hàng.

Với hoạt động thương mại điện tử, các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau, giữa thành phố với nông thôn, từ nước này sang nước khác, hay nói cách khác là không bị giới hạn bởi không gian địa lý. Điều này cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian gặp mặt trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thật nhanh chóng. Những lợi ích như trên chỉ có được với những tổ chức, cá nhân thực sự nhận thức được giá trị của thương mại điện tử.

"Vì vậy, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu được nhiều lợi ích nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài", Bộ Tài chính cho biết.

Phương Dung

Nguồn Dân trí