Khi sân khấu rối thể hiện đề tài chống tham nhũng

Tối 30/10, vở diễn 'Lời thề' chính thức lên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng đã gây nhiều bất ngờ cho những người yêu sân khấu, bởi đây là lần đầu tiên một kịch bản chính luận về đề tài chống tham nhũng được thể hiện đầy thuyết phục bằng ngôn ngữ rối.

Một cảnh trong vở rối "Lời thề".

Vở diễn lấy chất liệu từ Lễ hội truyền thống Minh Thề diễn ra ngày 14 tháng Giêng hằng năm tại Di tích Đình chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Lễ hội này có nguồn gốc cách đây gần 500 năm, do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung, người con của quê hương Kiến Thụy đề xướng. Đây là lễ hội kết hợp giữa tín ngưỡng và giáo dục đạo lý, nhân cách với lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng trật tự, kỷ cương khi thực hiện công vụ. Năm 2017, Lễ hội Minh Thề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Gần năm thế kỷ đã trôi qua nhưng những lời thề thiêng liêng tại lễ hội vẫn mang tính thời sự, nhất là đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chính điều này đã thôi thúc ê-kíp sáng tạo quyết tâm làm sống dậy Lễ hội Minh Thề trên sân khấu.

Thể hiện nội dung chống tham nhũng lâu nay vẫn luôn là thách thức đối với mọi loại hình nghệ thuật biểu diễn bởi nếu làm không tới sẽ dễ thành "bôi đen" hoặc lên gân, hô khẩu hiệu. Với ngôn ngữ rối, đây càng là thách thức vì rối diễn khó có thể linh hoạt như người diễn. Tuy nhiên, thông qua cốt truyện dung dị, những thông điệp gửi gắm qua "Lời thề" được chuyển tải đầy tự nhiên, mềm mại. Vở diễn bắt đầu từ mong muốn của nhân vật xã trưởng vì thương con và muốn có cháu nối dõi tông đường cho nên quyết định chia rẽ tình yêu của Đào và Định. Ông ta hứa sẽ phân một mảnh đất công cho cha con Định, chàng trai nghèo vốn có cuộc sống lênh đênh nơi sông nước. Đổi lại, Đào phải nhận lời lấy đứa con đầu óc không được bình thường của ông ta. Khi tất cả lộ ra đã trở thành cái cớ dẫn đến những lời thề trong lễ hội… Đảm nhận vai trò đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ, đây là câu chuyện gắn liền lễ hội dân gian truyền thống, vừa vẹn nguyên giá trị thời sự, vừa thấm đẫm giá trị nhân văn nên đặc biệt phù hợp với sân khấu rối. Điều thú vị là cả quan và dân đều thề, cho nên lời thề không đao to búa lớn mà như lời răn dạy cùng nhau sống trong sạch, nghĩa tình.

Điểm yếu của các "diễn viên" rối là hạn chế trong lột tả nội tâm nhân vật, trong khi vở diễn có cả những cảnh yêu đương, chia lìa, hối lỗi, đồng cảm, sẻ chia… làm thế nào để thông điệp lời thề được soi thấu, dễ đi vào lòng người là điều không đơn giản. Tuy nhiên, ê-kíp sáng tạo đã khỏa lấp những sở đoản của con rối bằng việc xử lý những yếu tố âm nhạc, ánh sáng, lời thoại để tạo cao trào, đẩy cảm xúc của người xem. Chẳng hạn, trong khung cảnh cung đình trầm mặc, sau những giây phút suy tư, trăn trở, khi nhân vật Thái hoàng Thái hậu tìm ra lời thề, không gian chung quanh liền tối lại, ánh sáng di chuyển tập trung vào nhân vật khiến hình ảnh Thái hoàng Thái hậu ngời sáng như ngọc. "Nếu là người diễn, đến cảnh này gương mặt diễn viên sẽ bừng sáng, ánh mắt long lanh nhưng con rối không làm được vậy mà phải cần dùng ánh sáng để tôn lên nhân vật" - NSND Nguyễn Tiến Dũng cho hay. Hay ở cuối vở, khi lời thề vừa cất lên, âm nhạc tràn vào giúp lời thề trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn. Toàn bộ phần âm nhạc trong vở diễn là những làn điệu chèo ngọt ngào, sâu lắng càng tạo sự gắn kết duyên dáng với câu chuyện diễn ra nơi làng quê Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, làm nên sức hút của vở diễn kéo dài 90 phút bằng hình thức rối que truyền thống phải kể đến nỗ lực của cả tập thể nghệ sĩ, diễn viên trong điều khiển rối, nhất là khi có những nhân vật cần tới ba, bốn người cùng điều khiển. Chẳng hạn, để thể hiện chuỗi động tác của nhân vật xã trưởng như bò, quỳ, lết gối… cần cả người điều khiển chính, người phụ tay, người phụ chân, đòi hỏi các nghệ sĩ phải khổ luyện, biết cách đón ý nhau, tạo ra sự kết hợp nhuần nhuyễn. Ngay cả khâu lời thoại cũng được các nghệ sĩ luyện tập trong suốt một năm qua. Theo dõi "Lời thề", người xem thấy ấn tượng khi sân khấu được tổ chức thành ba tầng diễn. Điều này khiến không gian diễn trở nên sâu rộng, khoáng đạt hơn. Đặc biệt, ở tầng dưới cùng, trong một số cảnh, có cả người thật lên sân khấu như một yếu tố điểm xuyết, bổ trợ, góp phần khắc họa bối cảnh sống động của vở diễn.

"Lời thề" cũng là vở rối đầu tiên NSND Nguyễn Tiến Dũng thử nghiệm sử dụng toàn bộ màn hình led ở ba tầng diễn để thay cho màn che biểu diễn và tạo phông nền sân khấu. Các tầng không gian vì thế được thay đổi liên tục, khi là sân đình, cung điện, lúc là bến nước, vườn hoa… Không bị gián đoạn bởi những đoạn tắt đèn thay cảnh như thường thấy cho nên cảm xúc của người xem cũng được tiếp nối liên tục theo mạch diễn. Đây là tác phẩm nằm trong Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng. Với vở diễn này, ê-kíp dàn dựng không chỉ góp phần đưa di sản vào cuộc sống mà còn chứng minh được biên độ sáng tạo rộng mở của ngôn ngữ rối.

Nguồn: https://nhandan.vn/nghe-doc-xem/khi-san-khau-roi-the-hien-de-tai-chong-tham-nhung-672584/