Kênh Tẻ là ranh giới tự nhiên giữa hai quận 7 và 4 nằm trong khu vực nội thành TPHCM. Mỗi khi triều cường hay mưa lớn, đường Trần Xuân Soạn nằm dọc bờ kênh Tẻ bỗng hóa thành sông, lênh láng nước, phần từ trên trời rơi xuống, phần từ sông Sài Gòn tràn vào.
Những lúc như thế, mọi xe cộ, người đi đường đều bì bõm trong nước. Và tôi, một cư dân sống lâu nằm ở gần bờ kênh Tẻ cũng thường xuyên phải “bơi” một cách bất đắc dĩ trên con sông-phố này, khi sáng sớm tinh mơ đưa con đến trường, lúc đêm muộn sau giờ làm... Không ít lần tôi cũng như nhiều người đi đường khác đã gặp tai nạn trong khi đang bơi trong dòng nước.
Tác giả: Đại Dương
Ở cửa kênh Tẻ, nơi tiếp giáp sông Sài Gòn và cũng là đầu đường Trần Xuân Soạn đang mọc lên một công trình cống hộp ngăn triều cường. Công trình nằm trong dự án chống ngập của thành phố, được xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn còn trong tình trạng dang dở và phải “đắp chiếu” suốt hơn bốn năm qua.
Với 6 cống ngăn triều, 8 km đê bao ven sông Sài Gòn, Dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng của TPHCM được kỳ vọng giải quyết tình trạng ngập cho 570 km2 với 6,5 triệu dân thành phố. Tuy nhiên, các công trình thuộc dự án đã đồng loạt bị ngưng thi công bởi vướng mắc trong thủ tục tái cấp vốn.
Sự ngưng trệ đã gây lãng phí không ít tiền của cũng như thiệt hại không nhỏ đối với nhà nước lẫn người dân do nước ngập gây ra. Hàng loạt con đường trong thành phố cũng bị ngập sâu trong nước mỗi khi mưa to hay triều cường gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống của người dân. Nhiều nhà cửa cũng bị ngập sâu trong nước, chủ nhân phải còng lưng bơm, tát nước, kể cả nửa đêm và điều đó khiến họ cảm thấy bất an, sợ hãi. Riêng chủ đầu tư dự án, mỗi tháng thiệt hại hàng chục tỷ đồng từ việc trả lãi ngân hàng, chi phí bảo vệ công trình, duy tu hay khấu hao trang thiết bị... Chưa kể công trình bị xuống cấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ về sau.
Mặc dù chính quyền TPHCM đã trải qua mấy đời lãnh đạo với nhiều quyết sách và cả những quyết tâm, song nút thắt về thủ tục vẫn còn đó, vẹn nguyên. Trách nhiệm trong việc tháo gỡ nút thắt thủ tục, như xác định của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trước đây, không ai khác chính là chính quyền thành phố. Không những thế, chính quyền thành phố còn phải chịu trách nhiệm cả việc lãng phí, thiệt hại do nước ngập gây ra đối với người dân. Nước có thể dâng, đường sá, nhà cửa có thể ngập, song trách nhiệm không thể chìm.
Bao năm qua, hàng triệu người dân thành phố luôn phải sống trong nỗi ám ảnh ngập nước. Họ đang từng ngày trông ngóng dự án chống ngập nghìn tỷ sớm hoàn thành với hy vọng được thoát khỏi nỗi sợ hãi này. Đó là những mong mỏi hết sức chính đáng. Chính quyền thành phố phải có trách nhiệm và những giải pháp đi kèm hành động quyết liệt để xử lý triệt để những tồn tại, đồng thời đáp ứng những đòi hỏi của người dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất có thể. Có như thế, hàng triệu người dân mới sớm thoát khỏi cảnh sống trong sợ hãi.
Nguồn: https://tienphong.vn/song-trong-so-hai-post1436098.tpo
-
Ai chịu chơi bằng đại gia Minh Nhựa, tậu cả căn biệt thự Phú Mỹ Hưng vì thích cái cây trong nhà
-
LAS nâng cổ tức năm 2014 lên 40%
-
Đồng Tháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cây sen
-
Điều kiện, chi phí du học Úc mới nhất hiện nay
-
Những suy nghĩ hoang đường về chuyện rửa mặt
-
Bộ Tài Chính giảm thuế nhập khẩu cho lọc dầu Dung Quất
-
Các loại máy tính được phép mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2021
-
Giá vàng hôm nay (22/6): Trưa nay, vượt 39 triệu, vàng cao nhất 6 năm
-
Mê ma túy, mẹ nhốt con 5 tuổi một năm không cho ăn
-
Gần nửa triệu lao động có chuyên môn thất nghiệp