Suýt ngồi tù & 3 lần được phong `vua`

Dám nghĩ dám làm, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) từng suýt bị ngồi tù vì tham gia trục vớt hàng loạt cây cầu do máy bay Mỹ đánh sập. Rồi với hàng loạt ý tưởng táo bạo được hiện thực hóa bằng những công trình để đời, ông đã được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới với biệt danh “vua thép”, “vua cầu”, “vua cần cẩu”.

Suýt ngồi tù & 3 lần được phong `vua` - 1

Ông Nguyễn Tăng Cường (trái) hội đàm cùng ông Thái Phụng Nê, Phái viên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Minh Đức.

Suýt ngồi tù vì “độc chiêu” vớt cầu sập

Mặc dù giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chừng 1 năm (năm 2012), nhưng mỗi lần trò chuyện với chúng tôi, thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đều nhắc đến doanh nhân Nguyễn Tăng Cường với lời khen ngợi. Lần đầu tiên gặp vị doanh nhân này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng trước cái đầu cạo trọc, ăn mặc giản dị, và nụ cười rất… cá tính. Ông Cường cho biết xuất thân từ gia đình nghèo 3 đời làm nghề cơ khí. Ông nội sửa chữa súng đạn cho bộ đội Việt Minh, bố mẹ làm công nhân. Còn ông, lúc đó mở cửa hàng sửa xe đạp, vốn liếng chỉ là vài cái cờ lê, mỏ lết, săm lốp cũ…

“Một hôm đang đi ngoài đường, tôi gặp đôi nam nữ đi xe Honda từ Hải Phòng về Thanh Hóa, tới Ninh Bình bị hỏng xe. Chàng trai thì dắt xe chở nhiều va li, còn cô gái ôm bó hoa lay ơn, ghé xuống lề đường lấy nước tưới cho hoa khỏi héo. Vì đi guốc cao, cô gái không may bị trượt chân xuống bùn rồi kêu thất thanh. Thấy vậy tôi lao nhanh đến giải cứu cô gái và bó hoa khỏi bị bẩn. Lần đầu tiên trong đời ngửi mùi hương hoa từ một cô gái xinh đẹp, khiến tim tôi lúc ấy loạn nhịp... Tôi chạy một mạch về cửa hàng bồi thêm dòng chữ “sửa xe máy” vào tấm biển hiệu. Khi đôi trai gái dắt xe đến cửa hàng nhờ sửa, tôi tháo tung máy ra, hì hục sửa chữa cả đêm, đến sáng chiếc xe mới chịu nổ máy. Khi thanh toán, đôi nam nữ còn tặng tôi 1 bánh xà phòng Camay, trong khi dưới nền nhà vẫn còn một mớ ốc dư thừa từ chiếc xe máy” - ông Cường kể.

Kể từ đó ông Cường mày mò sửa xe máy và sửa rất giỏi. Khi có chút vốn liếng, ông đi lùng mua những chiếc xe máy cũ nát về “mông má” lại bán cho khách. Thậm chí còn cải tiến từ xe 3 số thành 4 số, từ côn tự động sang côn li hợp, chế tạo thành công “đầu bò” và xilanh. “Hồi đó chưa ai làm được xilanh, vì vậy bao nhiêu sản phẩm tôi làm ra đều bán hết veo” – ông Cường kể.

Suýt ngồi tù & 3 lần được phong `vua` - 2

Sản phẩm đèn Led do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung sản xuất.Ảnh: Minh Đức.

Năm 1992, ông Cường thành lập Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung và cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư sản xuất thành công hàng trăm mác thép chịu mài mòn, thép hợp kim, thép chịu nhiệt, chịu axit. Ban đầu đem sản phẩm đi chào hàng, nhiều người không tin và cho rằng chỉ có nước ngoài mới làm được. Ông Cường đã nghĩ ra cách bán chịu sản phẩm cho các nhà máy công nghiệp, nếu dùng tốt mới phải trả tiền. Thực tế cho thấy, sản phẩm làm từ sắt thép vụn của ông Cường giá rẻ mà chất lượng còn ưu việt hơn cả hàng ngoại, được nhiều nhà máy đưa vào sử dụng. Bền bỉ với những đóng góp đó, năm 2006, tập thể Cơ khí Quang Trung đã được Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, bản thân ông Cường vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ông Cường tiết lộ: Trước khi được gọi là vua thép, tôi từng có thời gian đi gom sắt vụn. Chả là thời chiến tranh, nhiều công trình cầu cống bị bom mìn phá hủy, nhấn chìm xuống sông. UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Ðoàn thanh niên đi cắt phá, thu gom sắt thép để giải phóng lòng sông. Phần nổi của cầu được lực lượng thanh niên dùng oxy gas cắt gọn, nhưng phần sắt thép chìm dưới bùn không có cách nào lấy lên được. “Tôi đứng ra thuê 2 xà lan, cho hàn kín mặt boong và đánh chìm xuống nước. Sau đó thuê thợ lặn lấy cáp buộc vào cầu rồi bơm nước ra để cho xà lan nâng cầu lên. Bằng phương pháp này, cả 3 cây cầu đều được tôi trục vớt thành công”– ông Cường kể.

Suýt ngồi tù & 3 lần được phong `vua` - 3

Ông Nguyễn Tăng Cường (đội mũ cối) giới thiệu sản phẩm cánh quạt chân vịt bằng inox giá 1 triệu USD do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung sản xuất

6 tháng sau khi trục vớt 3 cây cầu chìm, bỗng nhiên ông bị cán bộ công an đến lập biên bản và có khả năng truy tố về hành vi “Phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau đó, cơ quan công an lên xin ý kiến Bộ GTVT thì được ông Bùi Danh Lưu, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc bấy giờ chỉ đạo phải cấp bằng khen chứ không phải buộc tội ông Cường. Ông Bùi Danh Lưu cho rằng, ông Cường đã giải phóng được ách tắc giao thông đường thủy, trong khi Bộ GTVT bế tắc phương án giải quyết. Kể từ đó, ông Cường được gắn với biệt danh “vua cầu”.

Mới đây, ông được Bộ GTVT giao cho thực hiện hàng chục cây cầu để giải quyết ách tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM. Ngoài ra ông và tập thể kỹ sư của Xí nghiệp còn nghiên cứu chế tạo những chiếc cầu treo có tuổi thọ trên 25 năm, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Với thành tích đó, ngày 14/11/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân ông.

Suýt ngồi tù & 3 lần được phong `vua` - 4

Ông Nguyễn Tăng Cường giám sát hệ thống cần cẩu 1.400 tấn hạ rô to tại nhà máy thủy điện Lai Châu. Ảnh: Minh Đức.

Vua cần cẩu

Với những kiến thức, nguồn lực đã tích lũy được, ông Cường hăm hở đầu tư một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là sản xuất cẩu trục, cần cẩu. Giới cơ khí từng “kháo nhau” một anh thợ sửa xe đạp thì có thể làm được gì, bởi muốn sản xuất được cẩu trục, cần cẩu phải có trình độ công nghệ cực cao, máy móc tối tân, và tiền thì phải hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cơ khí còn cho rằng, ông hoang tưởng khi tuyên bố không chỉ làm được mâm xoay cần cẩu 6m như của Nga, mà còn làm được mâm xoay 36m, vốn đầu tư chỉ hơn 1 tỷ đồng. “Có kiến thức, có nền móng, không có lý do gì mà chúng ta không làm được. Muốn thành công, phải lấy khoa học công nghệ làm hàng đầu” - ông Cường nói.

“Tôi thu mua những bộ phận cẩu trục cũ của Nga như hộp giảm tốc, rồi cải tiến cho phù hợp với điều kiện, trình độ sử dụng tại Việt Nam. Mất vài năm, tôi và đội ngũ kỹ sư của Xí nghiệp đã hoàn thành chiếc cẩu trục đầu tiên, với hộp số trọng lượng chỉ 1 tấn chứ không phải 10 tấn như của Nga. Vì vậy giá thành cẩu trục rẻ hơn đồ nhập khẩu rất nhiều” - ông Cường nói thêm.

Ðến nay Xí nghiệp cơ khí Quang Trung gần như chiếm vị trí độc quyền trong công nghệ sản xuất cần cẩu siêu trường, siêu trọng “made in Việt Nam”, chuyên cung cấp cho các ngành đóng tàu, thủy điện, dầu khí..., với giá thành chỉ bằng 70% so với nhập ngoại.

Trong lễ hạ rô to tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Lai Châu ngày 15/10/2015, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ dự án thủy điện Sơn La, đến nay là dự án thủy điện Lai Châu, doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước đã đảm nhận được gần 100% phần việc. Trong đó chiếc cẩu trục có sức nâng 1.200 tấn do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung chế tạo có tỷ lệ nội địa khoảng 90%. Bên cạnh đó, Cơ khí Quang Trung còn là thương hiệu nổi tiếng gắn liền với nhiều công trình tầm cỡ như nối ống dầu ngoài khơi cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; cảng biển nổi ở Hải Hà; máy phát điện từ năng lượng sóng biển ở Hải Hậu…

Với những công trình để đời, đến giờ chẳng ai còn nhớ một ông Cường sửa xe đạp, hay ông Cường thu gom sắt vụn nữa, mà là Cường “vua cần cẩu” sở hữu tới 18 nhà máy, trung tâm công nghệ, trường dạy nghề tại nhiều tỉnh thành và quản lý gần 1.500 cán bộ, công nhân. Năm 2016, “ông trùm” này sẽ tung ra thị trường sản phẩm đèn Led công nghệ mới tiết kiệm 60% điện năng.

Nguồn 24h