Tăng room tín dụng đón đầu mùa kinh doanh cuối năm

 Trong khi một số nhà băng lớn chưa thoát khỏi tình trạng tăng trưởng tín dụng âm, thì không ít ngân hàng quy mô nhỏ phải xin tăng “room” để có thêm dư địa kinh doanh vốn trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của các doanh nghiệp.

Tăng room tín dụng đón đầu mùa kinh doanh cuối năm

Ngân hàng nhỏ chạy đua xin tăng room

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, tín dụng của Ngân hàng đến cuối tháng 8/2014 tăng trưởng khoảng 30%. Viet Capital Bank đang trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin tăng room tín dụng lên gấp đôi để có dư địa tăng trưởng dư nợ trong những tháng còn lại của năm. Đây là giai đoạn kinh doanh cao điểm nhất trong năm của các doanh nghiệp nên nhu cầu vốn của khách hàng sẽ tăng.

Theo ông Nam, Viet Capital Bank có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao, song xét về quy mô và con số tăng trưởng tuyệt đối, hiện dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng mới đạt hơn chục nghìn tỷ đồng, ngang bằng với chi nhánh của một ngân hàng lớn. Do đó, Viet Capital Bank phải xin mở room để có điều kiện mở rộng cho vay cuối năm.

“Nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp, thường tăng trong quý IV, vì đây là giai đoạn kinh doanh cao điểm”, ông Nam nói và cho hay, tỷ lệ dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vẫn chiếm phần lớn trong tổng dư nợ của Viet Capital Bank nên chính sách lãi suất với đối tượng khách hàng này luôn được Ngân hàng ưu đãi.

Lãi suất cho vay lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó phải kể đến nông sản, thủy sản được Viet Capital áp dụng trong khoảng 7 - 8%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9 - 11%/năm đối với kỳ hạn dài.

Tương tự, Phó tổng giám đốc Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm cho biết, Ngân hàng đã trình NHNN xin được nâng room tín dụng thêm khoảng 30% để có dư địa tăng trưởng dư nợ trong những tháng còn lại của năm. Tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng của Nam A Bank đạt xấp xỉ 30%.

Cũng như VietCapital Bank, quy mô hoạt động của Nam A Bank hiện vẫn còn khiêm tốn, nên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao, nhưng con số tăng trưởng tín dụng tuyệt đối không lớn. Năm 2013, tăng trưởng tín dụng của Nam A Bank đạt trên 60%, nhưng con số tuyệt đối chỉ đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo OCB chia sẻ, room tín dụng Ngân hàng nhận được 9 - 12% đầu năm nay đã sử dụng hết, nên OCB có kế hoạch xin tăng room để mở rộng cho vay trong bối cảnh mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp đang đến gần.

Có ý kiến cho rằng, tín dụng khó tăng mạnh do áp lực lãi suất đối với các doanh nghiệp vẫn lớn, trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế còn yếu, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Do đó, các ngân hàng nên xem xét giảm thêm lãi suất.

Về vấn đề này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nhận định, lãi suất đầu vào có thể giảm, nhưng đầu ra sẽ không còn giảm sâu. Bởi lẽ, lãi suất cho vay hiện đã giảm nhiều so với trước. Trong khi đó, với những doanh nghiệp hoạt động tốt, có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi và có đầu ra cho sản phẩm, thì họ quan tâm nhiều hơn đến sự ổn định của lãi suất.

“Điều quan trọng đối với doanh nghiệp hiện nay chính là đầu ra của sản phẩm và lãi suất ổn định, thay vì lãi suất giảm và ưu đãi trong giai đoạn đầu, nhưng lại tăng lên sau đó”, ông Văn nói.

Ngân hàng lớn “ì ạch”

Trái ngược với chiều hướng trên của nhiều ngân hàng nhỏ, đến thời điểm này, tăng trưởng của một số nhà băng lớn vẫn trong tình trạng ì ạch. Chẳng hạn, tại Eximbank, đến cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng âm 3,69%, cho dù nhà băng này đã nỗ lực cắt giảm lãi suất để thu hút khách hàng.

Nợ có khả năng mất vốn của Eximbank tính đến cuối quý II/2014 chiếm 61,7% tổng nợ xấu, đạt xấp xỉ 1.458 tỷ đồng, tăng gần 36% so với đầu năm. Mục tiêu tín dụng Eximbank đưa ra cho năm nay là tăng 12 - 14%, song theo lãnh đạo Ngân hàng, có thể chỉ đạt phân nửa.

Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho hay, để tìm được khách hàng tốt cho vay trong lúc này không dễ, cho dù lãi suất rất cạnh tranh, chỉ còn 7 - 8%/năm. Tăng trưởng tín dụng của ACB trong hai quý đầu năm chỉ đạt vài phần trăm. Theo ông Toàn, đẩy mạnh vốn ra thị trường đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng mới có thể hạn chế được nợ xấu. Đây cũng chính là áp lực để đạt chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cả năm, nhất là với chỉ tiêu lợi nhuận.

Kỳ vọng cho vay nông sản xuất khẩu

Theo lãnh đạo các nhà băng, lĩnh vực được quan tâm và trông cậy nhiều nhất để tăng trưởng tín dụng vẫn là nông sản, thủy sản, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu. Ngân hàng sẽ đẩy mạnh vốn vào các lĩnh vực này và xem xét cho vay tín chấp.

Thực tế, các ngân hàng đã triển khai cho vay tín chấp từ lâu, nhưng 3 năm trở lại đây, tín dụng tín chấp bị thu hẹp khi nợ xấu gia tăng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, các NHTM trên địa bàn Thành phố đang bắt đầu triển khai chủ trương của NHNN là đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cho vay, trong đó có cho vay tín chấp, song các ngân hàng cũng rất dè chừng. Bởi lẽ, rủi ro trong cho vay tín chấp cao, đòi hỏi trích dự phòng cao. Vì thế, các ngân hàng sàng lọc rất kỹ khách hàng cho vay tín chấp và chỉ cấp tín dụng đối với doanh nghiệp tốt, dự án sản xuất - kinh doanh có tính khả thi cao.

Theo ông Minh, trên địa bàn Thành phố hiện còn 2 NHTM có dư nợ tín dụng tăng trưởng âm. Một phần nguyên nhân khiến tín dụng khó tăng là do các nhà băng này tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu và ngăn chặn các khoản nợ xấu mới phát sinh.

Tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là gần 6%, mới đi được nửa chặng đường so với chỉ tiêu cả năm. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, mục tiêu của ngành trong những tháng cuối năm là tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% năm 2014. Trường hợp không đạt được mục tiêu trên, tín dụng cũng phải tăng trên 10% mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Thùy Vinh

{fcomment}