"Tại đất nước của chúng tôi có 3,6 triệu người tị nạn Syria. Liên minh châu Âu (EU) hãy đến mà xem. Đừng cố làm chiến dịch trông giống một cuộc xâm lược, điều đó không đúng. Nếu các ngài ngoan cố, tôi sẽ gửi 3,6 triệu người tị nạn tới nước của các ngài", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 10-10 tuyên bố, theo TRT.
Ông Erdogan một lần nữa khẳng định chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ vừa triển khai ở Syria dưới tên gọi "Mùa xuân Hòa bình" được phát động cùng "tình yêu dành cho người dân Syria" và để bảo vệ nước này trước các nhóm vũ trang người Kurd vốn bị Ankara coi là các phần tử khủng bố.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cam kết binh sĩ nước này sẽ không đi sâu hơn 30km tính từ đường biên giới vào khu vực Đông Bắc Syria, đúng theo yêu cầu của nước này với một "vùng đệm an toàn" đã kí với Mỹ, nhưng Washington không thể thiết lập.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9-10 khởi động tấn công dân quân người Kurd ở Syria với sự hỗ trợ của nhóm phiến quân Quân đội Syria tự do (FSA). Sau đợt không kích và pháo kích, bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới và tấn công vào các thị trấn then chốt.
Bước đi trên được tiến hành ngày sau khi Mỹ ngày 7-10 rút toàn bộ lực lượng khỏi miền Bắc Syria, động thái được cho là đã "bật đèn xanh" để Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch tấn công dân quân người Kurd, vốn sát cánh bên Mỹ trong cuộc chiến chống IS nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Các tổ chức nhân đạo cảnh báo giai đoạn mới trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua ở Syria này có thể một lần nữa gây ra những hậu quả thảm khốc đối với dân thường. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) nhấn mạnh 60.000 người đã phải sơ tán khỏi Bắc Syria trong chưa đầy 24h qua.
Các nước châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp ra tuyên bố lên án chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều cường quốc trên thế giới khác bày tỏ lo ngại chiến dịch của Ankara có thể khiến các tù nhân IS trốn khỏi trại giam do người Kurd kiểm soát.