Tồn ngân cao, sao còn tăng phát hành trái phiếu?

 Trong bối cảnh tồn ngân cao làm dấy lên lo ngại việc tăng huy động vốn qua kênh trái phiếu, nhưng không kịp giải ngân, sẽ làm lãng phí ngân sách do phải trả lãi, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, không có gì bất thường khi tăng hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 22.000 tỷ đồng trong năm nay.

Tồn ngân cao, sao còn tăng phát hành trái phiếu?

“Hai việc không liên quan…”

Đó là khẳng định của bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, khi trả lời câu hỏi của ĐTCK tại sao tồn ngân đang cao, lại tăng hạn mức phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) từ 210.000 tỷ đồng lên 232.000 tỷ đồng, như kế hoạch điều chỉnh vừa được Kho bạc Nhà nước công bố.

Đến cuối tháng 7/2014, tồn ngân trong hệ thống kho bạc nhà nước khoảng 90.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Lượng tồn ngân này cao hơn mức bình thường khoảng 15 - 16%. Điều này làm dấy lên quan ngại liệu tốc độ huy động vốn đầu tư qua kênh trái phiếu có quá nhanh, góp phần tăng tồn ngân, làm gia tăng sức ép lên ngân sách do huy động vốn về nhưng giải ngân chậm, trong khi vẫn phải trả lãi?

Theo phân tích của bà Hiền, tồn ngân cao và tăng hạn mức phát hành TPCP là hai việc khác nhau. Cụ thể, tồn ngân của hệ thống kho bạc tăng là do tồn của các nguồn: ngân sách Trung ương, địa phương và tiền gửi của các đơn vị hành chính sự nghiệp tại hệ thống kho bạc.

Trong khi theo quy định, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được lần lượt sử dụng tách biệt cho các kế hoạch chi tiêu của Trung ương và địa phương, mà không được sử dụng chéo cho nhau.

Trong số 90.000 tỷ đồng tồn ngân, thì chỉ có khoảng hơn chục nghìn tỷ đồng là thuộc ngân sách Trung ương. Đây là con số không có gì bất thường so với cùng kỳ các năm. Trong khi việc phát hành TPCP là nhằm bù đắp bội chi cho ngân sách nhà nước (được hiểu là ngân sách Trung ương), nên không liên quan đến tình trạng tồn ngân cao.

“Theo kế hoạch bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua cho năm nay là 5,3% GDP, nên việc điều chỉnh tăng hạn mức phát hành TPCP năm 2014 từ 210.000 tỷ đồng lên 232.000 tỷ đồng vẫn nằm trong kế hoạch bội chi cho phép...”, bà Hiền nói và lý giải thêm nguyên nhân tăng hạn mức phát hành TPCP.

Đó là để triển khai kế hoạch huy động vốn nằm trong tỷ lệ bội chi ngân sách hàng năm được Quốc hội thông qua, Chính phủ thường huy động từ hai nguồn là trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do bối cảnh huy động vốn từ thị trường quốc tế hiện không thuận lợi, trong khi sức cầu trên thị trường trái phiếu trong nước đang khả quan, nên việc quyết định tăng hạn mức phát hành TPCP để huy động vốn từ thị trường trong nước là hợp lý, để đảm bảo nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển.

Hút mất vốn của DN?

Trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế vẫn yếu như đánh giá của các chuyên gia, rõ ràng đang tác động tiêu cực đến hoạt động của DN. Điều này đồng nghĩa một trụ cột đầu tư chính của nền kinh tế là khu vực DN bị chững lại. Hệ quả là làm cho hệ thống DN hấp thụ vốn đầu tư (bao gồm cả vốn tín dụng) kém, tác động tiêu cực đến khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Để bù đắp phần hụt cầu đầu tư của khu vực DN, việc tăng hoạt động đầu tư từ khu vực Nhà nước là hợp lý. Do vậy, việc tăng hạn mức phát hành TPCP là một tín hiệu mừng hơn lo, bởi sẽ gia tăng nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế. Tuy nhiên, để tránh hệ lụy tiêu cực của việc tăng đầu tư từ khu vực Nhà nước, cần giải quyết hai chuyện quan trọng.

Đầu tiên, cần quyết liệt hơn trong cải cách đầu tư công, để nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thiểu tình trạng dàn trải, kém hiệu quả, thậm chí lãng phí. Việc tăng lượng vốn đầu tư từ ngân sách, trong khi hiệu quả đầu tư nếu không tăng tương xứng, thì sẽ tích tụ các yếu tố tiêu cực trong nền kinh tế khiến lạm phát tăng, gây bất ổn vĩ mô.

Thứ đến, trong bối cảnh ngân hàng đang ế vốn, với tư cách là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường TPCP, việc tăng hạn mức phát hành TPCP sẽ góp phần giải tỏa mối lo ế vốn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu chính sách tài khóa điều hành “quá tay”, có thể sẽ tiếp tục làm tăng lượng vốn các ngân hàng đổ vào kênh trái phiếu, sau khi điều này đã diễn ra trong 8 tháng qua.

Đây là điều các chuyên gia, DN lo ngại, bởi thay vì nỗ lực tìm cách đẩy vốn mạnh hơn cho khu vực DN, các ngân hàng sẽ tăng rót vốn vào kênh trái phiếu, vừa an toàn, vừa đảm bảo tỷ lệ sinh lời không tệ. Điều này sẽ càng khiến cơn khát vốn của DN thêm trầm trọng, tác động tiêu cực đến một trụ đầu tư hiệu quả, năng động, có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế là DN.

Tân Văn

{fcomment}