Chủ tịch PNJ: Cuộc chinh phạt mới & chuyển giao quyền lực

 Gần 30 năm lèo lái PNJ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cao Thị Ngọc Dung đã nghĩ đến việc phải chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp.

Chủ tịch PNJ: Cuộc chinh phạt mới & chuyển giao quyền lực

Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang có một khởi đầu đáng ghi nhận trong năm 2014. Nửa đầu năm nay, dù tình cảnh ảm đạm của thị trường vàng miếng khiến cho doanh thu thuần của PNJ chỉ đạt 4.925 tỉ đồng, thấp hơn kế hoạch, nhưng bù lại, lợi nhuận sau thuế lại vượt kế hoạch, tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con số biết nói này cũng đã giúp PNJ vượt qua những hoài nghi về khả năng công ty này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai, khi mà các “đại gia” cùng ngành như SJC, DOJI lấn sâu hơn sang lĩnh vực trang sức, vốn là thế mạnh của PNJ.

Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như hiện nay, khả năng PNJ quay lại giai đoạn đạt lợi nhuận kỷ lục (2011-2012) là có tín hiệu. Đáng nói hơn, lợi nhuận này đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh trang sức cốt lõi của PNJ, chứ không nhờ vào yếu tố đột biến như những “đợt sóng” vàng miếng mà chúng ta từng chứng kiến từ những giai đoạn trước.

Hiển nhiên, đằng sau bất kỳ câu chuyện kinh doanh thành công nào cũng phải có những nhân tố mang tính quyết định. Với PNJ, không thể không phủ nhận vai trò quan trọng của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty, người thuyền trưởng suốt 26 năm qua. Bà đã hé lộ nhiều điều lý thú vị trong nỗ lực tái cơ cấu của PNJ, những thách thức trên chặng đường phát triển bền vững, cũng như thời điểm chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Công ty.

Ăn may hay ăn chắc mặc bền?

Bà có thể chia sẻ lý do vì sao lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay của PNJ đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái?

Theo tôi thì thực ra thị trường vàng trang sức từ đầu quý IV.2013 đã có những chuyển biến tích cực. Xuất phát từ niềm tin vào sự phục hồi kinh tế của người dân, nên nhu cầu mua sắm vàng trang sức nói chung có tăng, vì thế, chúng tôi tăng trưởng cao. Ví dụ, mảng bán sỉ của PNJ đã tăng trưởng 48-50% trong lúc năng lực của chúng tôi là cung cấp sản phẩm cho trên 3.000 tiệm vàng trên cả nước.

Thêm một cái nữa là Thông tư 22 (quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường) cũng có tác động tích cực khiến các tiệm vàng chọn mua hàng từ các công ty có thương hiệu nhiều hơn, dẫn đến mảng bán sỉ của PNJ tăng mạnh. Năng lực sản xuất của chúng tôi còn không đủ cung ứng.

Vậy tại sao bà không cho gia tăng năng lực sản xuất để nắm bắt cơ hội rất tốt này?

Vấn đề của chúng tôi là thiếu hụt con người.Nữ trang là ngành đặc biệt. Dù có công nghiệp hóa hay hiện đại hóa cỡ nào đi chăng nữa thì vẫn phụ thuộc vào tay nghề của người thợ. Thợ của PNJ là do chúng tôi tự đào tạo, không thể tuyển bên ngoài được vì không trường nào dạy, mà nếu có dạy thì cũng không đạt đúng chuẩn của PNJ.

Trong chặng đường phát triển vừa qua, nhiều cổ đông hoài nghi về khả năng phát triển bền vững của PNJ. Họ còn nói rằng, bà đang ăn may trong lĩnh vực vàng miếng bởi sự ủng hộ của chính sách, đặc biệt là trong năm 2011?

Tôi không phủ nhận năm 2011, PNJ lãi khá cao, trong đó mảng kinh doanh vàng miếng góp phần đáng kể. Nhưng những năm kế tiếp, bạn thấy, PNJ cũng đã không xây dựng kế hoạch tăng trưởng mạnh vì chúng tôi luôn thấu hiểu lĩnh vực vàng miếng có doanh số và lợi nhuận tăng giảm chủ yếu do tác động của kinh tế vĩ mô và chính sách. Chúng tôi cũng hiểu luôn rằng lợi nhuận từ hoạt động này là không bền.Cho nên hiện tại, lợi nhuận hoàn toàn đến từ hoạt động cốt lõi là kinh doanh vàng trang sức.Chúng tôi xem đây là cột mốc mới để xây dựng kế hoạch tăng trưởng bền vững cho những năm sau.

Nếu như cách bà nói PNJ đang rất tốt, vậy vì sao bà lại quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp?

Từ ngày thành lập đến nay, PNJ luôn phát triển.Nhưng bản thân tôi không tự mãn về những gì mình làm được. Đang ở trên đỉnh cao nhưng tôi luôn nhìn lại và luôn tự hỏi mình đã làm đúng và đủ chưa, liệu chiến lược định ra có phù hợp với giai đoạn mới hay không? Trong suốt quá trình hoạt động 26 năm qua và trong từng giai đoạn 5 năm, chúng tôi luôn có kế hoạch đánh giá và xem xét lại mình. Năm 2011, kết quả kinh doanh của PNJ rất tốt nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng vẫn chưa bền vững. Khi thuê tư vấn nước ngoài vào năm 2012 để chuẩn hóa hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế, chúng tôi đã xác định cần phải tái cơ cấu lại chiến lược và bộ máy hoạt động. Thời điểm 2011 cũng là lúc PNJ chuẩn bị xây dựng chiến lược cho giai đoạn 2012-2017.Phải thay đổi để không tụt hậu.

Tôi tin là bà yêu PNJ hơn ai hết, và rõ ràng nó mang dấu ấn rất đậm của bà. Vậy bà có hài lòng khi đón tư vấn ngoại vào trong doanh nghiệp của mình?

Tư vấn chỉ là người đưa ra lời khuyên và giúp công ty vạch ra định hướng cho một chu kỳ mới phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường trong giai đoạn mới, còn vấn đề quan trọng là nhận thức của mỗi người trong toàn công ty về trong việc chuyển đổi tư duy phù hợp với tình hình mới. Thực tế, PNJ không sử dụng nhiều chi phí cho tư vấn.Tư vấn không phải là chiếc đũa thần, vấn đề thành công ở chỗ là phải có sự phối hợp tốt giữa đơn vị tư vấn và công ty.

Thắng sức cầu bằng mọi giá

Nhu cầu vàng trang sức của Việt Nam khá thấp so với mức trung bình trong khu vực. Thị trường này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh trong vòng 10 năm tới, nhờ vào việc cải thiện từ thu nhập của người dân cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nguồn: Công ty Chứng khoán Maybank KimEng

Bà nhận ra những thách thức nào đang chờ đón PNJ trong 4-5 năm tới?

Đầu tiên phải khẳng định chính sách quản lý đối với ngành vàng thường hay thay đổi, và đó là thách thức chung cho toàn ngành. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của PNJ vẫn là phát triển nguồn nhân lực để thích nghi với thị trường và tiềm năng phát triển.Hiện nay, PNJ vẫn thiếu nguồn nhân lực đủ mạnh, đúng chuẩn để công ty phát triển bền vững. Như tôi đã nói, ngành này không dễ tuyển dụng từ bên ngoài. Có những vị trí đến giờ tôi vẫn chưa tuyển được.Nhiều người giỏi, nhưng về PNJ lại không phù hợp. Hiện PNJ giống như trường học, học liên tục với nhiều đối tác, có cả việc mời chuyên gia nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm quản trị bán lẻ chuyên ngành kim hoàn.

Tôi thì lại thấy một thách thức khác từ thị trường. Tôi e rằng bà sẽ đối mặt với sức cầu giảm, khi nền kinh tế còn rất khó khăn, trong khi sản phẩm trang sức không phải là thiết yếu?

Tôi nghĩ ngược lại.Sức cầu của thị trường vẫn rất lớn.Thứ nhất, tâm lý của người châu Á là thích trữ vàng bên cạnh việc dùng làm trang sức. Điều này khác với các nước Phương Tây, khi người ta chủ yếu dùng vàng để làm trang sức. Ngày xưa còn khó khăn, người ta vẫn hay mua vàng miếng dự trữ, nhưng khi kinh tế đã vững vàng thì người ta lại mua trang sức. Thực tế, trong những năm vừa qua, vẫn có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh vàng trang sức mặc dù kinh tế còn khó khăn.Không sao cả. Với đất nước 90 triệu dân, nhu cầu vàng trang sức tôi tin là rất lớn. Bạn cứ nhìn vào kết quả kinh doanh của chúng tôi và công suất mà chúng tôi không thể đáp ứng thì bạn sẽ có câu trả lời.

Nếu chia vàng trang sức thành nhiều phân khúc, thì phân khúc nào đang mang lại nguồn thu và lợi nhuận lớn cho PNJ, thưa bà?

Hiện PNJ phục vụ tất cả các phân khúc.Đối với thị trường bình dân, mảng bán sỉ, PNJ vẫn được xem là hàng cao cấp khi các tiệm vàng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng vàng và sự tinh xảo.Phân khúc này chiếm đến 50% sản lượng sản xuất của chúng tôi.Cả nước có khoảng 12.000 tiệm vàng thì chúng tôi đang phục vụ cho khoảng 3.000 tiệm.

Phân khúc thứ hai mà PNJ tập trung vào là trung-cao cấp, những người có thu nhập trung bình khá trở lên. Họ được phục vụ thông qua hệ thống 170 cửa hàng bán lẻ của PNJ trên cả nước. Hàng bán lẻ của PNJ khác so với hàng dùng để bán sỉ, được sản xuất đúng chuẩn quốc tế từ vàng cho đến kim cương hay đá quý.

Ngoài ra, chúng tôi còn có các sản phẩm rất cao cấp để cạnh tranh với hàng hiệu nước ngoài như nhãn hiệu CAO Fine Jewellery.Đây là phân khúc hẹp, chỉ phục vụ đối tượng có nhu cầu cao và tìm kiếm những sản phẩm độc đáo, tinh tế với số lượng hạn chế.Hệ thống kiểm soát chất lượng của PNJ rất chặt chẽ nghiêm túc, khắt khe.Thậm chí, tôi không ngại nói là chính điều này cũng khiến bộ máy của PNJ khá cồng kềnh.

Vậy đến năm 2018, khi thị trường vàng trang sức của Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn cho nước ngoài, khi đó, PNJ sẽ dựa vào những yếu tố nào để cạnh tranh với sản phẩm ngoại?

Chúng tôi hoàn toàn không ngại.Nếu so sánh về kĩ thuật sản xuất, PNJ không thua kém bất kỳ công ty hàng đầu nào trên thế giới.Về thiết kế, PNJ cũng có đội ngũ thiết kế khá mạnh. Năm 2018, có lẽ người ta sẽ cạnh tranh về giá thành, tức là năng suất. Năng suất ở các nước như Thái Lan cao hơn Việt Nam, nhưng hiện PNJ đang liên tục nâng cao năng suất và hạ giá thành sản xuất. Từ đây đến đó, quá trình này vẫn tiếp tục diễn ra nên nếu phải cạnh tranh về giá thì PNJ không vấn đề gì.Hơn nữa, chúng tôi vẫn có lợi thế chủ nhà.Kế hoạch của PNJ là sẽ có 300 cửa hàng bán lẻ từ đây đến năm 2022.Cuối năm nay, PNJ sẽ có khoảng 180 cửa hàng. Cố gắng đến năm 2015, con số này sẽ đạt ít nhất 200. Ngoài ra, khả năng điều hành toàn bộ hệ thống cửa hàng một cách khoa học cũng là thế mạnh của chúng tôi.

Các công ty nội có tiềm lực như SJC hay DOJI cũng đã lấn sang thị trường vàng nữ trang. Bà có lo ngại về sự cạnh tranh mới này?

Tất nhiên, thị trường nào cũng cần có sự cạnh tranh, vì nếu không cạnh tranh thì sáng tạo sẽ bị triệt tiêu PNJ xem đó là động lực giúp chúng tôi không chủ quan. Dung lượng thị trường còn lớn, nhiều công ty tham gia sẽ tạo động lực lớn cho PNJ. Chẳng vấn đề gì!

Chuyển giao quyền lực

Cứ nói đến PNJ là người ta nhắc đến bà. Đôi khi PNJ bị nhìn nhận như công ty gia đình và khó chuyển giao quyền lực. Bà nghĩ sao về đánh giá này?

Đối với công ty lớn trong ngành kim hoàn như PNJ, giá trị văn hóa gia đình là quan trọng, ở đó niềm tin và sự thông hiểu lẫn nhau được đề cao, tốt cho công việc. Tôi dám nói là điều này rất tốt ở PNJ. Nhưng cho đến lúc này, tôi vẫn ý thức là đến lúc cần chuyển giao thế hệ.

Quá trình chuyển giao PNJ cho thế hệ lãnh đạo mới đã được chuẩn bị tới đâu, thưa bà?

Chúng tôi hiện đã có chuẩn bị từ nhiều năm trước chứ không phải đến bây giờ mới tính.Lực lượng kế thừa đã có sắp xếp sẵn và đang được đào tạo. Đến 2017, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao lớn về đội ngũ lãnh đạo.Thật ra, đáng lẽ việc này có thể xảy ra sớm hơn nhưng PNJ đã thất bại trong việc đào tạo.Đồng thời khi nhìn lại, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng để đáp ứng yêu cầu của việc phát triển bền vững, trường tồn thì các điều kiện hiện tại là chưa đủ. Đó cũng là lý do chúng tôi phải sắp xếp lại, chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế để khi chuyển giao, mọi thứ phải đảm bảo chạy theo quy trình.

Phát biểu trong rất nhiều sự kiện, bà hay nói về giấc mơ mang PNJ vươn tầm thế giới, thậm chí là trong hàng top thế giới. Bà có nghĩ rằng, điều đó thật xa xỉ?

Nghề này trên thế giới hầu như là các công ty tư nhân, ít có công ty lớn. Nhưng do đặc thù PNJ là một công ty lớn xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước có bề dày và hoạt động đa lĩnh vực từ sản xuất đến kinh doanh trong ngành kim hoàn, nên PNJ có quy mô lớn và từng được xếp vào hàng lớn thứ 16 thế giới. Không có nhiều công ty lớn trên thế giới hoạt động từ khâu sản xuất đến khâu kinh doanh như PNJ. Vậy thì tại sao chúng tôi lại không mơ ước.
Theo NCĐT

{fcomment}