Doanh nghiệp sắp phải “phi nước đại” làm báo cáo tài chính

 Với quy định mới về công bố thông tin tại Thông tư 155/2015/TT-BTC, tới đây, các DN niêm yết là công ty mẹ sẽ phải “phi nước đại” trong việc lập BCTC quý.

Doanh nghiệp sắp phải “phi nước đại” làm báo cáo tài chính

Rút ngắn 25 ngày lập BCTC hợp nhất

Điểm mới đáng chú tại Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin đối với DN đại chúng, công ty niêm yết được ban hành mới đây, thay thế Thông tư 52/2012 là thời hạn công bố thông tin về BCTC quý.

Cụ thể, thời hạn công bố BCTC của các DN niêm yết đều là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư 52, thời hạn 20 ngày chỉ áp dụng đối với DN niêm yết không phải lập BCTC hợp nhất hoặc lập BCTC tổng hợp, còn trường hợp DN niêm yết là công ty mẹ phải công bố thông tin về BCTC quý của công ty mẹ và BCTC hợp nhất hoặc BCTC tổng hợp thì thời hạn sẽ là 45 ngày.

Như vậy, thời hạn công bố BCTC quý của các DN niêm yết là công ty mẹ đã rút ngắn 25 ngày so với quy định cũ, đồng nghĩa với việc DN là công ty mẹ phải đẩy nhanh tiến độ lập BCTC lên 25 ngày so với trước kia.

Thông tư 155/2015 cũng có quy định gia hạn cho các trường hợp DN không thể hoàn thành thời hạn 20 ngày do phải lập BCTC quý hợp nhất hoặc BCTC quý tổng hợp. Theo đó, UBCK xem xét gia hạn khi có yêu cầu bằng văn bản của công ty, nhưng tối đa không quá 30 ngày. Như vậy, ngay cả khi được cho phép gia hạn thì thời gian lập BCTC quý của DN niêm yết cũng phải đẩy lên sớm hơn 15 ngày so với quy định cũ.

Ông ominic Scriven, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital: Quy định công bố thông tin về môi trường và xã hội trong Thông tư 155 đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam nhằm hướng đến một thị trường tài chính bền vững. Đây là lĩnh vực mà các NĐT quốc tế rất quan tâm, vì sắp tới, triển vọng phát triển dài hạn của công ty sẽ được trình bày rõ hơn trong báo cáo thường niên thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, sự tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như cách thức doanh nghiệp quản lý những tác động và rủi ro có liên quan đến môi trường và xã hội.

Đầu tư có trách nhiệm và bền vững đang trở thành một trong những tiêu chí đầu tư quan trọng nhất trên thế giới. Ở châu Á, khuynh hướng đầu tư này cũng đang dần phát triển. Tổng tài sản quản lý dành cho tiêu chí đầu tư bền vững của toàn cầu đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây.

Trong khi quy định mới “thắt chặt” hơn về thời hạn công bố BCTC quý, thì thời hạn công bố thông tin BCTC năm của DN niêm yết lại có phần được nới lỏng hơn. Vẫn giữ thời hạn công bố BCTC năm đã kiểm toán không quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, nhưng Thông tư 155/2015 bổ sung quy định, trường hợp công ty đại chúng không thể hoàn thành việc công bố BCTC năm trong thời hạn 90 ngày do phải lập BCTC năm hợp nhất hoặc BCTC năm tổng hợp hoặc do các công ty con, công ty liên kết của công ty đại chúng cũng phải lập BCTC năm có kiểm toán, BCTC hợp nhất thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét gia hạn khi có yêu cầu bằng văn bản của công ty, nhưng tối đa không quá 100 ngày”.

Thời hạn công bố BCTC bán niên đã được soát xét tại Thông tư 155/2015 cũng được giữ nguyên quy định cũ, nghĩa là không quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính. Với DN niêm yết có các đơn vị kế toán trực thuộc thì thời hạn công bố là 60 ngày.

Thông tư 155/2015 có hiệu lực từ 1/1/2016, có nghĩa là từ kỳ lập BCTC quý IV/2015, các DN niêm yết sẽ chỉ có 20 ngày để hoàn tất các loại BCTC.

Lo ngại hệ lụy

Việc sửa đổi các quy định về công bố thông tin của khối DN niêm yết, công ty đại chúng lớn tiệm cận những thông lệ tốt của quốc tế, nhằm nâng cao tính minh bạch trên TTCK là một yêu cầu bức thiết. Thời gian qua, có không ít phàn nàn của nhà đầu tư ngoại về việc thông tin tài chính của các DN niêm yết trong nước chậm được công bố. Tuy nhiên, quy định mới về thời hạn công bố BCTC quý đối với DN niêm yết đang khiến một số chuyên gia trong ngành băn khoăn.

Trao đổi với ĐTCK, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, thời hạn nộp báo tài chính quý là 20 ngày và tối đa là 30 ngày sẽ làm khó các DN niêm yết có đơn vị thành viên, đơn vị liên kết.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, thời gian 20 ngày để lập BCTC là quá ngắn. Với thời gian này, nhiều DN hầu như chỉ hoàn thành được báo cáo công ty mẹ, còn BCTC hợp nhất sẽ không đủ số liệu. Các công ty thành viên có thể đóng ở nhiều nơi và nếu công ty con cũng có nhiều công ty thành viên, phải lập báo cáo hợp nhất nữa thì ngay cả khi được gia hạn thời gian thành 30 ngày thì DN niêm yết là công ty mẹ khó có thể hoàn thành báo cáo.

Thực tế cho thấy, dù quy định thời hạn nộp BCTC quý đối với DN niêm yết là công ty mẹ theo Thông tư 52/2012 là 45 ngày, nhưng vẫn có nhiều DN niêm yết bị nhắc nhở vì chậm trễ công bố báo cáo. Ngày 18/8/2015, HOSE đã có công văn nhắc nhở 7 DN niêm yết chậm công bố BCTC quý II/2015 (với hai loại BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất). Trước đó, ngày 25/2/2015, HOSE cũng có công văn nhắc nhở 6 DN chậm nộp BCTC quý IV/2014. Hay tại thời điểm 18/2/2014, quá thời hạn theo quy định 4 ngày, có tới 18 DN niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chưa nộp BCTC quý IV/2013.

Vị chuyên gia trên quan ngại, có thể có những DN “làm ẩu” BCTC quý để đối phố với quy định về thời hạn công bố BCTC quý, sau đó sẽ điều chỉnh số liệu khi lập BCTC năm.

Với quy định được rút ngắn, DN sẽ phải nỗ lực tối đa để hoàn tất BCTC, nhưng nhà quản lý cũng phải nỗ lực nhiều hơn để giám sát mức độ trung thực trong các số liệu DN công bố định kỳ.

Hằng Phương

Nguồn Tin nhanh chứng khoán