Trung Quốc 'rút gươm' với công ty công nghệ

Khi Jack Ma, người sáng lập Alibaba, phát biểu tại một hội nghị về tài chính tiền tệ vào ngày 24-10-2020 rằng sự bất cập của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã tạo ra một hệ thống tài chính kém phát triển và bóng gió rằng công ty tài chính công nghệ (FinTech) của ông có thể là giải pháp cho vấn đề này, Jack Ma có lẽ không ý thức rằng lời nói của mình sẽ đi vào lịch sử FinTech Trung Quốc bởi nó đánh dấu thời điểm Bắc Kinh chuyển quan hệ với những gã khổng lồ công nghệ từ khoan nhượng sang đối đầu.

Một loạt hoạt động chống độc quyền và điều tra thuế nhắm vào Ant Group (của Alibaba, hoạt động trong lĩnh vực FinTech), Tencent (game và mạng xã hội), Didi Chuxing (vận tải công nghệ), Meituan (giao nhận đồ ăn), Kanzhun (tuyển dụng) và FTA (chia sẻ xe tải) cho thấy mọi thứ mới chỉ bắt đầu.

Chiến dịch “Thanh gươm mạng”

Jack Ma không thể ngờ rằng cùng ngày ông phê phán hệ thống ngân hàng Trung Quốc, nước này đã trình làng “Chiến dịch Thanh gươm mạng (Cyber Sword)”, một chiến dịch trên phạm vi rộng liên quan đến 14 bộ và cơ quan nhằm “chỉnh đốn” lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Những cơ quan quản lý chủ yếu bao gồm Cục Quản lý thị trường Nhà nước (SAMR), Cục Quản lý không gian mạng (CAC), Bộ Công nghiệp và Thông tin (MIIT), Ủy ban Quản lý an ninh Trung Quốc (CSRC). Trong đó có những cơ quan chỉ mới vừa được thành lập vào năm 2018 như SAMR.

Những cơ quan quản lý này được giao năm nhiệm vụ: (i) điều chỉnh các nền tảng thương mại trực tiếp, (ii) ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường trực tuyến, (iii) tăng cường giám sát quảng cáo trên Internet, (iv) kiểm soát tập trung việc bán hàng trực tuyến, (v) chấm dứt buôn bán động thực vật bất hợp pháp trên các nền tảng thương mại điện tử.

Cơ sở pháp lý để thực thi năm nhiệm vụ này lần lượt gồm: (i) Luật An ninh mạng (2017), (ii) Luật Thương mại điện tử (2019), (iii) Luật Chống độc quyền (2019) sửa đổi bản 2008, thêm vào điều khoản về các nền tảng Internet, (iv) Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh (2019) và (v) Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân (2021).

Từ sau khi Chiến dịch Thanh gươm mạng ra đời, các hoạt động điều chỉnh và giám sát của những tổ chức, cơ quan nêu trên đã phát triển rất mạnh mẽ và thay đổi hẳn cách thức hoạt động, kinh doanh của các công ty Internet cũng như công ty công nghệ lớn khác ở Trung Quốc. Trong số 100 văn bản quản lý đã ban hành trong giai đoạn vừa qua, riêng ba tổ chức đứng đầu là SAMR, MIIT và CAC đã ban hành tới 77% số lượng văn bản.

Đặc biệt, SAMR thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường, dựa trên việc giám sát thực thi Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh (AUCL), ban hành tới 33% tổng số văn bản quản lý và điều tra thành công hơn 3.000 trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, thu về 206 triệu nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2021. SAMR cũng đã tận dụng điều mới của Luật Thương mại điện tử có hiệu lực từ năm 2019 và Luật Chống độc quyền. Trong khi đó, CAC tập trung vào việc thực hiện Luật An ninh mạng 2017 và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, phát hiện hơn 100 ứng dụng vi phạm việc thu thập thông tin cá nhân của người dùng.

Những lý do Trung Quốc gia tăng kiểm soát đối với các công ty công nghệ

Những gì mà nhóm các công ty công nghệ lớn đang tạo ra thách thức trực tiếp với quyền lực của các chính phủ (nhờ ưu thế vượt trội về công nghệ và mức độ phức tạp để theo dõi thông tin), cộng thêm đặc tính cấu trúc chính trị của Trung Quốc, đã đưa ra một lời cảnh tỉnh với chính phủ nước này rằng mọi thứ có thể đi quá xa và quá nhanh trong mối quan hệ chính quyền – doanh nghiệp theo cách họ không mong muốn.

Và Trung Quốc đã hành động:

Thứ nhất, ngăn chặn khả năng xuất hiện một quyền lực thách thức ảnh hưởng của chính quyền trong đời sống kinh tế – xã hội. Tại Hội nghị kinh tế trung ương 2020 được tổ chức từ ngày 16 đến 18-12-2020, Trung Quốc đã đề ra tám chính sách kinh tế quan trọng cho năm 2021. Trong đó, xếp ở vị trí thứ sáu là: tăng cường các biện pháp chống độc quyền và ngăn chặn “sự bành trướng của tư bản một cách mất trật tự”.

Đưa các tổ chức Đảng vào khu vực tư nhân là một cách giải quyết tình trạng lệch hướng của các công ty Internet. Chính phủ Trung Quốc đã nắm giữ cổ phần và một ghế trong hội đồng quản trị công ty con của ByteDance tại Bắc Kinh. Sau đó, một khoản đầu tư tương tự vào công ty con Beijing Weimeng Technology của Weibo cũng cho phép chính phủ bổ nhiệm một trong ba thành viên của hội đồng quản trị của công ty.

Ngoài ra, thông qua các quỹ đầu tư nhà nước, Trung Quốc đã thúc đẩy mô hình liên kết kinh doanh công – tư để kiểm soát không chỉ về mặt tư tưởng mà cả điều hành thường nhật. Số vốn của các quỹ liên kết công – tư trong tổng vốn đăng ký doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tăng từ 14,1% năm 2000 lên 33,5% vào năm 2019. Hơn 130.000 công ty tư nhân đã thành lập liên doanh với các công ty nhà nước vào năm 2019, tăng từ 45.000 vào năm 2000.

Trung Quốc đang gây áp lực lên các gã khổng lồ công nghệ trong việc điều chỉnh các chiến lược kinh doanh của họ cho phù hợp với mục tiêu của chính phủ. Chẳng hạn, vào tháng 12-2021, Alibaba đã thông báo bổ nhiệm một giám đốc tài chính mới và sẽ thành lập vào năm 2022 hai đơn vị kinh doanh để tập trung vào thương mại kỹ thuật số quốc gia và quốc tế – mục tiêu là tạo ra “giá trị lâu dài”.

Thứ hai, chống lại sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng gia tăng. Vào tháng 8-2021, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương rằng “thịnh vượng chung là yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội”, Trung Quốc nên “điều chỉnh hợp lý thu nhập quá mức và khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp có thu nhập cao cống hiến nhiều hơn cho xã hội”.

Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng thuật ngữ “thịnh vượng chung” và quyên góp những khoản tiền hấp dẫn cho các hoạt động từ thiện. Một số đã sử dụng thuật ngữ “phân phối lần thứ ba” như một câu thần chú. Ví dụ, Alibaba đang lên kế hoạch cho “Quỹ phát triển thịnh vượng chung”, cam kết đầu tư 100 tỉ nhân dân tệ cho quỹ này vào năm 2025.

Thứ ba, quản lý dữ liệu người dùng. Bên cạnh hai nguyên do nêu trên thì việc kiểm soát dữ liệu người dùng (đòi hỏi sự chia sẻ giữa công ty với chính phủ và ngăn chặn nó bị đưa ra bên ngoài để chính phủ khác nhận biết) là một lý do quan trọng khác khiến Trung Quốc hành động.

Didi Global, một công ty dịch vụ gọi xe của Trung Quốc, sẽ hủy niêm yết cổ phiếu của mình khỏi sàn giao dịch chứng khoán New York, chỉ sáu tháng sau khi phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã tiến hành một cuộc điều tra về các hoạt động bảo mật dữ liệu của Didi chỉ vài ngày sau khi hãng này IPO trên sàn giao dịch chứng khoán New York.

Đáng chú ý, hoạt động của CAC diễn ra với sự chỉ đạo từ Văn phòng Ủy ban Trung ương Đảng và Quốc vụ viện thông qua văn bản “Ý kiến về việc nghiêm khắc ngăn chặn hoạt động chứng khoán bất hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Với văn bản này, CAC yêu cầu xem xét bắt buộc đối với bất kỳ công ty nào thu thập thông tin cá nhân của hơn một triệu người dùng nếu chúng định niêm yết ở nước ngoài.

Tác động đối với kinh tế và công ty công nghệ Trung Quốc

Kết quả đầu tiên của chiến dịch này cho thấy rằng ít nhất các bộ phận của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đang thay đổi cơ bản. Theo báo cáo, 80% quảng cáo gây hiểu lầm cho các trang mạng của bên thứ ba đã bị gỡ xuống. Do đó, các ứng dụng và trang web phụ thuộc vào nguồn doanh thu này đang phải cấu hình lại mô hình kinh doanh của họ.

Nhân viên bán quảng cáo đang bị sa thải cùng với những người chơi game và dạy thêm, hai lĩnh vực khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các quy định. Các điều chỉnh tiếp theo sẽ diễn ra, đặc biệt là khi chương trình “dọn dẹp” các thuật toán đã được lên kế hoạch trong ba năm qua đi vào hoạt động.

Thứ hai, sự chia tách về công nghệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây có thể bị đào sâu. Sau khi Didi Global tuyên bố sẽ hủy niêm yết ở New York, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) ra tuyên bố sẽ áp dụng luật kiểm toán mới với tất cả các công ty nước ngoài niêm yết trên sàn, theo đó bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải công khai sổ sách tài chính với cơ quan Mỹ nếu không sẽ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York và sàn Nasdaq trong vòng ba năm.

Câu hỏi cuối cùng là, Trung Quốc sẽ cân bằng giữa những lợi thế khổng lồ của thị trường nội địa, dùng đó làm đòn bẩy để dẫn dụ nguồn vốn và công nghệ nước ngoài, với việc bị mất những ưu thế hiện thời từ Mỹ (và Hồng Kông) về cả nguồn vốn và tiếp cận công nghệ như thế nào?

Thứ ba, áp lực với công ty công nghệ lớn để giúp giải quyết chênh lệch thu nhập và giàu nghèo có thể là không đủ. Nếu không cải cách các mức thuế suất ưu đãi – thấp nhất là 10% – và các biện pháp tránh thuế doanh nghiệp, thì lĩnh vực công nghệ sẽ không bao giờ làm đủ để giúp Trung Quốc chống lại bất bình đẳng.

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-rut-guom-voi-cong-ty-cong-nghe/