Tương lai u ám của việc tiêu xài đồ hiệu ở Trung Quốc

Làn sóng nhà giàu Trung Quốc bùng nổ sắm sửa đồ hiệu trong các năm qua nhiều khả năng sắp bước vào giai đoạn chững lại vì vấp phải rào cản từ chính phủ.

Từ khi chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch “thịnh vượng chung”, tái phân phối tài sản trong xã hội, tầng lớp giàu có của nước này bị đẩy vào thế phòng thủ sau nhiều năm hưởng lợi từ nền kinh tế phát triển nhanh chóng.

Năm 2021, mỗi tuần Trung Quốc có một tỷ phú mới. Số lượng tỷ phú USD tại Trung Quốc đã vượt mốc 750, nhiều hơn Ấn Độ, Nga và Đức cộng lại.

Chiến dịch này đồng thời phủ bóng đen lên ngành công nghiệp được coi là một trong những thị trường lớn nhất của đất nước: hàng xa xỉ. Người mua sắm ở Trung Quốc đại lục vốn rất quan trọng đối với các thương hiệu đắt tiền như LVMH, Hermes và Gucci.

Làn sóng bùng nổ tiêu dùng đồ đắt tiền ở Trung Quốc trong những năm qua nhiều khả năng sắp bước vào giai đoạn chững lại. Ảnh: CNN.

Rào cản từ mục tiêu "chia lại của cải"

Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát toàn thế giới, thị phần Trung Quốc trên thị trường xa xỉ toàn cầu tăng gần gấp đôi, theo công ty tư vấn quản lý Bain (Mỹ). Công ty này dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng hiệu lớn nhất thế giới vào năm 2025, vượt qua Châu Âu và Mỹ.

Song, triển vọng tươi sáng hiện đối mặt với khó khăn không nhỏ.

Các chuyên gia không loại trừ khả năng chính phủ nước này sẽ kiềm chế các biểu hiện xa hoa hoặc tăng thuế đối với người giàu. Hệ quả, tương lai của các nhà sản xuất túi xách, giày dép và đồ trang sức cao cấp phủ màu u ám.

Lĩnh vực này vẫn mang vết sẹo từ cuộc đàn áp sâu rộng của chính phủ đối với nạn tham nhũng cách đây gần một thập niên và hiện dựa vào người tiêu dùng Trung Quốc hơn bao giờ hết.

"Ban đầu khi tin tức nổ ra, nhiều người đã hoảng sợ và thị trường biến động", Zuzanna Pusz, một nhà phân tích của ngân hàng UBS, nói về cam kết "thịnh vượng chung". Cổ phiếu của LVMH giảm 7,9% từ tháng 8 đến tháng 9, trong khi Kering, chủ sở hữu của Gucci, giảm 19,4%.

Theo báo cáo công bố năm ngoái của công ty tư vấn quản lý Bain (Mỹ), Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu dùng đồ hiệu lớn nhất thế giới vào năm 2025. Ảnh: Reuters.

"Trong 3 tháng qua, lĩnh vực xa xỉ hoạt động kém hiệu quả hơn thị trường châu Âu do những lo ngại mới của Trung Quốc, bao gồm cả chiến dịch chia lại của cải và tình hình dịch Covid-19", báo cáo tháng 10 của Citi Bank chỉ ra.

Cách đây chưa đầy một thập kỷ, ngành công nghiệp xa xỉ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến chống tham nhũng lớn ở Trung Quốc. Chính phủ dập tắt bất kỳ dấu hiệu chi tiêu xa hoa nào của các quan chức, bao gồm cả sử dụng hàng hiệu.

Theo Bain, trong năm 2013, thị trường xa xỉ của Trung Quốc đại lục chỉ tăng 2%, so với 7% của năm trước đó. Một số thương hiệu bị người mua sắm hoàn toàn bỏ qua vì logo biểu tượng dễ nhận ra hoặc thiết kế quá nổi bật.

Patricia Pao, Giám đốc điều hành của Pao Principle, công ty tư vấn cho các thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc, cho hay "vào thời điểm đó, người giàu không muốn công khai xách túi LV vì dễ bị nhận ra".

Các thương hiệu rượu cao cấp, chẳng hạn như nhà sản xuất rượu Kweichow Moutai, cũng chứng kiến doanh số giảm đáng kể. Công ty nói rằng chiến dịch năm đó đã dẫn đến "áp lực chưa từng có" đối với cả ngành công nghiệp rượu.

Vào năm 2012, các khách san sang trọng cũng bị ảnh hưởng khi các quan chức ngừng tổ chức tiệc và hội nghị. Một số khách sạn 5 sao vào thời điểm đó thậm chí đã yêu cầu giảm 1 sao, với hy vọng xếp hạng thấp hơn sẽ cho phép họ trông bớt sang trọng và duy trì hoạt động kinh doanh.

Mục tiêu "thịnh vượng chung" của Trung Quốc đang khiến nhiều nhà kinh doanh xa xỉ phẩm lo ngại các tác động tiêu cực trực tiếp. Ảnh: Global Times.

Nỗi lo quá khứ lặp lại

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng chiến dịch thực sự có thể đem lại tín hiệu tích cực cho việc kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình và mở rộng tầng lớp trung lưu. Điều này có thể giúp tăng sức mua và tiêu dùng.

Một số giám đốc điều hành hàng đầu đã trực tiếp lên tiếng. Đầu tháng này, Jean Jacques Guiony, Giám đốc Tài chính của tập đoàn LVMH, nói rằng ông "không đặc biệt lo lắng hay quan tâm đến thông báo gần đây".

Ông nói với các nhà phân tích: “Chúng tôi không thấy có lý do gì để tin rằng điều này có thể gây bất lợi cho tầng lớp thượng lưu giàu có, vốn là phần lớn khách hàng của chúng tôi".

Tuần trước, Nicolas Hieronimus, Giám đốc điều hành của L'Oreal, công ty sở hữu các thương hiệu như Giorgio Armani Beauty và Lancôme, cũng bày tỏ thái độ tương tự.

"Chúng tôi vẫn rất tự tin đối với thị trường Trung Quốc. 'Thịnh vượng chung' sẽ giúp làm cho tầng lớp trung lưu giàu có hơn".

Vào những năm 2012, việc tiêu xài đồ hiệu tại Trung Quốc gặp nhiều hạn chế do chiến dịch dẹp loạn tham nhũng của chính phủ. Ảnh: SCMP.

Theo ước tính mới nhất từ Bain, người mua sắm ở Trung Quốc chiếm 35% tổng doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn thế giới. Đến năm 2025, công ty cho rằng con số này có thể tăng lên 50%.

Bruno Lannes, giám đốc công ty đối tác của Bain có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết phía mình không thay đổi dự báo sau cam kết "thịnh vượng chung" vì "còn quá sớm để nói".

Lannes hy vọng chính sách mới nhất sẽ tác động "trung lập" hoặc "tích cực", đặc biệt nếu kết quả là thu nhập người dân tăng trên toàn quốc.

"Tôi nghĩ nó rất khác với những gì đã xảy ra do các biện pháp chống tham nhũng khi xưa", ông nói thêm.

Lannes lưu ý trước đây, nhiều thương hiệu xa xỉ ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi truyền thống tặng hoặc nhận quà của các giám đốc điều hành hoặc quan chức - vốn là mục tiêu lớn của việc dẹp tham nhũng. Giờ đây, việc tiêu thụ phần lớn là "của những người tiêu dùng cho bản thân hoặc cho người thân của họ".

Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng đã dần kìm hãm chi tiêu.

Theo LookLook, một công ty nghiên cứu người tiêu dùng làm việc với các thương hiệu cao cấp, trong cuộc khảo sát gồm 100 người, cứ 1/10 người cho rằng việc chính phủ đàn áp việc phô trương sự giàu có là lý do khiến họ không dám vung tiền trong giai đoạn sắp tới.

Theo Giám đốc điều hành của LookLook, Malinda Sanna, một người tham gia nghiên cứu được công bố vào tháng 9 chỉ ra rằng không người giàu nào muốn thu hút sự chú ý ngoài mong muốn vào lúc này.

"Nhu cầu mua sắm xa xỉ phẩm chắc chắn còn nhưng họ vẫn đang thận trọng", Sanna nói.

Nguồn: https://zingnews.vn/tuong-lai-u-am-cua-viec-tieu-xai-do-hieu-o-trung-quoc-post1274927.html