Đồng đôla Mỹ (USD) đang tăng mạnh so với các đồng tiền chính trên thế giới, chạm mức chưa từng thấy trong 20 năm qua. Hệ quả của đợt tăng này đang tạo gánh nặng lớn lên nền kinh tế toàn cầu.
“Đồng tiền đắt nhất thế giới”
Trong lần gần nhất thay đổi lãi suất cơ bản hôm 17-6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 0,75%, từ mức 0,75-1% lên mức 1,5-1,75%. Một quyết định gây bất ngờ với giới tài chính, vì đây là mức điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 của FED. Trước đó, giới tài chính nhận định FED sẽ chỉ tăng 0,5% lãi suất, dựa trên lộ trình được đưa ra từ hồi tháng 3 sau khi quyết định đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 6-2019.
Chủ tịch FED Jerome Powell trước áp lực tăng lãi suất liên tục.
Từ đầu năm 2022 tới nay, đây là lần tăng lãi suất thứ ba của FED, sau đợt tăng 0,25% trong tháng 3 và 0,5% trong tháng 5. Kết quả của 3 đợt tăng lãi suất liên tiếp đã kéo đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền quốc tế chính khác, tiêu biểu là đồng euro của Liên minh châu Âu (EU). Trong ngày 12-7, giá trị USD so với đồng euro đã đạt mốc cao nhất trong 20 năm qua, khi được giao dịch ở mức 1,00955 USD đổi 1 euro. Cần nhấn mạnh, kể từ khi được chính thức giới thiệu vào năm 2002, đồng euro luôn có giá trị cao hơn đồng USD và chưa bao giờ tỷ giá quy đổi giữa hai đồng tiền được sử dụng nhiều nhất thế giới này về gần với mức 1 đổi 1 như vậy. Mới hồi tháng 6-2021, tỷ giá quy đổi euro sang USD vẫn còn là 1,25.
Trong một bản báo cáo theo dõi của ngân hàng lớn nhất nước Đức, Deutsche Bank, chỉ trong 1 năm qua, đồng USD đã tăng 15% so với bảng Anh, 16% so với euro và 23% so với yên Nhật. Đây cũng là mức tăng được ghi nhận là cao nhất trong lịch sử của đồng USD, kể từ khi chỉ số đồng USD được sử dụng để theo dõi dòng tiền kể từ năm 1973. Mức tăng này khiến nó trở thành "đồng tiền đắt nhất thế giới hiện tại" - Deutsche Bank đánh giá.
Hệ lụy hiển nhiên
USD từ lâu được coi là loại tiền tệ dự trữ của thế giới, bởi nó được sử dụng trong hầu hết các giao dịch quốc tế. Do đó, những thay đổi trong giá trị của nó sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Đầu tiên, hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn. Ví dụ tiêu biểu là dầu. Nếu trước đây 1 năm, EU chỉ mất 85 euro để mua 1 thùng dầu thì nay con số này đã là 99,9 euro. Khi USD đắt hơn, những mặt hàng này có giá (bằng nội tệ) cao hơn và khiến các nước khác phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua hàng. Đó là lúc lạm phát bắt đầu bùng nổ. Ngoại lệ duy nhất trong trường hợp này là Mỹ, nơi USD mạnh hơn giúp nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng rẻ hơn, do đó có thể giúp kiềm chế lạm phát. Đó cũng chính là mục tiêu của FED khi quyết định tăng lãi suất: Kiềm chế lạm phát tại Mỹ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là kinh tế Mỹ không thiệt hại. USD tăng khiến sản xuất tại Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, các nhà sản xuất sẽ tính đến việc rời bỏ thị trường Mỹ. Việc USD có giá hơn sẽ khiến cho việc gửi tiền vào ngân hàng trở nên có lãi hơn, nguồn tiền đầu tư cho sản xuất, kinh doanh hay chứng khoán có thể sẽ không sôi động nữa. Dòng chảy kinh tế Mỹ có khả năng bị chững lại.
Trong 2 năm đại dịch, FED đã giữ lãi suất cơ bản ở mức 0% để kích thích sản xuất Mỹ, điều này có hiệu quả lớn trong việc tạo việc làm, ngăn chặn suy thoái kinh tế Mỹ. Nhưng, với những bước đi như hiện nay, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ quay trở lại tình thế nguy hiểm. Thêm nữa, khi USD tăng giá, hàng nhập khẩu rẻ sẽ càng kích thích nhập siêu. Chỉ trong tháng 4-2022, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng thêm 87,1 tỷ USD và gần cán mốc 1.000 tỷ USD. Điều này tạo nên nguy cơ gia tăng các chủ nợ của Mỹ và là chỉ dấu rõ ràng cho việc sản xuất đang rời bỏ nước Mỹ.
Ở góc độ toàn cầu, việc đồng USD đắt hơn đang tạo nên cơn bão lạm phát mới. Từ châu Á, Mỹ Latin cho đến châu Âu, lạm phát liên tục tạo ra những kỷ lục mới. Vì thế, bất chấp những lợi ích trước mắt là lợi thế xuất khẩu vào Mỹ, các quốc gia cũng không thể yên tâm với tình trạng lạm phát cao đang bào mòn túi tiền của người dân. Cả Ngân hàng Trung ương của Anh lẫn châu Âu mới đây đều đã đánh tín hiệu sẽ sớm xem xét việc nâng giá đồng tiền để chống lạm phát.
Nhưng, nếu những quốc gia giàu có còn sử dụng được công cụ tài chính để cứu đồng tiền của mình thì với những quốc gia nghèo hơn, việc USD tăng giá có thể xem là thảm họa. Hầu hết các nước đang phát triển đều vay nợ bằng USD, nhiều khoản nợ đã diễn ra từ hàng thập niên trước đó. Những khoản nợ này sẽ "đắt đỏ hơn" khi đồng tiền tăng giá. Để trả nợ, các nước này sẽ phải tăng thuế, phát hành tiền lạm phát trong nước hoặc phải đi vay nhiều hơn. Tất cả những biện pháp này đều tồi tệ như nhau và có thể dẫn đến vỡ nợ.
Cuộc khủng hoảng nợ ở Sri Lanka mới đây chỉ là sự khởi đầu. Hàng chục quốc gia khác như Belarus, Lebanon, Argentina, Ai Cập, Ecuador,... đều đã nhận được cảnh báo từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vì những khoản nợ ngày càng trở nên khó thanh toán và điểm đánh giá tín dụng thấp đáng lo ngại. Nguy cơ đổ vỡ dây chuyền của các nền kinh tế yếu kém đã hiện lên rõ rệt.
Không chỉ vậy, chuỗi bùng nổ suy thoái và lạm phát do những cuộc khủng hoảng ở khắp nơi nay lại được "tiếp sức" bởi việc đồng USD tăng giá. Khi các quốc gia đều gặp vấn đề của mình, chủ nghĩa bảo hộ sẽ càng có điều kiện bùng phát, với khả năng các nước sẽ đóng cửa thị trường và tìm cách trả đũa lẫn nhau. Nếu điều đó xảy ra, hệ thống thương mại toàn cầu sẽ bị tổn thương thêm lần nữa. Một kịch bản không mấy tốt đẹp cho nền kinh tế thế giới trong ngắn và trung hạn.
"Đắt" hay "mạnh"?
Ngay chính Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận: Mức tăng lãi suất thêm 0,75 là “không bình thường”. Nhưng, quyết định này được cho là không thể tránh khỏi, khi nước Mỹ liên tục ghi nhận mức lạm phát mới cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua.
USD đang tăng nhanh so với hầu hết các đồng tiền lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, khác với những kỳ vọng, thực tế là việc tăng lãi suất cơ bản của FED liên tiếp thời gian qua vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Trong tháng 5-2022, lạm phát Mỹ đã ở mức 8,2%. Nhưng, bản báo cáo mới nhất cho biết lạm phát tháng 6 vẫn tiếp tục tăng lên tới mức 9,1%. Như vậy, công cụ tài chính của FED đã không còn hiệu quả như trước nữa, khi mà thực tế dòng tiền đang chịu nhiều sự chi phối khác.
Hàng nghìn tỷ USD đã được tung ra trong 2 năm trước đó để giải cứu nền kinh tế Mỹ đã và đang không có công cụ hữu hiệu để thu về. Trước đây, khi phần lớn hàng hóa được giao dịch bằng đồng USD, nước Mỹ có thể "xuất khẩu lạm phát" này sang các nước khác thông qua nhu cầu mua USD để nhập khẩu của thế giới. Nhưng, hiện nay, với việc ngày càng nhiều các quốc gia đang tự giao dịch với nhau bằng đồng nội tệ, lượng USD dư thừa này rất khó bị thu lại. Thêm vào đó, bối cảnh chính trị thế giới đang vô cùng phức tạp, với tranh chấp, bệnh dịch và xung đột nổ ra khắp nơi. Hệ thống thương mại thế giới bị ách tắc, hàng hóa và nhân lực thiếu thốn đang ngáng trở mọi nỗ lực của các ngân hàng trung ương.
Có thể nói, những quyết định của FED đưa ra lúc này chỉ là biện pháp tạm thời để giải cứu nền tài chính của nước Mỹ, chứ không chắc đã là giải pháp hữu hiệu và bền vững cho cả nền kinh tế. Càng tăng lãi suất, kinh tế Mỹ dường như cũng càng dễ bị tổn thương.
Khi lạm phát vẫn tăng cao, sức ép dành cho FED cũng không hề nhỏ. Cũng có khả năng ngay trong tháng 7 này, FED lại phải tiếp tục nâng lãi suất cơ bản một lần nữa. Ông Michael Feroli - chuyên gia kinh tế cấp cao tại JPMorgan - mới đây đã khẳng định: “FED có đủ thời gian để thay đổi thị trường từ mức tăng 75 thành 100 điểm cơ bản. Tôi không nghĩ FED có bất kỳ lý do nào để hành động chậm chạp hay từ tốn vào lúc này".
Chỉ có điều, những tác động phía sau đó nữa thì vẫn chưa ai có thể hình dung một cách rõ ràng.
Nguồn: antgct.cand.com.vn
-
Tư vấn đăng ký bảo hộ quyền tác giả: Nên hay không?
-
Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch với mức cao kỷ lục mới
-
Giá vàng hôm nay 6/4: Tiền bung ra nhiều, gửi niềm tin vào vàng
-
Lo ngại thất thoát khi bán 7.000 ô tô công không qua đấu giá
-
Giao dịch sáng 22/8: Thị trường duy trì sắc đỏ
-
Mazda CX-9 2017 rục rịch “lăn bánh” về Việt Nam
-
Đèn thờ bằng đồng – địa chỉ nào uy tín, chất lượng cho khách hàng lựa chọn?
-
Phương pháp gia công phụ tùng xe máy cũ hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí
-
Covid-19 – lửa thử vàng cho các công ty tài chính
-
Hà Nội lập Ban chỉ đạo di dời dân khỏi nhà C8 Giảng Võ