Vì sao hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng nặng?

Hàng loạt tàu vỏ thép ở các tỉnh miền Trung đã bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến đánh bắt, nguyên nhân vì sao?

Nghị định 67 của Chính phủ ban hành “một số chính sách phát triển thủy sản” thực sự là một cú hích lớn đối với ngư dân trong việc khai thác thủy hải sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ.

Bởi vì, đây là chủ trương đúng đắn giúp cho ngư dân có điều kiện để cải hoán, đóng mới, nâng cấp tàu có công suất cao để vươn khơi xa.

Hinh anh

Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định nằm bờ sửa chữa. (Ảnh: Báo Giao thông).

Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt tàu vỏ thép ở các tỉnh miền Trung đã bị hư hỏng chỉ sau vài chuyến đánh bắt. Có hay không việc các nhà máy đóng tàu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân rồi làm thiếu trung thực, cho ra đời những con tàu không đảm bảo?".

Những đơn vị tham gia đóng tàu vỏ thép cho ngư dân có Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương - Nam Định, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Nam Triệu - Hải Phòng; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Phà Rừng - Hải Phòng,…

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng tàu vỏ thép này, trả lời báo Giao thông, ông Trần Văn Nguyện, Chánh Văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) cho biết, ngày 15/5, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có báo cáo gửi Tổng cục Hậu cần, kỹ thuật (Bộ Công an) về tình hình sửa chữa bảo hành cho tàu ngư dân theo Nghị định 67CP/NĐ – CP tại Bình Định.

Ông Trần Văn Nguyện cho rằng, Công ty TNHH MTV Nam Triệu là công ty đóng tàu đạt tiêu chuẩn theo đăng kiểm. Công ty đã dùng đúng chủng loại thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, sơn nhập khẩu của Mỹ.

"Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt cá của ngư dân có xảy ra việc cọ xát của chì lưới với lực ma sát mạnh lên boong tàu làm cho bong, tróc lớp sơn tại một số vị trí, nước biển bám vào các vết bong tróc sơn đó gây ra hiện tượng rỉ sét", ông Nguyện nói.

Theo ông Nguyện, với quy trình vận hành bình thường, lẽ ra sau mỗi chuyến ra khơi các ngư dân phải tiến hành cọ rửa bằng nước ngọt để tránh hiện tượng rỉ sét nhưng nhiều ngư dân đã không làm. Khi bàn giao tàu, Công ty cũng tặng mỗi tàu 1 thùng sơn Mỹ để tự sơn, xử lý các vết rỉ sét nhưng nhiều ngư dân cũng không thực hiện.

Ngoài ra, thông thường tại phần mạn tàu đều sử dụng những vật dụng như lốp ô tô cũ đặt tại các vị trí dễ va chạm để tránh xước sơn. "Tuy vậy, khi chúng tôi đi kiểm tra và ngay cả các hình ảnh mà báo chí đăng tải, nhiều tàu không hề có những vật dụng đơn giản này. Quá trình các tàu neo đậu gần nhau, va chạm tróc sơn là điều không thể tránh khỏi”, ông Nguyện nói.

Còn theo ông Bùi Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, ngay sau khi nhận được thông tin của chủ tàu thông báo về các sự cố trên tàu, Công ty Nam Triệu cử lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật giỏi cùng chuyên gia của hãng máy xuống hiện trường trực tiếp cùng chủ tàu kiểm tra, lập biên bản, xác định nguyên nhân, tiến hành sửa chữa, khắc phục các sự cố với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bà con ngư dân sớm đưa tàu hoạt động trở lại.

Toàn bộ chi phí sửa chữa, bảo hành do đơn vị cung ứng máy và Công ty Nam Triệu chi trả. Ngoài ra, Công ty Nam Triệu còn hỗ trợ ngư dân một phần chi phí, đề nghị với ngân hàng thực hiện chính sách điều chỉnh lịch trả nợ hỗ trợ ngư dân trong thời gian tàu sửa chữa và do thiên tai, bão lũ.

Công ty Nam Triệu cũng đã thành lập một tổ sửa chữa, bảo hành tàu thường trực tại Bình Định để đảm bảo việc nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc sử dụng phương tiện khi các tàu vươn khơi trở về.

Trước đó, ngày 10/5/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Đình có báo cáo về tình hình hư hỏng và sửa chữa, bảo hành tàu vỏ thép theo kiến nghị của ngư dân, trong đó có 4 tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu có trụ sở tại Hải Phòng đóng mới. 4 tàu có các lỗi sau: thân vỏ tàu bị ri sét, hà bám nhiều; máy chính, máy điện của các tàu này đều bị hư hỏng hoặc hoạt động không tốt.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết: Cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Trên cơ sở đó mới xác định lỗi ấy do cơ sở đóng tàu hay do chủ tàu, do cơ quan đăng kiểm.

Ở đây có rất nhiều đơn vị liên quan, kể cả ngân hàng cho vay vốn cũng phải có trách nhiệm trong việc giám sát đóng tàu. Các cơ sở đóng tàu, cơ quan đăng kiểm cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc này. Tới đây, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại để có kết luận từng trường hợp cụ thể".

Còn theo lãnh đạo Vụ Khai thác thủy sản - Tổng cục Thủy sản, cơ quan này sẽ thuê đơn vị giám định độc lập tiến hành giám định đối với các tàu cá vỏ thép ở Bình Định, Phú Yên bị hỏng để đảm bảo tính khách quan. Trên cơ sở đó, khi phát hiện sai phạm ở khâu nào sẽ quy rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.

Nguồn VTC News