Vô hiệu hóa sóng 2G, 3G trên toàn cầu

Việc vô hiệu hóa sóng 2G và 3G sẽ làm đơn giản hóa hoạt động mạng. Đồng thời, điều này khuyến khích người dân nâng cấp điện thoại lên 4G, 5G. Tại Việt NamTrên thế giới

Kế hoạch tắt sóng 2G từng được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập vào cuối năm 2021. Theo dự kiến vào năm 2023, lượng thuê bao di động sử dụng mạng 2G tại Việt Nam sẽ giảm còn khoảng 5%, cũng là thời điểm để tiến hành tắt sóng. Các thuê bao 2G ở thời điểm đó sẽ được nhà mạng hỗ trợ điện thoại cầm tay khác để sử dụng nền mạng tiên tiến hơn.

Việc tắt sóng 2G, 3G sẽ giúp giải phóng một số phổ tần để tái sử dụng cho triển khai các công nghệ mới như 4G và 5G. Hầu hết mạng 2G sử dụng các dải tần 850, 900, 1.800 hoặc 1.900 MHz. Do đặc tính lan truyền, các băng tần dưới 1 GHz rất có giá trị, đặc biệt là mang lại vùng phủ sóng lớn hơn và khả năng thâm nhập trong tòa nhà.

Bên cạnh đó, việc tắt sóng các mạng di động cũ cũng làm giảm chi phí và mức tiêu thụ năng lượng của mạng. Ra đời từ năm 1991 với tốc độ khoảng 0,1Mbps, công nghệ mạng 2G chỉ phục vụ thoại và tin nhắn SMS. Nó đã được kế thừa bằng công nghệ mạng 3G - thương mại hóa từ năm 2001, với tốc độ tới 42Mbps hỗ trợ truyền dữ liệu (data) mở ra thời internet di động.

Ảnh minh họa

Việc phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh tới từng người dân là một trong những mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc tắt sóng 2G vào năm 2023 sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu trên khi nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, tham gia sâu hơn vào các dịch vụ số.

Với tốc độ cao, độ trễ thấp và dung lượng lớn, 5G có thể thúc đẩy hàng loạt các ứng dụng. Người dùng 5G sẽ được có được nhiều trải nghiệm nhanh hơn, thú vị hơn như có thể tải xuống một bộ phim dài 2 giờ trong vòng chưa đầy 10 giây. Đối với các ngành công nghiệp lớn, mạng 5G sẽ thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ trong tương lai.

Trong năm 2020, tổng cộng đã có 49 mạng đã ngừng hoạt động, trong đó 33 mạng 2G và 10 mạng 3G. Tốc độ đang được tăng tốc và trong năm 2021, tổng cộng 75 mạng ngừng hoạt động, với 65% trong số đó là mạng 2G. Trong năm 2021, phần lớn số mạng ngừng hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương là mạng 2G, trong khi ở châu Âu, 12 mạng ngừng hoạt động, chiếm phần lớn là 3G.

Tại châu Âu, xu hướng sóng 3G bị vô hiệu hóa trước 2G. Khoảng 19 nhà mạng đang có kế hoạch tắt mạng 3G của họ vào năm 2025 và khoảng 8 nhà mạng đang lên kế hoạch tắt mạng 2G vào năm 2025.

Tháng 6/2021, hai nhà khai thác ở Đức là Vodafone và Deutsche Telekom đã ngừng hoạt động. Telefonica cũng dừng mạng 3G vào cuối năm 2021. Tại các quốc gia khác, Telia sẽ tắt sóng 3G ở tất cả các quốc gia mà nhà mạng này từ năm 2022 đến năm 2025 và EE sẽ là mạng đầu tiên của Vương quốc Anh thông báo ngừng hoạt động 3G.

Tại châu Á, Nhật Bản đã tắt sóng 2G từ lâu. Tháng 6/2021, nhà mạng LG Uplus, nhà mạng cuối cùng của Hàn Quốc dừng cung cấp dịch vụ 2G, đánh dấu việc chấm dứt hoàn toàn mạng viễn thông di động 2G ở nước này.

Châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ đang tiến tới tắt sóng mạng 2G. Mạng 3G sẽ được tất cả các nhà mạng lớn dừng hoạt động vào năm 2022. Khoảng 15 nhà mạng tại 7 quốc gia đã thông báo tắt sóng 2G vào cuối năm 2025.

Châu Phi là khu vực duy nhất chưa có thông báo về việc ngừng hoạt động 2G hoặc 3G cho đến nay nhưng sẽ là một phần trong kế hoạch tương lai khi các công nghệ mới hơn thâm nhập nhiều hơn. Đến năm 2025, Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) dự báo hơn 106 mạng sẽ ngừng hoạt động trên toàn thế giới, với 60% là mạng 2G.

Nguồn: conglyxahoi.net.vn