Thông tin ít ỏi về tốc độ giải ngân, cũng như tiến độ xây dựng nghèo nàn khiến dư luận nghi ngại về tâm huyết của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào dự án bất động sản tại Việt Nam.
Nếu những tòa tháp chọc trời như Keangnam Landmark Tower hay Lotte Center Hà Nội được xem là biểu tượng của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì cũng có không ít dự án là nỗi ám ảnh của nhà đầu tư sau nhiều năm dang dở. Đó là những dự án: Khu đô thị Booyoung Vina, Deawoo Cleve, (Hà Nội), New City (Phú Yên), Winvest LLC (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Những tấm biển dự án bạc màu thời gian khiến lòng tin của thị trường với các dự án ngoại không khỏi bị xói mòn.
Sự nghi ngờ đó lớn đến nỗi, mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm UAE ngày 16/12/2014 của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Tập đoàn Nakheel cam kết sẽ trình kế hoạch tiếp tục đầu tư dự án Khu đô thị - Du lịch Hạ Long Star tại tỉnh Quảng Ninh ngay tháng 1/2015, với tổng vốn 550 triệu USD, thì đối tác Việt Nam ở dự án này là Tập đoàn Sovico Holdings vẫn hết sức dè dặt khi đề cập đến thông tin này.
Theo đại diện Sovico Holdings, thời gian qua, còn có những điểm chưa thống nhất giữa Sovico Holdings và Nakheel trong kế hoạch hợp tác đầu tư, nên chưa thể thông tin dự án sẽ được triển khai như thế nào. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo Tập đoàn Nakheel cam kết với đại diện Chính phủ Việt Nam thì đây sẽ là cơ sở quan trọng để 2 bên đi đến thống nhất đẩy nhanh tiến độ dự án.
Năm 2014, bất động sản là 1 trong 2 lĩnh vực thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, nhưng cũng có nhiều dự án trong lĩnh vực này của nhà đầu tư nước ngoài xin giảm quy mô đầu tư xây dựng. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm 2014, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong các ngành, lĩnh vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 32 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,27 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,02 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng vốn đăng ký (đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 689 dự án đầu tư đăng ký mới với 13,15 tỷ USD vốn đăng ký).
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến nghi ngờ về sự xác thực của nguồn vốn giải ngân so với vốn đầu tư đăng ký vào các dự án bất động sản và lo ngại thị trường bất động sản trong nước không hấp thu được nguồn vốn này; nhiều dự án gắn mác ngoại được khởi động vào thời điểm "hoàng kim" của thị trường bất động sản nhưng đến nay không được triển khai đúng tiến độ...
Nghi ngờ này xuất phát từ thực tế bê trễ tại nhiều dự án. Chẳng hạn, cuối quý III/2014, dù thị trường bất động sản đã có tín hiệu khởi sắc trở lại, Công ty TNHH New City properties development - chủ đầu tư Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City (tỉnh Phú Yên) lại xin giảm quy mô diện tích dự án từ 565 héc-ta xuống còn 357,52 héc-ta và quy mô vốn đầu tư giảm từ 4,3 tỷ USD xuống còn 1 tỷ USD. Gần đây, trong tháng 12/2014, Công ty TNHH Hibrand Việt Nam (Tập đoàn Inpyung, Hàn Quốc), chủ đầu tư tổ hợp Dự án Daewoo Cleve (Hà Đông, Hà Nội) cũng xin giảm chiều cao các tòa nhà từ 30 - 40 tầng xuống còn 23 - 27 tầng… Chưa kể với sự khất lần thời hạn bàn giao nhà của chủ đầu tư dự án này, nhiều khách hàng đã yêu cầu được rút vốn như Đầu tư Bất động sản đã thông tin.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản trước thời điểm Dự án được điều chỉnh quy hoạch, nguồn tin từ Hibrand Việt Nam cho biết, ngay sau khi phương án quy hoạch mới được chấp thuận, chủ đầu tư sẽ tiến hành thi công trở lại. Tuy nhiên, sau khi phương án điều chỉnh quy hoạch được thông qua, chủ đầu tư cũng chưa xác định được chính xác thời điểm thi công trở lại. Hiện tại, các tòa CT2A, CT2B đã thi công đến tầng 6 rồi tạm dừng từ giữa năm 2013.
Vậy câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh nguồn cung bất động sản tiếp tục tăng, tại sao các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất hào hứng với thị trường bất động sản Việt Nam?
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, dù thị trường bất động sản nước ta còn trầm lắng, nhưng các nhà đầu tư ngoại vẫn tìm thấy cơ hội trong khó khăn vì thị trường căn bản vẫn tiếp tục phát triển. Ngoài ra, các nhà đầu tư ngoại thường đầu tư theo kiểu đón đầu, chờ giai đoạn phục hồi trong vài năm tới.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư ngoại nào cũng đủ tiềm lực tài chính theo suốt đời dự án. Vì vậy, cần cẩn thận với dòng vốn ngoại đăng ký cho “đẹp sổ sách”, bởi tình trạng “mỡ nó rán nó”, lấy vốn của khách nội nuôi dự án ngoại không phải chưa từng xảy ra.
Theo Tin nhanh chứng khoán
-
Mỹ bắt giữ đối tượng âm mưu ám sát cựu Tổng thống George W. Bush
-
Hàng nghìn chiếc Mercedes-Benz C200 bị triệu hồi tại Việt Nam
-
Phó thống đốc: Lạm phát năm 2016 khó thấp như năm 2015
-
5 đổi mới gây tranh cãi của Bộ Giáo dục và Đào tạo
-
Về ra mắt, "cô dâu" 19 tuổi trộm xe
-
PXT vay LienVietPostBank 470 tỷ đồng để làm Nhiệt điện Thái Bình 2
-
Ông Đường "bia" sau khi gây sốc với toilet mạ vàng lại giới thiệu độc chiêu bánh mỳ Bỉ
-
Giá tiền ảo hôm nay (5/11): FED tuyển giám đốc mới để nghiên cứu tiền kỹ thuật số
-
Facebook mua lại Servicefriend, chuẩn bị dịch vụ ví điện tử
-
Văn phòng điện tử thông minh giải pháp nâng cao hiệu quả công việc cho mỗi doanh nghiệp