`Vua ngân hàng` Sài Gòn xưa

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, không học hành, bằng cấp, nhưng ông Nguyễn Tấn Đời đã tự thân vươn lên giàu có, nổi tiếng với các biệt danh vua ngân hàng, vua building những năm 1970.

Ông Nguyễn Tấn Đời sinh ra và lớn lên ở Châu Đốc (An Giang) trong một gia đình nông dân. Thời trẻ, làm nghề buôn trâu, bò qua biên giới, tuy vốn liếng không nhiều nhưng ông là người luôn giữ chữ tín trong làm ăn nên được giới thương lái Campuchia rất tín nhiệm. Vì thế ông Đời nhanh chóng tích lũy một số vốn đáng kể và ông quyết định rời bỏ vùng biên giới quê hương cùng nghề buôn trâu để lên Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1954.

Từ một người không được học hành nhiều, không bằng cấp, Nguyễn Tấn Đời thành đạt theo cách người Mỹ gọi là "self made man" - con người tự đào tạo. Ông bắt đầu công việc kinh doanh từ chỗ thành lập hãng gạch bông Đời Tân và mau chóng vượt lên những đối thủ trong ngành gạch ngói.

vua-ngan-hang-sai-gon-xua

Ông "vua" ngân hàng một thời của đất Sài Gòn - Nguyễn Tấn Đời.

Thành công với hãng gạch, ông Đời mua cả khu phố cạnh chợ Bến Thành để xây dựng nhà hàng Mai Loan cao 6 tầng, nổi tiếng sang trọng bậc nhất Sài thành với các tiện nghi lần đầu mới có ở Việt Nam thời bấy giờ như tủ lạnh, máy lạnh, máy nước nóng.

Thành đạt trong kinh doanh khách sạn và cho thuê mướn nhà, nhất là việc cho thuê toà nhà Président, Nguyễn Tấn Đời nhanh chóng trở thành một trong số những người giàu có nhất đất Sài Gòn và được gọi là “vua building”.

Sau đó, vào năm 1966, ông chuyển sang lĩnh vực ngân hàng khi chính thức thành lập Tín Nghĩa Ngân Hàng. Từ giữa thập niên 60 về trước, ở Sài Gòn chỉ những người trong giới ngân hàng là biết đến tên ông, còn người dân thì hoàn toàn xa lạ. Nhưng từ năm 1967, hầu như ai cũng nghe nhắc đến tên con người có gốc từ An Giang này. Những năm đầu của thập niên 70, khi cường độ cuộc chiến tranh đã đến hồi khốc liệt thì cũng là thời điểm cực thịnh của hệ thống ngân hàng tư nhân ở Sài Gòn, đứng đầu là Tín Nghĩa Ngân Hàng, dân gian gọi là Ngân hàng Ông Thần Tài của Nguyễn Tấn Đời.

Năm 1971, Tín Nghĩa Ngân Hàng hầu như lấn lướt hẳn các nhà băng khác, kể cả Ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Biểu tượng ông thần tài với xâu tiền trong tay, hầu như quen thuộc với mọi người khắp nơi nhất là dân nghèo sở hữu một món tiền nho nhỏ đều có thể có cuốn sổ tiết kiệm "Thần tài".

Tài khoản ký thác trong ngân hàng lên đến 30 tỷ đồng thời đó, trong khi tổng số tiền ký thác của các ngân hàng tư khác chỉ khoảng 18 tỷ đồng. Ông Đời đã chủ động đưa ra chiến lược cạnh tranh, thay đổi cách phục vụ, mời khách đến với ngân hàng. Trước đó, các ngân hàng khác không tìm đến khách hàng, những ai cần ngân hàng thì tự tìm đến.

Ngân hàng của ông Đời lúc bấy giờ có hàng trăm chi nhánh trên toàn miền Nam, gần như chiếm lĩnh toàn bộ các dịch vụ tiền gửi và cho vay. Ngoài ra, những công trình lớn được đầu tư bởi ngân hàng này đã mọc lên dày đặc như khách sạn Président (Trần Hưng Đạo, quận 5), bệnh viện tư loại lớn nhất nhì thành phố (đường Trần Hưng Đạo, quận 5), một hãng gạch bông có uy tín, một ngôi nhà thủy tạ (gần cầu Bình Lợi) thường được gọi là “nhà mát ” của Nguyễn Tấn Đời và một số công trình khác...

Cũng năm 1971, ông Đời tham gia chính trường với danh vị hạ nghị sĩ quốc hội, đơn vị tỉnh Kiên Giang. Sự lớn mạnh của Ngân hàng Tín Nghĩa, cũng như sự bành trướng thế lực của ông đã gây khó chịu cho các đại gia, quan chức thời đó.

Theo Hồi ức được ghi chép từ nhiều cuộc trò chuyện giữa ông Nguyễn Hữu Có  (1925-2012), từng giữ chức Phó thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa với Báo Pháp Luật TP HCM (trong quãng thời gian từ 2000 đến 2005) thì Tín Nghĩa là một nhà băng lớn và Nguyễn Tấn Đời có quan hệ với nhiều ông lớn, một trong số đó là Tướng Dương Văn Minh.

Theo ông Có, sáng nào ông Đời và ông Minh cũng chơi tennis với nhau. Cả Sài Gòn ai cũng biết. Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà khi đó là Nguyễn Văn Thiệu cũng biết và đặc biệt khó chịu về điều đó. Thế rồi tai vạ ập đến. Ông Thiệu nghe "tay chân thân tín" mách lại: ông Nguyễn Tấn Đời hứa với ông Dương Văn Minh hễ ông Minh ra tranh cử tổng thống thì ông Đời sẽ hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính. Và ông Thiệu quyết định ra tay trước để ngăn ngừa hậu họa.

"Lúc đó, ông Nguyễn Tấn Đời nói với tôi: "Căng rồi, ông Thiệu đã lệnh cho thanh tra quy mô Tín Nghĩa Ngân hàng", ông nhớ lại.

Chứng cứ tới đâu thì ông Có cho rằng không biết, nhưng tháng 3/1975, trong vòng 48 giờ đồng hồ sau khi chính quyền Sài Gòn ra lệnh phong tỏa tất cả Tín Nghĩa Ngân Hàng, ông Nguyễn Tấn Đời đã bị bắt. Cuộc thẩm vấn ông Đời diễn ra chóng vánh và ông bị tống giam vào khám Chí Hòa cho tới ngày giải phóng.

Còn theo tin tức đăng tải công khai trên các báo xuất bản tại Sài Gòn vào thời điểm đó, ông Nguyễn Tấn Đời đã phạm vào các tội làm ngân hàng này mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trả cho khách hàng. Cá nhân ông Đời đã vi phạm việc huy động vốn và đầu tư, kinh doanh...

Năm 1975, ông Nguyễn Tấn Đời được tha và lặng lẽ sang Canada định cư. Tại đây, ông mở một số nhà hàng Nhật và qua đời ở tuổi 70.

Nguồn Vnexpress