Báo động ung thư gan
Theo thống kê của tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN năm 2018, tại Việt Nam, ung thư gan là bệnh thường gặp nhất ở hai giới với 25.335 trường hợp mắc mới, trong đó riêng nam giới chiếm hơn 19.500 ca. Đáng nói là số ca tử vong do ung thư gan tại nước ta gần tương đương với số ca mắc mới.
Đến thời điểm này sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2, hiện ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, vươn lên vị trí số một về tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ này không ngừng tăng lên.
Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan. Với tỷ lệ này, Việt Nam xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ, chỉ đứng sau Mông Cổ (tỷ lệ 93,7/100.000 dân), Ai Cập (32,2), và Gambia (23,9). Vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt thuộc về Lào (22,4) và Campuchia (21,8), vị trí thứ 8 thuộc về Thái Lan (21).
Theo PGS Trịnh Thị Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội, ung thư gan gồm ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ung thư gan nguyên phát gặp ở 80% bệnh nhân, là hiện tượng xuất hiện các tế bào bất thường trong gan, tăng trưởng không kiểm soát, tập hợp lại với nhau thành khối u ác tính có khả năng xâm lấn tới các mô lân cận và theo máu, hệ bạch huyết di căn tới những cơ quan xa hơn trên cơ thể. Bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn phụ nữ, chủ yếu ở những người trên 50 tuổi, bị xơ gan hoặc nhiễm siêu vi B, C.
Đáng lưu ý đây cũng là loại ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu cho cả hai giới. Đa số bệnh nhân đến khám khi đã muộn, thời gian sống trung bình không quá một năm. 60% đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỷ lệ được phát hiện sớm rất thấp.
Trong khi đó, ung thư gan chữa được nếu phát hiện sớm. Có rất nhiều cách chữa trị như phẫu thuật cắt bỏ phần gan có khối u, ghép gan, nút mạch gan bằng hóa chất, xạ trị, hóa trị... Bệnh nhân ung thư gan sống đc bao lâu phụ thuộc vào các giai đoạn ung thư gan và thời điểm điều trị, nếu bệnh nhân được phẫu thuật sớm khi kích thước khối u dưới 3cm (lúc này gan chỉ mới bị xơ) thì tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 80 - 90%.
Tuy nhiên, theo PGS Ngọc nếu khối u đã lớn hơn, trong khoảng 3 - 6cm, tỷ lệ trên sẽ giảm còn 60%. Trường hợp khối u lớn hơn 6cm, tỷ lệ bệnh nhân ung thư gan sống được sau 5 năm chỉ còn 10 - 15%.
Nếu như kích thước khối u đã lớn hơn 10cm, thì khả năng không thể chữa khỏi được, nhất là khi bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng vàng da, vàng mắt. Khi đó, mục tiêu điều trị chỉ có thể là kéo dài sự sống và giảm đau.
Triệu chứng ung thư gan
Thứ nhất, dấu hiệu cảnh báo là người bệnh bị vàng da. Đây là triệu chứng thường gặp, xuất hiện ở khoảng 1/3 số bệnh nhân ung thư gan, nhất là giai đoạn cuối. Nguyên nhân vàng da là do các tế bào gan bị tổn thương và khối u ở gan gây chèn ép lên đường mật. Vàng da ở bệnh nhân ung thư gan khác với vàng da khác thêm dấu hiệu vàng cả trong củng mắt.
Thứ hai, người bệnh cảm thấy đau bụng đặc biệt cảm giác đau dữ dội ở vùng bụng bên phải, ngay vị trí gan, hạ sườn. Đây là triệu chứng quan trọng báo hiệu ung thư gan nguyên phát, cũng là dấu hiệu phổ biến của ung thư gan.
Thứ ba, bệnh nhân đôi khi có sốt nhẹ, nhưng cũng có trường hợp chuyển thành sốt cao đột ngột, trên 39oC.
Thứ tư, các rối loạn tiêu hóa xảy ra hầu hết ở bệnh nhân ung thư gan. Người bệnh luôn thấy chán ăn, tiêu hóa kém, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, cơ thể suy nhược, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Thứ năm, sờ thấy khối u. Nếu u ở gan trở nên to hơn, cứng, bề mặt không nhẵn mà có nhiều nốt hay những khối u lớn nhỏ không đồng đều, thường gây ra đau tức.
Theo PGS Ngọc đa số bệnh nhân đến ở giai đoạn muộn vì ung thư gan ở giai đoạn thường không có dấu hiệu, người bệnh bỏ qua các dấu hiệu mơ hồ ban đầu. Tuy nhiên, bệnh không khó phát hiện. Cách đơn giản, không độc hại là tầm soát bằng siêu âm gan ít nhất mỗi 6 tháng/lần, biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C,…). Các bác sĩ có thể phát hiện được các khối u tương đối nhỏ.
Khi nghi ngờ có ung thư gan, bác sĩ sẽ yêu cầu thêm những xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính đa dãy có tiêm thuốc cản quang, sinh thiết gan…