Xuất khẩu tôm sang Australia tăng 93%

 Mặc dù giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước đối thủ từ 1-2 USD/kg nhưng tôm Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt tại thị trường Australia. Nước này hiện cũng đang đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân nên dự kiến xuất khẩu (XK) tôm sang thị trường này từ nay đến cuối năm vẫn tăng trưởng tốt.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nửa đầu năm nay, XK tôm sang thị trường Australia đạt 88,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.

Là thị trường XK tôm tiềm năng trong khối thị trường CPTPP, trong hai năm trở lại đây, giá trị XK tôm (nhất là tôm chân trắng) sang thị trường Australia khả quan. Trong quý II/2021, có 81 doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia XK tôm sang thị trường này, trong đó lớn nhất là Tập đoàn Minh Phú. Sản phẩm tôm XK sang thị trường Australia trong nửa đầu năm nay cũng khá đa dạng.

Trong số 5 thị trường cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Australia 5 tháng đầu năm 2021 (Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Brunei), Việt Nam là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng áp đảo với 62%; tiếp đó là Thái Lan chiếm 16%, Trung Quốc 10%...

Australia nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng 93%, trong khi từ Thái Lan và Trung Quốc giảm lần lượt 4% và 31%. Mặc dù giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước đối thủ từ 1-2 USD/kg nhưng tôm Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt tại thị trường này.

Chế biến tôm xuất khẩu tại ĐBSCL.

Từ cuối năm 2020 và nửa đầu năm nay, nhiều nhà nhập khẩu, nhà cung cấp, kênh phân phối bán lẻ Australia đã thích nghi với dịch bệnh để thúc đẩy lại hoạt động kinh doanh. Nhiều phương thức bán hàng được thay đổi theo hướng dịch vụ giao hàng tận nhà tăng lên; chuỗi nhà hàng, nhà cung cấp thủy sản địa phương chấp nhận đặt hàng trước…

Hơn nữa, so với một số nước như Mỹ, Ấn Độ, châu Âu, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Australia không quá căng thẳng, hiện tại vắc xin cũng đang được nước này đẩy mạnh tiêm cho người dân nên dự kiến XK tôm sang thị trường này từ nay đến cuối năm vẫn tăng trưởng tốt.

Nửa đầu năm nay, trong tổng 4,1 tỷ USD kim ngạch XK thủy sản, mặt hàng tôm đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 76% với trên 1,3 tỷ USD (tăng 23%); tôm sú chiếm 15% (đạt 257 triệu USD, giảm 10%); tôm biển các loại chiếm 9% (đạt 154 triệu USD, giảm 16%).

Hiện nay vùng ĐBSCL đang xuống giống tôm vụ 2, nhu cầu con giống cao, tuy nhiên phải vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung Bộ vào nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều kiện giãn cách xã hội. Mặc dù thị trường XK khá thuận lợi nhưng tăng trưởng XK thủy sản nửa cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và khả năng kiểm soát dịch COVID-19, phụ thuộc vào hoạt động của các nhà máy chế biến...

Nguồn Tienphong