Benjamin Netanyahu và chiến dịch ngoại giao phản công

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chọn London là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong năm nay và Washington sẽ là điểm kế tiếp. 

Benjamin Netanyahu và chiến dịch ngoại giao phản công

Sau sự ra đi của chính quyền Obama, Israel đang cố gắng tạo ra một liên minh mới với các đồng minh truyền thống của mình nhằm gây sức ép lên Iran và khẳng định vị thế của họ trong quan hệ với Palestine.

Chỉ là cái cớ

Có thể nói, thời gian gần đây, quan hệ của Israel và phương Tây không mấy thuận chèo mát mái. Đòn mạnh nhất giáng vào Tel-Aviv là Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an LHQ nghiêm cấm nước này định cư trong các vùng lãnh thổ của Palestine. Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế về Trung Đông cuối năm ngoái tại Paris cũng không chấp nhận những quyết định của chính quyền Benjamin Netanyahu trong việc xây dựng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Trong khi đó, Anh là một trong những nước chống lại quyết định của Israel ngay từ đầu.

Vào đêm trước cuộc đàm phán Anh -Israel tại London, Thủ lĩnh đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn đã yêu cầu Thủ tướng Theresa May gửi đến Thủ tướng Israel rằng “Chính phủ Anh sẽ và tiếp tục ủng hộ quyền lợi của nhân dân Palestine”. Tuy nhiên, những tín hiệu mới nhất từ chính quyền Tổng thống Donald Trump trong quan hệ khá căng thẳng với Iran vì những vụ thử tên lửa đạn đạo của Tehran vừa rồi đã khiến Benjamin Netanyahu phải hành động.

Theo ông Netanyahu, cơ sở cho một kỷ nguyên mới trong việc xích lại gần với các đồng minh truyền thống chính là "mối đe dọa mang tên Iran". "Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất đối với các quốc gia như Mỹ với tư cách của một nhà lãnh đạo thế giới cũng như Israel và Anh phải đứng trong một mặt trận thống nhất chống lại sự xâm lăng của Iran" - Benjamin Netanyahu nói tại London.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May, Benjamin Netanyahu cũng đã cố gắng tìm mọi cách để tập trung vào chủ đề Iran, tránh những tranh cãi về vấn đề khu định cư. “Iran muốn tiêu diệt Israel. Họ đang cố gắng chinh phục Trung Đông, đe dọa châu Âu, đe dọa phương Tây, đe dọa thế giới và tiến hành khiêu khích hết đợt này đến đợt khác.....” - Benjamin Netanyahu nói.

Một kết cục ngoài mong đợi?

Tuy nhiên, kế hoạch làm lu mờ các khu định cư Do Thái bằng “mối đe dọa mang tên Iran” của Benjamin Netanyahu đã không thành công. Thủ tướng Anh Theresa May đã không thay đổi quan điểm của mình về cuộc xung đột Palestine - Israel. Chưa hết, bà Theresa May còn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran - thỏa thuận đạt được giữa Tehran và sáu nước trung gian quốc tế vào mùa hè năm 2015.

Trong bối cảnh ấy, sau khi về nước, từ sân bay Benjamin Netanyahu đã đi thẳng đến Quốc hội Israel tham dự cuộc họp nhằm thông qua dự luật về việc hợp pháp hoá 4.000 nhà định cư Do Thái được xây dựng trên đất của Palestine ở Bờ Tây sông Jordan. Việc bỏ phiếu thông qua dự luật này diễn ra hết sức căng thẳng.

Tuy nhiên, dự luật đã được thông qua bởi 60 phiếu thuận và 52 phiếu chống. Theo các nhà phân tích, việc thông qua dự thảo luật hợp pháp hóa các khu định cư Do Thái là một vụ bê bối quốc tế mới, khiến nhà nước Do Thái tiếp tục bế tắc trong các hoạt động ngoại giao với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các đồng minh phương Tây.

Ngay lập tức, Paris và Berlin đã lên án mạnh mẽ việc thông qua dự luật này và cho là “bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế”.

Trong bối cảnh ấy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên kế hoạch tới Washington vào ngày 15/2 mà trọng tâm là cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để nhận được sự ủng hộ của Mỹ là khá mong manh đối với Israel.

Nguồn GDTĐ