Bết bát như công ty chứng khoán có vốn ngoại

 Bên cạnh những CTCK có vốn ngoại ăn nên làm ra, một số CTCK có sự góp mặt của cổ đông nước ngoài lâm vào tình cảnh thua lỗ triền miên nhiều năm qua, thậm chí đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi thị trường.

Bết bát như công ty chứng khoán có vốn ngoại

Từ lỗ triền miên…

Không chỉ đầu tư vốn, sự xuất hiện của các ông chủ ngoại cả ở vai trò hoạch định chiến lược lẫn trực tiếp điều hành hoạt động đầu tư, kinh doanh, từng được thị trường kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt về triết lý hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh cho các CTCK Việt Nam. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy điều ngược lại.

Ngoài chiến lược kinh doanh nhạt nhòa, không tạo được dấu ấn trên thị trường, một điểm chung nữa của nhiều CTCK có vốn đầu tư nước ngoài là tình trạng thua lỗ triền miên. Chẳng hạn, CTCK Kenanga Việt Nam (do NĐT Malaysia sở hữu 49% vốn) lỗ 7,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014, qua đó làm tăng khoản lỗ lũy kế đến hết tháng 6/2014 lên 37,2 tỷ đồng.

Tình cảnh này cũng diễn ra tương tự tại CTCK Mirae Asset Việt Nam, khi 6 tháng đầu năm lỗ 2,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 7 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên đến 42,3 tỷ đồng tại thời điểm giữa năm nay…

Kết quả kinh doanh bết bát không chỉ diễn ra ở những CTCK có vốn ngoại lâu nay hoạt động èo uột, mà ngay cả những công ty gần đây được ông chủ ngoại bơm vốn để lên nắm quyền điều hành, nhằm chủ động tiến hành các bước tái cấu trúc. Điển hình như trường hợp CTCK KIS Việt Nam.

Tuy đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cho NĐT nước ngoài sở hữu CTCK Việt Nam với tỷ lệ từ 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, nhưng theo Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2014 của KIS Việt Nam, thì cổ đông Hàn Quốc là Công ty TNHH Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc (KIS) hiện sở hữu hơn 92,3% vốn điều lệ của KIS Việt Nam.

Ông chủ ngoại trực tiếp hoạch định chiến lược cũng như điều hành, nhưng kết quả kinh doanh của KIS Việt Nam không vì thế mà khởi sắc. 6 tháng đầu năm nay, KIS Việt Nam chỉ lãi vỏn vẹn 262 triệu đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 3 tỷ đồng.

Diễn biến này chẳng giúp ích gì cho KIS cải thiện sức khỏe tài chính, khi Công ty đang còn khoản lỗ lũy kế lên tới gần 112 tỷ đồng. Kinh doanh bết bát là vậy, nhưng khi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mới đây, ông Ryu Sang Ho, Tổng giám đốc KIS vẫn cam kết đầu tư lâu dài và góp phần thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển… Liệu cam kết này có vững bền, khi mà KIS Việt Nam đã “ăn” gần hết nửa vốn điều lệ do thua lỗ triền miên, nên hiện vốn chủ sở hữu còn hơn 151 tỷ đồng?

… đến nguy cơ bị xóa tên

Thua lỗ triền miên, ăn cụt vốn kinh doanh, cùng với đường hướng phát triển mờ mịt, khiến nhiều CTCK có vốn ngoại đang đứng trước nguy cơ bị xóa tên khỏi thị trường.

Sau hàng loạt vi phạm, bắt đầu từ giữa năm nay, CTCK Golden Bridge đã bị UBCK đình chỉ hoạt động (kéo dài đến 29/11/2014), sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, nhưng Công ty không có biện pháp thoát ra khỏi tình trạng này. Với tình cảnh này, Golden Bridge đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khỏi thị trường.

Một cái tên khác cũng đang đứng trước nguy cơ bị “xóa tên” là CTCK Tràng An. Sau sự xuất hiện của ông chủ người Trung Quốc Dương Hiểu Đông trên cương vị Chủ tịch HĐQT của CTCK Tràng An, những tưởng Công ty vượt qua được cú sốc do ông chủ cũ Lê Hồ Khôi gây ra, nhưng những gì diễn ra trên thực tế lại không phải như vậy. Với việc chuyển toàn bộ tài khoản của khách hàng sang CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS), đến nay, hầu như không thấy bước đi tiếp theo của CTCK Tràng An. Điều này khiến thị trường đặt dấu hỏi về sự tồn tại của Công ty.

Tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa nhóm cổ đông trong nước và nước ngoài kéo dài, khiến CTCK Kenanga rơi vào tình cảnh làm ăn bết bát và hiện chưa có lối thoát. Không chỉ “đốt” hết gần 30% vốn điều lệ, đến nay, CTCK Kenanga gần như “đóng băng” hoạt động, khi không còn là thành viên giao dịch của Sở GDCK. Điều này đồng nghĩa với việc sự tồn tại của CTCK Kenanga có chăng chỉ là cái tên, còn thực tế gần như không triển khai các nghiệp vụ kinh doanh.

Trong một lần trao đổi với ĐTCK, đại diện CTCK Kenanga cho biết, nếu thành công trong tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng, ông chủ hiện tại sẽ bán Công ty. Sau thời gian khá dài, nhưng hoạt động nhượng bán vẫn chưa diễn ra, khiến thị trường đồn đoán về khả năng CTCK Kenanga tìm cách rút lui khỏi thị trường theo một hướng khác.

Hữu Đạo

{fcomment}