“Thuyền trưởng” Hapaco và giấc mơ xây viện dưỡng lão

 Từ xí nghiệp sản xuất bìa nhỏ bé đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại phía Bắc niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM, có quy mô vốn chủ sở hữu hiện tại trên 500 tỷ đồng, chặng đường ấy của CTCP Tập đoàn Hapaco có vai trò quá lớn của Chủ tịch HĐQT Vũ Dương Hiền. 

“Thuyền trưởng” Hapaco và giấc mơ xây viện dưỡng lão

Trở lại với Giải thưởng EY – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp sau 3 năm, câu chuyện về doanh nhân Vũ Dương Hiền không cũ đi mà lại ấn tượng và sâu sắc hơn bởi những trải nghiệm mới, những bước đi táo bạo cùng những dự định và ấp ủ mới.

“Khát vọng vươn xa” cùng “tư duy đổi mới” – luôn đi tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp mới, phát triển sản phẩm mới - doanh nhân Vũ Dương Hiền thực sự đã gây ấn tượng với Hội đồng Bình xét Giải thưởng chính bởi cái “chất doanh nhân” đậm đà đó.

Hai lần lặn lội ra nước ngoài để tìm hiểu thị trường

Năm 1983, sau 8 năm làm cán bộ Thành ủy Hải Phòng, ông Vũ Dương Hiền được luân chuyển về làm Giám đốc Xí nghiệp bìa Đồng Tiến. Lúc này đơn vị đang ngập trong khó khăn, đầu ra cho sản phẩm rất bế tắc. Với tư duy sắc khác, ông Hiền đã nhìn ra ngay những bất cập trong quản lý sản xuất của Xí nghiệp, sản xuất chưa dựa trên nhu cầu của thị trường. Vậy là ông quyết định lên đường sang Liên Xô để nghiên cứu thị trường, tìm hướng đi mới cho xí nghiệp.

Ông Hiền chia sẻ: “Năm 1986, tôi sang Moscow, thấy hàng dài người xếp hàng trước các cửa hàng mua giấy vệ sinh, họ đeo những xâu giấy như những cái vòng quanh cổ. Thế là ý tưởng sản xuất giấy vệ sinh để xuất khẩu sang Liên Xô vụt đến”. Trở về từ Liên Xô, ông Hiền cùng các cộng sự bắt tay vào chuẩn bị cho việc chuyển đổi sản phẩm của nhà máy từ giấy bìa sang giấy vệ sinh.

Sau khi đầu tư các máy móc thiết bị mới, công suất sản xuất của Xí nghiệp giấy Đồng Tiến trong giai đoạn này đạt gần 80 tấn/tháng. Hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển rất thuận lợi, sản xuất không đủ cung cấp nhu cầu đặt hàng của phía đối tác Liên Xô, ông Hiền đã chủ động vận động 5 xí nghiệp giấy khác thành lập Hiệp hội Giấy, sản xuất giấy xuất khẩu sang Liên Xô, bao gồm Giấy Đồng Tiến, Trúc Bạch, Hải Hưng, Tuyên Quang và Hoàng Liên Sơn nhằm kết hợp nguồn nhân lực, công nghệ khoa học kỹ thuật nâng cao công suất sản xuất giấy vệ sinh để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Lúc đó thị trường trong nước chỉ tiêu thụ được khoảng 5% tổng công suất của xí nghiệp, còn lại 95% là xuất khẩu sang Liên Xô với giá trị khoảng 7 triệu rúp/năm. Công việc suôn sẻ được gần 5 năm thì ông Hiền lại phải đối mặt với khó khăn.

Đến cuối năm 1990, Liên Xô và khối nước XHCN Đông Âu tan rã, Xí nghiệp giấy Đồng Tiến mất thị trường này và lại lâm vào khó khăn. Không cam tâm để Xí nghiệp đi vào ngõ cụt, ông Hiền một lần nữa quyết định khăn gói ra nước ngoài tìm thị trường mới. Lần này thì ông chọn quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Những năm 1990 -1991, việc đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc còn nhiều khó khăn, ông Hiền đã phải đóng vai cửu vạn bốc hàng thuê để vào Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Thật tình cờ, trong chuyến đi, ông gặp một người Mỹ gốc Đài Loan là David Yen làm nghề sản xuất giấy vàng mã và ông nhận ra lối thoát nếu chuyển đổi sang sản xuất giấy vàng mã để xuất khẩu vào thị trường Đài Loan, một thị trường có sức tiêu thụ sản phẩm này rất lớn. Nhẩm tính chi phí sản xuất sản phẩm này tại Xí nghiệp giấy Đồng Tiến thấp hơn nhiều so với xưởng của Yen, ông Hiền đề nghị làm nhà cung cấp giấy nguyên liệu vàng mã cho Yen và mời Yen sang làm chuyên gia tư vấn việc chuyển đổi sản phẩm.

Mọi chuyện tưởng như suôn sẻ, nhưng khi sang khảo sát tại Xí nghiệp, Yen cho biết, dây chuyền hiện tại không thể sản xuất giấy vàng mã, cần phải nhập dây chuyền mới có giá trị khoảng 150.000 USD.

Xí nghiệp đang khó khăn, việc đầu tư 150.000 USD cho dây chuyền sản xuất mới là cả một vấn đề. Ông Hiền khi đó đã đưa ra một quyết định táo bạo là vay vốn của doanh nghiệp khác với lãi suất cao. Khó khăn về vốn được giải quyết thì ông Hiền lại tiếp tục đối mặt với sự nhiêu khê của thủ tục hành chính khi nhập dây chuyền sản xuất… Sau 6 tháng quyết tâm vượt qua mọi thử thách, nỗ lực đàm phán ký kết hợp đồng, dây chuyền thiết bị đã được nhập khẩu thành công.

“Với dây chuyền mới, chúng tôi đã sản xuất hơn 1.100 tấn giấy/năm. Sau một năm sản xuất, chúng tôi đã trả hết nợ và đi lên theo từng năm”, ông Hiền nhớ lại.

Năm 2000, Hapaco, dưới sự quản lý của ông Hiền là công ty đầu tiên ở miền Bắc đã đăng ký niêm yết thành công cổ phiếu tại Sở GDCK TP. HCM. Tính đến cuối năm 2013, Công ty đã trở thành một tập đoàn, có 5 công ty con và 3 công ty liên kết, với tổng vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng.

Đổi thay để thích ứng

Ông Hiền thừa nhận, Hapaco là doanh nghiệp sản xuất nên cũng chịu nhiều tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua. Dù doanh thu xuất khẩu vàng mã sang Đài Loan vẫn duy trì ổn định ở mức hơn 15 triệu USD/năm, nhưng chi phí tăng cao, khiến lợi nhuận từ mảng này sút giảm.

Một lần nữa, trước sóng gió của thị trường, vị thuyền trưởng của Hapaco lại quyết định chuyển hướng hoạt động: trọng tâm kinh doanh được đặt vào mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính. Kế hoạch của Công ty đến năm 2016, doanh thu từ sản xuất giấy sẽ chỉ còn chiếm tỷ trọng 40% trong tổng doanh thu 1.000 tỷ đồng.

Hiện thực hóa chiến lược này, Hapaco đã đầu tư xây dựng Bệnh viện Quốc tế Green với quy mô 200 giường bệnh tại TP. Hải Phòng. Bệnh viện có tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng, dự kiến sẽ được khai trương trong tháng 9 này. Ông Hiền tin tưởng, khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Quốc tế Green sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân không chỉ tại Hải Phòng mà còn ở các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh. Thêm vào đó, Hải Phòng và các tỉnh lân cận có nhiều khu công nghiệp nơi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang làm việc, họ có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, trong khi các bệnh viện tuyến tại Hà Nội đang quá tải.

Đối với mảng dịch vụ tài chính, hai công ty con của Hapaco mà ông Hiền có sở hữu vốn và trực tiếp tham gia điều hành là CTCK Hải Phòng và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hapaco đã tận dụng nguồn vay lãi suất thấp (2,5%/năm so với 8%/năm của ngân hàng trong nước) từ ngân hàng Đài Loan mà Hapaco có mối quan hệ giao dịch ngoại tệ nhiều năm. Hapaco đã huy động được một khoản vay ổn định 12 triệu USD mỗi năm để bổ sung nguồn vốn hoạt động trong nước, giảm đáng kể chi phí tài chính của Công ty, đồng thời giúp các công ty thành viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm chèo lái “con thuyền” Hapaco vượt qua nhiều sóng gió, ông Hiền tâm sự, yếu tố may mắn đóng góp 30% vào những thành công của ông, nhưng có tới 70% từ việc dám nghĩ dám làm, chấp nhận đổi thay để thích ứng với bối cảnh mới.

Đau đáu ước mong lập một viện dưỡng lão

Khi được hỏi về những giải pháp cho thách thức mà Hapaco sẽ phải vượt qua khi dịch chuyển sang ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe vốn là một ngành dịch vụ rất mới với Hapaco và rất phức tạp, ông Hiền rất tự tin về sự chuẩn bị kỹ càng của ông và Ban lãnh đạo Công ty.

Ông cho biết, Hapaco đã ký các thỏa thuận hợp tác chuyên môn với các bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương v.v. và thuê đội ngũ chuyên gia về quản lý bệnh viện của Hàn Quốc sang điều hành hoạt động của Bệnh viện trong 5 năm; đồng thời giúp Hapaco đào tạo đội ngũ nhân viên.

Không chỉ đầu tư xây dựng bệnh viện, ông Hiền vẫn đau đáu mơ ước sẽ xây dựng được một viện dưỡng lão tại Hải Phòng, bởi như ông chia sẻ, “xã hội ngày càng hiện đại, các gia đình có điều kiện hơn trong khi nhiều người lớn tuổi với tư duy đổi mới cũng có nhu cầu tìm kiếm môi trường tốt để chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cộng đồng, gặp gỡ và giao lưu với những người đồng thế hệ của mình. Tôi muốn xây dựng được môi trường lý tưởng đó”.

{fcomment}