Bitcoin 'gục ngã', chạm đáy thấp nhất trong năm sau cuộc khủng hoảng sàn giao dịch FTX

Tính đến thời điểm sáng ngày 9/11, thị trường tiền điện tử có 14/100 mã tăng điểm. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa - Bitcoin giảm 10,21%, còn 18.530 USD/BTC.

Sau khi đạt đỉnh 21.500 USD vào ngày 4/11, giá Bitcoin đã giảm mạnh hơn 14% xuống 17.166 USD trong phiên ngày hôm nay và là mức giá thấp nhất từng được chứng kiến trong năm nay. Ở thời điểm hiện tại giá của Bitcoin đã hồi phục trở lại lên trên 18.500 USD.

Việc giá Bitcoin cũng như thị trường tiền điện tử đột ngột suy giảm mạnh đã khiến mối tương quan trong ngắn hạn giữa đồng tiền điện tử vua và thị trường chứng khoán Mỹ bị phá vỡ hoàn toàn. Trong đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1,02%; chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên tương ứng 0,56% và 0,49%. Đây là phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp của chứng khoán Mỹ nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư vào kết quả cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ bắt đầu được công bố vào tối thứ Ba (8/11).

Hiện tại, người đứng đầu ở cả Hạ Viện và thượng viện đều là đảng Dân Chủ. Đảng này đang chiếm ưu thế trong bộ máy chính trị của Mỹ. Nhà đầu tư mong muốn trong bộ máy này sẽ có sức mạnh của cả hai đảng để đảm bảo bất cứ luật hay quy định nào được triển khai sẽ có sự kiềm chế và đóng góp của cả hai đảng. Nó sẽ giúp các đạo luật được đề xuất sẽ có thời gian phân tích, đàm phán tốt hơn trước khi được ban hành. Một số dự đoán cho rằng khả năng cao Hạ Viện sẽ thuộc về đảng Cộng Hòa.

Theo lịch sử, sau mỗi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thị trường chứng khoán Mỹ thường có sự tăng trưởng. Bloomberg đã thống kê có tất cả 13 cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ kể từ năm 1950 đến nay, chứng khoán cũng tăng trưởng tốt hơn 12 tháng sau giữa kỳ với mức tăng trung bình của S&P 500 là 16,3%.

Lịch sử cho thấy thị trường thường tăng vào cuối năm và trong vòng 12 tháng sau cuộc bầu cử giữa kỳ do nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét hơn về chính sách vĩ mô trong tương lai. Đây cũng là một thông tin có lợi đối với thị trường tiền điện tử.

Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường tiền điện tử trong những phiên giao dịch gần đây không nằm ở những thông tin vĩ mô, mà có liên quan đến hai ông lớn sàn giao dịch đó là FTX và Binance.

Mọi chuyện bắt đầu từ bản báo cáo được đăng tải bởi Coindesk vào ngày 2/11 tiết lộ thông tin FTX và quỹ Alameda Research đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Tỷ phú trong thị trường tiền điện tử, Sam Bankman-Fried là chủ sở hữu hai công ty FTX và Alameda Research. Mặc dù đây là hai doanh nghiệp riêng biệt, nhưng nó đã bị phá vỡ khi trên bảng cân đối kế toán của Alameda Research lại sở hữu tài sản là token FTT.

Phần lớn tài sản của Alameda Research hiện nay là token FTT và SOL. Đồng thời, tỷ lệ nắm giữ cũng đang chiếm một phần rất lớn giá trị vốn hóa của chính token này. Nhiều người lo ngại rằng, nếu token FTT mất giá thì tài sản của Alameda Research cũng bốc hơi theo dẫn đến công ty bị mất thanh khoản. Sự lo lắng này hoàn toàn hợp lý sau khi hàng loạt công ty trong lĩnh vực tiền điện tử phá sản như Voyager hay Luna,....

Tiếp đó đến ngày 6/11, giới đầu tư tiền điện tử dấy lên thông tin về việc 23 triệu đồng FTT của sàn giao dịch FTX (tương đương 580 triệu USD) được đẩy bán trên sàn Binance. Không chỉ thế, nhà sáng lập sàn Binane Changpeng Zhao đã viết lên Twitter rằng, theo những thông tin được tìm thấy gần đây về FTX, ông sẽ bán hết toàn bộ token FTT mà Binance đang nắm giữ. Đồng thời, Binance cũng sẽ tìm cách bán để không ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường của FTT. Changpeng Zhao nói rằng, hành động của ông muốn minh bạch với người dùng về các hành động của Binance chứ không phải để cạnh tranh với FTX.

Nỗi sợ sau đó lan rộng khắp thị trường. Trên các hội nhóm tiền số, nhiều ý kiến đánh giá việc thanh lý 23 triệu FTT có thể kích hoạt hiệu ứng dây chuyền, nguy cơ dẫn đến "vòng xoáy tử thần" như thảm họa Luna hồi tháng 5. Một số tin đồn còn cho rằng Sam Bankman-Fried (SBF), CEO sàn FTX, đang thực hiện một âm mưu gian lận liên quan đến FTT, khiến nhiều người lo lắng về một cuộc đổ vỡ giống như Three Arrows Capital và Celsius đã từng xảy ra trong năm nay.

Trước những tranh cãi qua lại giữa hai ông lớn sàn giao dịch, đồng FTT cũng như sàn FTX là những nạn nhân chịu thiệt hại rõ ràng nhất. Ở thời điểm hiện tại, giá của FTT đã bay khoảng 60% giá trị để giao dịch quanh mốc 2,5 USD. Còn trên sàn FTX trong những ngày qua, số lượng rất lớn BTC, ETH và các đồng ổn định đã rời khỏi sàn FTX do các nhà đầu tư lo ngại. Nhiều lệnh rút mất nhiều thời gian hơn nhưng Sam Bankman-Fried (CEO của sàn FTX) khẳng định họ không mất thanh khoản mà chỉ bởi quá nhiều người rút nên họ cần nhiều thời gian hơn để xử lý.

Theo thông tin mới nhất, sàn FTX đã ghi nhận số tiền hơn 6 tỷ USD bị rút ra ngoài trong vòng 72 giờ gần nhất và hoạt động rút tiền sẽ tiếp tục bị đình chỉ.

Tài sản của Sam Bankman-Fried đã giảm từ 14,6 tỷ USD xuống còn 991 triệu USD chỉ trong vòng 1 ngày, số liệu từ Bloomberg Billionaires Index.

Sau những lời tranh cãi, cả Sam Bankman-Fried và Changpeng Zhao đã đạt được một số thỏa thuận về việc Binance sẽ mua lại FTX. Tuy nhiên, tùy theo đánh giá tình hình, Binance có toàn quyền rút khỏi thỏa thuận mua bán trên bất cứ lúc nào. Changpeng Zhao cũng đã lên tiếng yêu cầu các sàn phải công khai minh bạch lượng tài sản dự trữ để tránh tình trạng như FTX diễn ra lần nữa.

Trên thị trường phái sinh, trong vòng 24h qua đã có hơn 900 triệu USD bị thanh lý, với phần lớn trong số đó là các lệnh Long.

Thị trường chìm trong biển lửa tại phiên giao dịch ngày 9/11. Nguồn: Coin360.

Cùng với Bitcoin, cả 10/10 đồng tiền điện tử đứng đầu đều giảm giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum giảm 14,95% còn 1.334 USD; Binance Coin giảm 2,48% còn 330,16 USD; XRP giảm 13,32% còn 0,40 USD; DOGE giảm 20,85% còn 0,088 USD; Cardano giảm 8,13% còn 0,37 USD; Polygon giảm 14,72% đạt 1,04 USD; Solana giảm 20,51% còn 23,44 USD; Polkadot giảm 11,69% còn 6,31 USD; SHIB giảm 3,01% còn 0,000012 USD.

Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 937 tỷ USD.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn