Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Thanh
Mùa tuyển sinh năm nay, lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua học bạ tại nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tăng so với năm học trước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này, nhà trường đã nhận được học bạ của hơn 43.000 thí sinh, nhiều hơn 13.000 hồ sơ so với năm 2020. Các ngành được thí sinh quan tâm là: Công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, logistics, thương mại điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thông tin, phần lớn thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào trường theo hình thức trực tuyến với hơn 10.000 hồ sơ. Số hồ sơ nhận tại trường (chủ yếu qua đường bưu điện) là khoảng 3.000. Tổng nguyện vọng đăng ký trực tuyến khoảng 35.000. Năm nay, dự kiến trường dành 30% chỉ tiêu xét học bạ, tương ứng 2.500 chỉ tiêu, tăng 500 chỉ tiêu so với năm 2020.
Còn theo Giám đốc tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thái Sơn, trong đợt 1 xét tuyển, trường nhận được hồ sơ của 7.031 thí sinh, tăng 1.000 hồ sơ so với năm 2020. Điều kiện để nộp hồ sơ vào trường là điểm trung bình cộng tổ hợp các môn học lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên.
Một điểm đáng chú ý là, các trường đại học ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ rất cao. Cụ thể, Đại học Nguyễn Tất Thành trên 20.000 thí sinh, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh hơn 10.000 thí sinh, Trường Đại học Văn Lang 7.000 thí sinh…
Em Trần Thị Thu Thủy, học sinh lớp 12A5, Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, quận Tân Phú đã quyết định đăng ký xét tuyển bằng phương thức học bạ. “Em đã tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan đến môi trường học tập, chương trình đào tạo, học phí khi xét tuyển theo phương thức này và đặc biệt ngành Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh là một trong những ngành học em yêu thích nhất. Em chọn hình thức xét tuyển vào đại học bằng học bạ vì trong 3 năm học phổ thông đều là học sinh giỏi”, em Thủy chia sẻ.
Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Tôi không bất ngờ. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa thể diễn ra, còn kỳ thi xét năng lực đợt 2 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chưa rõ ngày tổ chức, nên số học sinh đăng ký xét tuyển hồ sơ tăng cao là đương nhiên”.
Chung quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Tính đến thời điểm hiện tại, phương thức xét tuyển thuận lợi nhất cho thí sinh là xét tuyển bằng học bạ trung học phổ thông. Phương thức này được triển khai khá sớm, khi một số trường bắt đầu nhận hồ sơ từ tháng 3-2021. Bên cạnh đó, một số trường xét theo nhiều đợt, điều kiện xét tuyển đa dạng, cơ hội trúng tuyển của thí sinh vì thế sẽ cao hơn”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường vẫn bảo đảm thực hiện đúng theo đề án tuyển sinh đã đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, ở một số ngành học hệ đại trà và chất lượng cao, nhà trường bổ sung phương án tăng chỉ tiêu xét học bạ từ 40% lên 60% để dự phòng trong điều kiện dịch bệnh khó triển khai các hình thức tuyển sinh khác.
"Chúng tôi đã quyết định kéo dài thời gian đăng ký xét tuyển học bạ, bao gồm cả hình thức trực tuyến, đến hết ngày 15-6-2021 để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh", ông Nguyễn Trường Thịnh thông tin thêm.