Cách mạng tháng Mười Nga - vầng dương sáng mãi

Cuộc cách mạng XHCN đầu tiên trên thế giới

Đầu năm 1917, nước Nga lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Quần chúng nhân dân tin rằng lúc này chỉ có một lối thoát là lật đổ chế độ Nga hoàng phản động. Tình thế cách mạng đã chín muồi, ngày 26/2/1917 (theo lịch cũ nước Nga là ngày 11/3/1917), dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích, công nhân tiến hành khởi nghĩa vũ trang.

Ảnh tư liệu

Cuộc khởi nghĩa do Xô viết đại biểu công nhân và binh lính Petrograd (nay là thành phố Saint Petersburg) lãnh đạo giành thắng lợi, chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng hoàn toàn sụp đổ.

Sau cách mạng dân chủ tư sản tháng 2/1917, ở Nga tồn tại tình trạng hai chính quyền song song, một bên là Chính phủ lâm thời tư sản và một bên là Xô viết các đại biểu công nhân và binh sĩ, đứng đầu là Xô viết Petrograd. Trước tình hình đó, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã xác định cách mạng Nga phải chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN.

Tối ngày 3/4/1917, theo lịch cũ nước Nga là 16/4/1917), Lenin về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nga. Đêm 24/10/1917 (theo lịch cũ nước Nga là 6/11/1917), khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Thủ đô Petrograd. Ngày 25/10/1917 (theo lịch cũ nước Nga là 7/11/1917), các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở Petrograd, trừ Cung điện Mùa Đông và một vài nơi. Tới 2h10’, rạng sáng 26/10/1917, Cung điện Mùa Đông được giải phóng, các bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang tại Petrograd kết thúc thắng lợi.

Ngày 25/10/1917 (theo lịch cũ nước Nga là 7/11/1917) đã được ghi vào lịch sử là ngày thắng lợi của Cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại. Lần đầu tiên trên thế giới, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, liên minh công nhân, nông dân và binh lính Nga đã đồng loạt đứng lên, lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra Nhà nước Xô viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Thắng lợi của cách mạng cũng mở ra con đường cách mạng vô sản cho giai cấp công nhân ở các nước tư bản, nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Ánh sáng soi đường cách mạng Việt Nam

Từ sau Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở mỗi nước, trong đó có Việt Nam, trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Người cũng đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam từ chính bản Luận cương của V.I Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn - cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”. Người cũng đã chuẩn bị các điều kiện để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam dựa trên các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của V.I Lê-nin. Ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam.

Dưới ánh sáng soi đường của học thuyết Mác – Lê-nin, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ phong kiến và đập tan ách thống trị của bọn thực dân, làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại. Đảng cũng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân kiên cường chiến đấu, làm nên khúc tráng ca đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Sau sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi thành quả Cách mạng tháng Mười Nga. Những âm mưu, thủ đoạn chống phá CNXH của các thế lực thù địch trong nhiều thập kỷ qua càng làm nổi bật tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười Nga vĩ đại.

Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH.

Ngày nay, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và chứa đựng những yếu tố khó lường, song học thuyết Mác - Lê-nin và dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vẫn luôn tỏa sáng, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc CNH - HĐH và hội nhập quốc tế, vững bước đi lên xây dựng CNXH - con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.


Nguồn: Báo Hà Tĩnh