CEO Charles & Keith: “Nghĩ lớn và đừng sợ thất bại”

"Nghĩ lớn và đừng sợ thất bại. Ngay cả khi bạn không thành công từ lần nỗ lực đầu tiên". Đó chính là công thức giúp Charles Wong gây dựng thành công thương hiệu Charles & Keith trị giá hàng triệu đô với hơn 300 cửa hàng trên toàn thế giới.

khởi nghiệp, Charles & Keith

Charles Wong - Giám đốc điều hành của Charles & Keith, bắt đầu công việc kinh doanh vào năm 1996 với một cửa hàng nhỏ tại Trung tâm mua sắm Amara. Kể từ đó, Charles & Keith đã phát triển lớn mạnh bất chấp sự cạnh tranh của các thương hiệu lớn với hơn 300 cửa hàng trên toàn thế giới. Không chỉ vậy, thành công của Charles & Keith còn thu hút được sự quan tâm của Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH) - người khổng lồ trong ngành thời trang cao cấp của Pháp. Hiện tại, LVMH đang nắm giữ 20% cổ phần của Charles & Keith.

Dưới đây là một số bài học quan trọng về kinh doanh mà bạn có thể học hỏi từ doanh nhân trẻ Charles Wong.

1. Không gì mãnh liệt bằng bản năng kinh doanh tự nhiên

Trong suy nghĩ của người Singapore nói chung, thành công thường gắn liền với một nền tảng giáo dục tuyệt vời, nhưng Charles Wong lại có một khởi điểm khó khăn. Không giống như em trai Keith - người duy nhất trong gia đình học lên đại học, Charles còn chưa lấy được chứng chỉ “O” (kết quả của kỳ thi “O” level là căn cứ để xét tuyển vào các chương trình giáo dục cao hơn sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở). Mặc dù vậy, Charles đã bắt đầu gây dựng Charles & Keith ở tuổi 22. Keith tham gia vào công việc kinh doanh cùng anh trai mình hai năm sau đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc gia.

Dù không được học hành bài bản nhưng Charles và Keith đã phát triển công việc kinh doanh từ một cửa hàng nhỏ thành doanh nghiệp trị giá hàng triệu đô - và họ còn có kế hoạch mở rộng hơn nữa. Thành công của Charles chính là minh chứng tuyệt vời cho thấy tinh thần doanh nhân và bản năng kinh doanh nhạy bén sẽ giúp bạn tiến xa trong cuộc sống, miễn là bạn không ngừng cố gắng.

"Nghĩ lớn và đừng sợ thất bại", Charles chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. "Ngay cả khi bạn không thành công từ lần nỗ lực đầu tiên".

2. Kinh nghiệm kinh doanh của cha mẹ thực sự đáng để học hỏi

khởi nghiệp, Charles & Wong

Trước khi gây dựng thương hiệu Charles & Keith, Charles và Keith Wong đã giúp mẹ kinh doanh cửa hàng giày ở Ang Mo Kio. Những năm tháng ấy đã giúp Charles tự đúc rút ra kinh nghiệm để điều hành một doanh nghiệp giày thành công và truyền cảm hứng để ông mở doanh nghiệp của riêng mình.

Trong khi mẹ ông muốn đóng cửa hàng giày đang kinh doanh ế ẩm, thì Charles lại quyết tâm vực dậy. Sau khi tiếp quản cửa hàng giày, ông cố gắng xoay chuyển tình thế, vực dậy việc kinh doanh. Chính trải nghiệm này đã giúp ông học hỏi những kỹ năng cần thiết để mở cửa hàng giày của riêng mình.

3. Tìm ra và phát huy tốt nhất lợi thế của mình

Điều hành một doanh nghiệp kinh doanh giày cũng giống như một giọt nước giữa đại dương bao la - không có nhiều cách để trở nên nổi bật. Đứng ngồi không yên trước sự mờ nhạt của doanh nghiệp mình, Charles nhận ra rằng mình phải tìm cách để trở nên khác biệt so với đông đảo các đối thủ cạnh tranh.

Sau khi nói chuyện với khách hàng, ông phát hiện ra rằng bán giày mua lại từ các nhà cung cấp bán buôn không thể đáp ứng đủ các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Muốn doanh nghiệp tồn tại, mọi thứ cần phải thay đổi.

"Rất nhiều lần khách hàng gửi cho tôi thông tin phản hồi về thiết kế họ muốn và tôi gửi lại các ý kiến này tới các nhà cung cấp. Nhưng họ không thể cung cấp những mẫu thiết kế mà khách hàng mong muốn. Ngoài ra, mức giá mà họ đưa ra không đủ sức cạnh tranh", ông chia sẻ trên tạp chí Forbes

Điều này khiến anh em Charles càng thêm quyết tâm thiết kế thương hiệu giày của riêng mình vào cuối năm 1997. Trong vòng ba năm, tất cả các mẫu giày Charles & Keith đều do hãng tự thiết kế hoàn toàn, đó là lợi điểm bán hàng lớn khiến Charles & Keith khác biệt hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. Đến nay, đội ngũ thiết kế gồm 70 người của Charles & Keith có khả năng tạo ra hơn một ngàn mẫu giày và phụ kiện mới mỗi năm cho thương hiệu Charles & Keith, đồng thời tạo một mẫu giày hoặc phụ kiện mỗi ngày cho thương hiệu Pedro. (Nguồn: Forbes)

4. Vấn đề của người khác có thể là cơ hội của bạn

khởi nghiệp, Charles & Keith

Trong khi nền kinh tế Singapore phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, Charles lại coi đó là cơ hội để thúc đẩy công việc kinh doanh kinh doanh của mình theo một hướng đi mới.

"Chúng tôi nhìn thấy cơ hội làm việc trực tiếp với một số nhà máy để giành thêm quyền kiểm soát đối với quá trình thiết kế cũng như sản xuất. Chúng tôi tạo ra các mẫu thiết kế dựa trên phản hồi của khách hàng và chúng tôi nhận ra rằng nếu hiểu rõ những gì khách hàng mong muốn, mỗi mùa chúng tôi đều có thể tạo ra những sản phẩm thú vị" - (Nguồn: LuxuryInsider)

Không nản lòng trước tình trạng kinh tế ảm đạm, Charles & Keith đã nắm lấy cơ hội để phát triển kinh doanh. Với định hướng mới, họ thu hút được sự chú ý của các khách hàng nữ, với kiểu dáng mới mẻ, dẫn đầu xu hướng thời trang và giá cả phải chăng.

"[Phụ nữ] mua giày mỗi tháng - dù kinh tế có suy thoái hay không" Song Seng Wun, nhà kinh tế học và là người đứng đầu nghiên cứu tại CIMB-GK Securities, chia sẻ với tạp chí Forbes. "Vẫn còn một vài % tỷ lệ sức mua và [công ty] sẽ tiếp tục thu hút các khách hàng nữ".

5. Hãy là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chính mình

Nhiều người không biết rằng Charles và Keith cũng sở hữu cả hệ thống cửa hàng giày Pedro. Mặc dù ban đầu các cửa hàng này hướng đến các khách hàng nam như một sự thay thế cho thương hiệu Charles & Keith vốn chuyên dành cho nữ, nhưng sau đó Pedro đã dần mở rộng và chuyển hướng sang bán cả các thiết kế dành cho nữ. Điều này đặt Pedro vào thế cạnh tranh trực tiếp với Charles & Keith, với hệ thống cửa hàng được đặt gần nhau.

Mặc dù mỗi thương hiệu có sự khác biệt riêng ("[Pedro] hướng đến phục vụ đối tượng khách hàng sang trọng hơn"), nhưng cả hai thương hiệu đều thành công trong việc tạo sức hút tại thị trường địa phương. Đó là cách tốt nhất để liên tục thử thách bản thân, trong khi vẫn phát triển được công việc kinh doanh chung

Với Charles & Keith, nhu cầu của khách hàng càng đa dạng thì công việc kinh doanh của họ lại càng rộng mở.

6. Nếu không tiến lên phía trước, bạn sẽ tụt hậu

khởi nghiệp, Charles & Keith

Là một doanh nhân trong lĩnh vực thời trang, Charles biết rõ mọi thứ trong ngành thay đổi nhanh chóng như thế nào. Đó là lý do tại sao đội ngũ đứng phía sau thương hiệu phải vận động không ngừng. Charles thường phải bay qua bay lại giữa Singapore và Thượng Hải - nơi đặt trụ sở của Charles & Keith để quản lý công việc kinh doanh. Các nhà thiết kế của hãng tại Trung Quốc cũng phải thường xuyên phải đến châu Âu và Mỹ để tham dự các show trình diễn thời trang và tiến hành nghiên cứu thị trường, chi phí đào tạo các nhà thiết kế chiếm tới 3% lợi nhuận của công ty.

"Ngành công nghiệp thời trang có nhịp độ phát triển nhanh và đầy thách thức; do đó khả năng thích ứng đóng một vai trò quan trọng. Để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định đúng đắn là vô cùng cần thiết, nó cũng giúp chúng ta không ngừng cải thiện và nâng cấp bản thân để đạt những bước tiến xuất sắc trên hành trình tiến về phía trước" - Nguồn: HeadHunt.com.sg

Nguồn Học làm giàu