Giáo dục là một trong những lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ nhất do đại dịch, hơn 1,5 tỷ người trên toàn cầu đã bị gián đoạn học tập.
Những nỗ lực giáo dục từ xa không chỉ đối diện với câu hỏi về chất lượng, mà còn làm sâu sắc hơn sự cách biệt và bất bình đẳng giữa các nhóm học sinh.
Ý kiến của các chuyên gia về tương lai của giáo dục với tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) đặt ra nhiều câu hỏi đối với những người hoạch định chính sách.
Thách thức từ giáo dục trực tuyến
Khắp nơi trên thế giới tồn tại những bức tranh khác nhau của các trường học trong đại dịch, một số quốc gia ngập ngừng đóng rồi mở các trường học.
Đan Mạch đi đầu trong các nước phương Tây khi mở cửa các trường học từ tháng 5 với các “lớp học bong bóng” ở quy mô nhỏ và giờ học linh hoạt, một số khác nới lỏng các quy tắc giãn cách để hoạt động, và ở nhiều quốc gia, trường học mở ra chỉ để lại đóng cửa khi dịch bệnh lan rộng.
Các trường đại học đang gặp những khó khăn lớn hơn khi gần như phải đóng cửa hoàn toàn. Chuyện còn có thể nghiêm trọng hơn nếu các vị phụ huynh nhận thấy việc học trực tuyến không đáng để trả mức học phí đắt đỏ, hoặc nếu một số lớn sinh viên Trung Quốc không quay lại.
Vào đỉnh điểm của đại dịch, 1,5 tỷ người trên toàn cầu bị đẩy khỏi trường học, những nỗ lực giảng dạy từ xa không đủ để giúp họ tránh khỏi những tổn thất đáng kể trong học tập, và rồi những thiệt hại như vậy sẽ cùng họ đi vào thị trường lao động, khi đó cả chính họ lẫn xã hội sẽ trải nghiệm những hậu quả bất lợi về kinh tế.
Andreas Schleicher, Giám đốc giáo dục và kỹ năng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) bày tỏ e ngại khi đại dịch đã khuếch đại nhiều bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục, bao gồm khả năng truy cập vào máy tính và Internet băng thông rộng cần cho giáo dục trực tuyến, sự chưa sẵn sàng và thiếu hỗ trợ của môi trường gia đình cho việc học, cũng như khó khăn trong việc có các giáo viên đáp ứng yêu cầu của dạy học trực tuyến.
Trong khi nhiều đứa trẻ có thể nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ gia đình và tìm kiếm những cơ hội học tập như gia sư riêng hay nhóm học tập, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khác sẽ không thể có được khả năng đó khi trường học đóng cửa, và khả năng thu hẹp khoảng cách càng trở nên xa vời.
Các nhà kinh tế học Eric Hanushek và Ludger Woessmann đã xem xét tác động của việc đóng cửa trường học từ học sinh lớp 1 đến 12, và ước tính tổn thất học tập năm nay có thể tương đương với bỏ lỡ trung bình 1/3 năm học, và dự báo chi phí kinh tế dài hạn 14,2 nghìn tỷ USD ở Hoa Kỳ, 15,5 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc. Và đó là trong trường hợp các trường học được mở cửa vào cuối mùa thu năm ngoái, còn trên thực tế, trường học vẫn đang đóng cửa trên diện rộng ở khắp nơi.
Mở cửa lại trường học
Ở các nước phương Tây, cho dù điều kiện tốt hơn, thách thức từ giáo dục trực tuyến cũng không hề nhỏ. Nghiên cứu của GS Ludger Woessman ở ĐH Munich cho thấy, thời gian học sinh dành cho việc học ở trường và làm bài tập ở nhà đã giảm từ trung bình 7,4 giờ/ngày xuống còn 3,6 giờ, trong khi thời gian xem tivi, chơi game hoặc sử dụng điện thoại di động tăng lên đến 5,2 giờ, và có 1/3 số học sinh chỉ dành mỗi ngày ít hơn 2 giờ cho việc học.
Trái ngược với niềm tin rằng các bậc cha mẹ có giáo dục tốt hơn có thể hỗ trợ con học ở nhà, sự sụt giảm thời gian học tập đối với con cái họ cũng giống như ở những bậc cha mẹ ít học. Những học sinh vốn đã có thành tích yếu ở trường - bất kể nền tảng kinh tế xã hội - thậm chí còn chuyển nhiều thời gian hơn từ học sang chơi game so với những bạn học tốt hơn.
Ludger cho rằng “chúng ta phải làm mọi cách để trở lại trường học trực tiếp càng nhanh càng tốt, với các biện pháp phòng ngừa cần thiết” và cảnh báo, cho đến mùa thu vừa rồi, học sinh đã bỏ lỡ 1/3 thời gian của năm học, và thu nhập tương lai của họ có thể giảm khoảng 3%, trình độ thấp hơn của nhóm bị ảnh hưởng do đại dịch này có thể đe dọa khoảng 1,5% GDP của nền kinh tế.
Jennifer Nuzzo, một nhà dịch tễ học tại Trường y tế cộng đồng của ĐH John Hopkins cho rằng các trường học có thể mở lại một cách an toàn, nhưng chỉ với các nguyên tắc nghiêm ngặt. “Có thể các trường học cần tạo ra các ‘bong bóng’, là các nhóm cố định gồm học sinh và nhân viên chỉ tương tác với nhau”.
Jennifer cũng đưa ra một số ý tưởng về việc mở cửa lại trường học. Thứ nhất, cần ưu tiên cho việc mở cửa trường học, khi các ca lây nhiễm tăng trong cộng đồng, có thể phải đóng cửa các cơ sở có nguy cơ cao khác, chẳng hạn như nhà hàng và quán bar, để giảm số ca bệnh xuống đủ cho các trường học có thể duy trì việc mở cửa.
Thứ hai, phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách, cải thiện hệ thống thông gió, ở ngoài trời nhiều nhất có thể… Thứ ba, các trường học phải lập kế hoạch sẵn sàng ứng phó, xác định các ngưỡng đóng cửa và yếu tố kích hoạt để mở cửa trở lại, kinh nghiệm tạo ra các “bong bóng” ở các trường học Đan Mạch là một ví dụ, để nếu ai đó nhiễm bệnh, số người phơi nhiễm sẽ hạn chế và hỗ trợ các nỗ lực truy vết.
Rõ ràng, những vấn đề được nêu ra ở đây cho thấy, yêu cầu mở cửa các trường học trở lại là rất cấp thiết, đòi hỏi những sáng kiến và nỗ lực to lớn của các chính trị gia và xã hội, điều này đặc biệt quan trọng và có tác dụng lâu dài, không chỉ với “thế hệ Covid” mà với toàn bộ xã hội.
GS Michael Smith từ ĐH Carnegie Mellon cảnh báo các trường ĐH sẽ cần phải nhanh chóng thay đổi và thích ứng với tình cảnh mới, “trường ĐH sẽ tồn tại, nhưng không phải với sức mạnh như thời trước đại dịch. Công nghệ sẽ phá vỡ các trường đại học tự mãn”.
Trong nhiều năm nay, việc kiểm soát khả năng tiếp cận những chỗ ngồi khan hiếm trong các lớp học, tiếp cận một cách hạn chế với các giảng viên vốn khan hiếm… đã mang lại quyền lực to lớn cho các trường ĐH.
Đại dịch đã thay đổi khi các công cụ trực tuyến phát triển, sinh viên được tiếp cận và thể hiện kỹ năng của mình nhiều hơn mà bằng tốt nghiệp hay bảng điểm không thể so sánh được. Các trường vốn lâu nay đặt mình ra ngoài sự đe dọa mà các ngành bán lẻ, du lịch, truyền thông, giải trí từng phải trải qua: Tự tin định giá mình quá cao, để rồi lại bị các đối thủ kỹ thuật số tiêu diệt. Các nhà giáo dục cần nắm lấy những thay đổi này thay vì hoảng sợ, họ cần tạo cơ hội cho càng nhiều học sinh càng tốt khám phá và phát triển năng khiếu bản thân.
Mona Mourshed, CEO của Generation có một cái nhìn khác về tương lai của giáo dục đại học, trong bối cảnh có khoảng hơn 400 triệu người trên thế giới đã bị mất việc làm, cộng thêm 200 triệu người đang thất nghiệp, và triển vọng việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp sẽ xấu đi.
Điều này buộc các trường ĐH và cơ sở đào tạo nghề phải thay đổi, nhiều người cần việc làm, và họ sẽ không đầu tư vào giáo dục nếu không có cam kết tạo ra việc làm. Mona Mourshed cho rằng, các trường cần tạo ra chương trình có trách nhiệm mang lại việc làm. “Thiết kế chương trình cần theo mô-đun và cho từng ngành nghề, cũng như hiểu biết rõ ràng về vị trí của các công việc trong một nền kinh tế dịch chuyển nhanh chóng. Thời lượng chương trình có lẽ sẽ phải tính bằng tuần chứ không phải năm”.