Cuộc đua nước rút giữa thí sinh điểm cao

Dự báo từ hôm nay, thí sinh phía Bắc đổ bộ vào Nam khiến cuộc đua xét tuyển thêm khốc liệt.

Cuối tuần qua, hàng loạt trường ĐH khu vực TP.HCM như ĐH Công nghiệp thực phẩm, ĐH Công nghiệp, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Ngoại thương Cơ sở II, ĐH Giao thông Vận tải… đã công bố điểm chuẩn dự kiến. Động thái này được các trường giải thích nhằm chốt sơ bộ số thí sinh (TS) mấp mé ngưỡng điểm chuẩn trở lên để TS yên tâm, không thấp thỏm rút hồ sơ giờ cuối gây xáo trộn thêm tình hình xét tuyển của các trường.

Tuy nhiên, các trường cũng cho biết không hẳn số TS đã chốt nghĩa là trúng tuyển, vì còn phụ thuộc rất lớn vào số TS có điểm cao có thể sẽ nộp vào giai đoạn cuối.

Thí sinh điểm cao xuất hiện giờ chót

Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết tính đến ngày 16-8, trường đã nhận được khoảng 5.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) so với 4.000 chỉ tiêu. Ông Thông cho biết đến nay có khoảng 1.000 hồ sơ TS rút ra do điểm thấp hơn điểm chuẩn dự kiến. Như vậy, so với tổng chỉ tiêu những ngày tới có khoảng 1.000 hồ sơ nữa sẽ rút ra.

Ngày 18-8, trường này sẽ tiếp tục lọc số TS ảo và công bố điểm chuẩn dự kiến để những TS không nằm trong danh sách kịp rút hồ sơ qua trường khác. Ông Thông cũng cho biết qua khảo sát sơ bộ vẫn còn một lượng TS có điểm khá cao chưa nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Số TS này nếu nộp hồ sơ vào giờ chót ngày 19 hoặc 20-8 sẽ đẩy số TS có điểm ngang hoặc thậm chí cao hơn điểm chuẩn dự kiến mất cơ hội vào trường.

“Để đưa ra gợi ý lúc này cho TS phải làm gì vào giờ chót cũng hơi khó. Tuy nhiên, các TS điểm cao nên nộp hồ sơ sớm hơn để những TS điểm thấp hơn không bị chới với vào giờ chót” - ông Thông phân tích.

Cuộc đua nước rút giữa thí sinh điểm cao - 1

Tuần này, dự báo số thí sinh đăng ký sẽ tăng cao. Ảnh: P.ĐIỀN

PGS-Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nếu không lọc bớt số TS ảo có điểm cao sẽ rất khó chốt danh sách TS ĐKXT vào giờ chót. “Chẳng khác nào một khách đặt cùng lúc bốn phòng (TS được đăng ký bốn nguyện vọng tại một trường) nhưng thực chất chỉ ở một phòng, khách đến sau bị dội ra vì không còn phòng trống” - ông Hải ví von.

Theo ông Hải, trong “cuộc đua” này sẽ có một bộ phận TS rải đều ở từng ngành mấp mé điểm chuẩn bị lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vào giờ chót, vì khi những TS điểm cao nhồi vào khiến số TS này văng ra nhưng không biết chạy qua trường nào vì thời hạn đã hết.

Ông Hải cho biết hôm nay (17-8), trường công bố danh sách các TS có điểm cao từ trên xuống đến ngưỡng điểm chuẩn, đồng thời lọc bớt những nguyện vọng khác mà các TS này đã đăng ký để đôn các TS có điểm kế cận lên. Trường cũng thông báo những ngành nào còn thiếu chỉ tiêu để TS tiếp tục nộp hồ sơ vào.

Phía Bắc: Điểm chuẩn dự kiến cao ngất

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết đến 12 giờ ngày 16-8, trường đã nhận được gần 7.400 hồ sơ ĐKXT. So với ngày 15-8 có khoảng gần 200 TS rút hồ sơ, còn tính cả tuần thì số TS rút khoảng trên 1.000.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố phổ điểm của TS ở các ngành. Phổ điểm cao nhất thuộc về nhóm ngành Kỹ thuật điện-điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử truyền thông và Kỹ thuật y sinh: Từ 8,45 đến 10,43; nhóm ngành này có 1.025 hồ sơ ĐKXT trên tổng số 1.000 chỉ tiêu. Ngành Kỹ thuật cơ điện tử có phổ điểm từ 8,37 đến 9,79; ngành này có 277 TS ĐKXT trên tổng số 250 chỉ tiêu.

Ông Lê Đình Nghị, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết số lượng hồ sơ nộp vào trường hơn 3.600. Trường đã đưa ra điểm chuẩn dự kiến tính đến hết ngày 14-8 như sau: ngành luật: khối A là 22,25; khối C là 25,75 và khối D1 là 15 điểm. Ngành Luật kinh tế: khối A là 24,5; khối C là 27,25 và khối D1 là 22,75. Ngành Luật thương mại quốc tế (tiếng Anh nhân hệ số 2): khối D1 là 24,5 điểm.

PGS Lê Hữu Lập, người phát ngôn của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho biết đến nay nhà trường nhận được khoảng 3.500 hồ sơ trong khi tổng chỉ tiêu là 2.550 chỉ tiêu. “Hiện rất khó để dự kiến điểm chuẩn của từng ngành. Bởi những ngày cuối TS nộp hồ sơ ào ào và cũng không loại trừ khả năng rút nhiều. Nhưng tôi nghĩ ngành Công nghệ thông tin điểm chuẩn phải trên 22. Nếu những thí sinh dưới ngưỡng điểm 22 một chút có nhiều cơ hội vào các ngành khác của trường” - ông Lập nói.

Các TS phía Bắc này sau khi rút hồ sơ phần lớn “trực chỉ” phía Nam vì tại đây vẫn còn cơ hội.

Điểm chuẩn dự kiến một số trường phía Nam

- ĐH Luật TP.HCM: Xét tuyển theo tổ hợp “văn, sử, địa” hiện có hơn 804 TS ĐKXT với điểm 23 trở lên; tổ hợp “toán, lý, hóa” có 518 TS có điểm 22 trở lên; tổ hợp “toán, lý, tiếng Anh” có 271 TS có điểm 22 trở lên; tổ hợp “văn, toán, ngoại ngữ” có 380 TS có điểm 22 trở lên.

- ĐH Kinh tế TP.HCM: Đã có 5.625 TS nộp hồ sơ ĐKXT vào trường so với chỉ tiêu 4.400. Theo đó, trong số 15 ngành của trường (trừ ngành tiếng Anh thương mại) có khoảng 4.242 TS đạt 23 điểm trở lên. Nhà trường lưu ý điểm trúng tuyển vào trường là điểm chung cho các tổ hợp xét tuyển (A, A1, D1) và chung cho tất cả ngành, chuyên ngành(trừ chuyên ngành tiếng Anh thương mại). Riêng ngành tiếng Anh thương mại có 208 TS đạt từ 32 điểm trở lên (trong đó môn tiếng Anh nhân hệ số 2 và đã cộng điểm ưu tiên).

- ĐH Bách khoa TP.HCM: Tính đến ngày 16-8: Ngành trắc địa bản đồ, điện-điện tử là 24 điểm; nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin là 25 điểm; ngành kỹ thuật địa chất và dầu khí là 15 điểm...

- ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM:Công bố ngưỡng điểm an toànĐKXT vào trường đối với khốiA01, D01 là 25 điểm; khốiA00 là 26,5 điểm. Chỉ tiêu của trường là 900, nhà trườngdự kiến gọi nhập học 990 sinh viên.

Các em có thời gian nửa tháng để tìm hiểu thông tin và giờ thông tin cũng đã khá đủ. Tôi khuyên các em nhanh chóng làm thủ tục ĐKXT hoặc thay đổi nguyện vọng ĐKXT, không nên để đến những ngày cuối cùng vì không có lợi cho các em.

PGS-Tiến sĩ MAI VĂN TRINH, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Bộ GD&ĐT yêu cầu hỗ trợ thí sinh những ngày cuối

Chiều 16-8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có công điện khẩn gửi yêu cầu tạo thuận lợi tối đa cho TS có đủ thông tin để ĐKXT và thay đổi nguyện vọng. Ông Luận lưu ý trong những ngày cuối của đợt tuyển sinh ĐH-CĐ đợt 1 (từ ngày 17 đến 20-8), số lượng TS đến các trường để nộp, rút ĐKXT có thể rất đông. Vì vậy, ông Luận đề nghị các đơn vị huy động nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc… để tiếp nhận, rút hồ sơ ĐKXT của TS trong các ngày từ 17 đến 20-8.

Nguồn 24h