Cựu Chủ tịch Dược Viễn Đông Lê Văn Dũng tiếp tục hầu tòa

Sáng 13/11, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Dược Viễn Đông (DVD) Lê Văn Dũng.

Cựu Chủ tịch Dược Viễn Đông Lê Văn Dũng tiếp tục hầu tòa

Trước đó, vào năm 2012, Lê Văn Dũng (SN 1972, trú tại Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) đã bị kết án 4 năm tù giam vì tội Thao túng giá chứng khoán.

Giờ đây, cựu Chủ tịch DVD tiếp tục phải ra trước vành móng ngựa vì hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Có 6 bị cáo khác cùng bị truy tố với Dũng vì đã có hành vi đồng phạm.

Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Cao Hồng Vân đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, bào chữa cho bị cáo Hoàng Thị Nhung cho rằng, tuy bị cáo Vân có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, nhưng bị cáo này có nhiều liên quan đến bị cáo Nhung, vì Nhung chỉ làm theo chỉ đạo của Vân. Vai trò của Vân cũng liên quan rất nhiều đến hành vi của các bị cáo khác.

Do đó, luật sư đề nghị bị cáo Vân bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt thì phải áp giải, nếu bỏ trốn thì phải truy nã. Và nếu triệu tập mà không đến, không chấp hành thì yêu cầu bắt tạm giam trước khi xét xử.

Tương tự, luật sư bào chữa cho Lê Văn Dũng cho rằng, bị cáo Vân vắng mặt sẽ gây khó khăn cho xét xử, nên đề nghị hoãn phiên tòa và có biện pháp áp giải để bị cáo Vân tham gia phiên tòa. Bị cáo Lê Văn Dũng cũng yêu cầu bị cáo Vân có mặt.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo Vân đã có đơn xin xét xử vắng mặt vì tình trạng sức khỏe không đảm bảo tham gia phiên tòa, ở xa (TP. HCM) và đã trình bày với cơ quan điều tra. Hội đồng xét thấy không cần thiết hoãn phiên tòa nên tiếp tục xét xử.

Theo cáo trạng, tháng 3/2010, khi khoản vay 100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP An Bình đến hạn, để có tiền đảo nợ, Lê Văn Dũng có chủ trương cầm cố hơn 600.000 CP của mình và 540.000 CP của Đào Xuân Hưởng (SN 1976, trú tại trú tại Từ Liêm, Hà Nội), thành viên HĐQT DVD kiêm Tổng giám đốc CTCP Liên doanh LiLi of France (LOF) - Cty con của DVD) đang lưu ký tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt.

Dũng chỉ đạo cấp dưới là Cao Hồng Vân (SN 1972, trú tại quận 8, TP. HCM), Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng xây dựng hồ sơ vay vốn cho cá nhân ông Dũng và ông Hưởng.

Quá trình làm hồ sơ vay vốn, Cao Hồng Vân đã làm giả chữ ký và các tài liệu để mở tài khoản cá nhân của Đào Xuân Hưởng, tự tạo 2 Biên bản họp HĐQT, hợp đồng góp vốn.

Trên hồ sơ này, Ngân hàng An Bình đã giải ngân cho Lê Văn Dũng 34 tỷ đồng, giải ngân cho ông Đào Xuân Hưởng 27 tỷ đồng. Sau đó số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của DVD.

6 tháng sau, khi khoản vay 100 tỷ đồng ở An Bình đến hạn, Lê Văn Dũng và Cao Hồng Vân tìm cách vay vốn của khác để “đập” vào khoản vay này. Dũng đề nghị ngân hàng cho CTCP LiLi of Fance (LOF) vay vốn phục vụ sản xuất và kinh doanh.

Ngân hàng đã tổ chức một đoàn công tác gồm một số lãnh đạo và nhân viên làm việc trực tiếp tại Nhà máy LiLi Of Fance tại Bắc Ninh và sau đó cấp hạn mức tín dụng 20 tỷ đồng cho LOF.

Để được giải ngân, Cao Hồng Vân đã chỉ đạo một số nhân viên gồm Lương Thị Thùy (SN 1981, trú tại Hà Đông, Hà Nội), Kế toán trưởng Cty LOF, Hoàng Thị Nhung (SN 1982, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) kế toán DVD, Nguyễn Thị Chinh (SN 1974, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), Trưởng ban Kiểm soát DVD, Hoa Triệu Long (SN 1976, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhân viên Phòng Thiết kế DVD, làm giả 2 hợp đồng mua bán, xuất khống hóa đơn GTGT, giả chữ ký, con dấu nhằm mục đích lừa dối Ngân hàng.

Với 3 hợp đồng này, ngân hàng đã giải ngân tổng cộng 83,5 tỷ đồng. Sau đó, DVD không có khả năng thanh toán.

Với hành vi này, Lê Văn Dũng và các đồng phạm bị truy tố vì tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}