Đề nghị 6 tháng rà soát văn bản liên quan tới doanh nghiệp một lần

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI sẽ đề nghị rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng một lần, để chỉnh sửa, bổ sung ngay những quy định liên quan đến thủ tục hành chính không còn phù hợp.

Đề nghị 6 tháng rà soát văn bản liên quan tới doanh nghiệp một lần

Thưa ông, trong Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, VCCI được giao nhiệm vụ giám sát tình hình thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Sau 5 tháng Nghị quyết được ban hành, nhiều người lo ngại tiến độ chậm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Tiến độ đã được đẩy mạnh trong 2 tháng trở lại đây. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đốc thúc trong các buổi làm việc với các cơ quan thuế, hải quan, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Các bộ, ngành đã đưa ra được các phương án cụ thể, với số giờ, số thủ tục được cắt giảm đáng kể. Nghĩa là, tính khả thi của các phương án rất cao. Vấn đề hiện giờ là quyết tâm.

Đơn cử, Bộ Tài chính trình Chính phủ ngay trong tháng 8 sửa đổi 3 nghị định để tăng đối tượng được áp dụng khai thuế VAT theo quý, thay vì kê khai theo tháng; thực hiện khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm và tạm nộp theo quý, thay vì phải khai theo quý… Những giải pháp này sẽ giảm được 88,36 giờ nộp thuế/năm, giảm 12 lần nộp thuế/năm…

Việc sửa đổi các thông tư liên quan đến việc nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, quản lý thuế... để loại bỏ các chỉ tiêu không cần thiết hoặc không thuộc nhiệm vụ của doanh nghiệp... cũng giảm được 201,5 giờ/năm cho doanh nghiệp.

Cộng với tăng tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, từ khoảng 80% hiện nay lên 90%, tổng thời gian mà ngành thuế sẽ cắt giảm được qua các giải pháp được tính là khoảng 300 giờ/năm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi một số điều luật, có thể giảm được thêm 80 - 90 giờ nữa…

Ngành tài chính, với các thủ tục tưởng như “thâm căn cố đế” không thể cắt giảm được mà đã làm được như vậy, nên tôi nghĩ, với các ngành khác, công việc sẽ thuận lợi hơn.

Nhưng số thời gian cắt giảm đó chỉ thực hiện được khi tất cả các giải pháp được thực hiện đồng bộ và trọn vẹn. Điều này có khó không, thưa ông?

Với các thủ tục thuế thì không khó lắm. Lý do là, các thủ tục cắt giảm phần lớn đều do ngành thuế quyết định và thực hiện. Việc sửa đổi các văn bản cũng đã được rà soát từ trước, theo Đề án Cắt giảm thủ tục hành chính của ngành thuế trước đó. Ngay cả việc kê khai thuế điện tử cũng đã triển khai từ nhiều năm nay, với nền tảng kỹ thuật đã hoàn tất. Bây giờ chỉ là việc thực hiện. Khó khăn có thể sẽ ở khu vực doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa khi tiếp cận các quy định mới. Đây là nhóm đối tượng cần sự hỗ trợ.

Với các ngành khác, như hải quan, có thể sẽ phức tạp hơn, vì sẽ cần sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan khác, như kiểm định chất lượng hàng hóa, môi trường, logistics… Việc rà soát thủ tục hành chính liên quan đến hải quan vừa qua cho thấy, có tới 40% văn bản ở tầm nghị định yêu cầu kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng phần lớn lại chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình thực hiện…

Như vậy, việc giảm thời gian thông quan sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp đồng bộ trong rà soát văn bản và xây dựng phương án cắt giảm cụ thể của các cơ quan liên quan và việc đồng bộ hoá các văn bản luật. Như với các thủ tục hành chính về thuế và hải quan đang được quy định tại 8 luật, 34 nghị định, 134 thông tư…

Đó là lý do VCCI đang tính tới phương án trình sửa đổi các điều luật theo quy trình rút gọn.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Cứ 6 tháng một lần, VCCI sẽ tổng hợp, rà soát các quy định liên quan để trình các dự thảo sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến cắt giảm các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP, để đề nghị Chính phủ, Quốc hội thực hiện sửa đổi theo chương trình rút gọn. Thậm chí, có thể chỉnh sửa ngay cả những văn bản vừa sửa xong, nếu thấy bất hợp lý.

Chúng tôi kỳ vọng năm 2015, sau khi hoàn tất các yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP một cách trọn vẹn, Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN với tư cách là một quốc gia trong tốp có môi trường kinh doanh hấp dẫn, chứ không phải ở nhóm nước đi sau như hiện nay.

Hơn thế, việc cắt giảm thủ tục hành chính không chỉ nhìn ở khía cạnh tiết giảm thời gian, chi phí, mà quan trọng là giảm rủi ro cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tập trung thời gian, sức lực vào khai thác cơ hội kinh doanh.

Theo Khánh An
baodautu.vn

{fcomment}