Điều nên biết về các loại thuốc điều trị Covid-19 được quảng cáo rầm rộ hiện nay

Các loại thuốc kháng virus đang được quảng cáo nhiều trên mạng hiện nay như Molnupiravir, Favipiravir, Arbidol… không được dùng nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khắp các tỉnh thành trên cả nước, số F0 cộng đồng tăng nhanh. Nhiều địa phương đã triển khai rộng rãi việc cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sự quá tải của hệ thống y tế cơ sở khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà phản ánh không được y tế quan tâm, chăm sóc và cấp phát thuốc.

Trước thực trạng trên, nhiều người dân đã lên mạng xã hội tự tìm mua các loại thuốc để điều trị Covid-19, trong đó có các thuốc kháng virus như Molnupiravir, Favipiravir (hay các tên khác như Avigan, Areplivir, Avifavir) và Arbidol.

Theo TS. Bùi Lê Minh, Trưởng Ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), các loại thuốc này mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở một số quốc gia, chưa được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam, không phải thuốc người dân được dùng nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Molnupiravir

TS Minh cho biết, Molnupiravir hoạt động với cơ chế gây đột biến cấu trúc RNA của virus bằng cách cung cấp các cấu trúc đơn phân “giả” cho quá trình tổng hợp RNA và tạo ra các bản sao lỗi, dẫn tới việc virus không thể nhân lên trong tế bào chủ được nữa.

Mặc dù cơ chế này đã được khẳng định có hiệu quả thông qua các thí nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng, giúp giảm nguy cơ nhập viện 30-50% ở các bệnh nhân Covid-19, nhưng nó cũng đi kèm với 2 nguy cơ lớn.

Thứ nhất, việc sử dụng không đúng liều (uống ít hơn chỉ dẫn, ngừng sử dụng sớm) sẽ có nguy cơ hình thành các biến thể virus không mất chức năng hoàn toàn và tiếp tục lây lan ra cộng đồng.

Việc người bệnh không tuân thủ chỉ dẫn sử dụng thuốc là rất phổ biến (tương tự sử dụng kháng sinh không đúng liệu trình) dẫn tới tình trạng vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện tràn lan. Các thử nghiệm dùng thuốc này ở liều dưới ngưỡng tối ưu với các virus corona khác cho thấy nguy cơ này là hiện hữu.

Thuốc Molnupiravir được rao bán trên mạng xã hội với giá thành hàng triệu đồng/hộp

Thứ hai, Molnupiravir không những làm biến đổi trình tự RNA mà còn có thể làm thay đổi trình tự DNA do sử dụng chung đơn phân “giả” cho quá trình tổng hợp 2 loại phân tử này. Thuốc không chỉ có tác dụng chính là làm hỏng mã trình tự của RNA polymerase (loại enzyme giúp virus tái bản RNA), mà cũng có thể gây ra đột biến ở các trình tự DNA quy định các loại enzyme, protein khác của cơ thể người.

Những bằng chứng về cơ chế phân tử của Molnupiravir có thể là báo động cho nguy cơ ung thư ở người sử dụng, và nguy hiểm hơn là nguy cơ gây dị tật bẩm sinh nếu bố hoặc mẹ sử dụng thuốc trước và trong thai kỳ.

Theo TS Minh, các cảnh báo về nguy cơ gây đột biến của Molnupiravir đã có từ lâu, nhưng vì lợi ích khi sử dụng lớn hơn nguy cơ gây ra nên các thông tin về hiệu quả của thuốc đã làm nhiều người không để ý tới các nguy cơ này.

“Đây là lý do Molnupiravir cần được hướng dẫn sử dụng bởi bác sĩ và chống chỉ định trong các trường hợp có ý định có thai, cho con bú trong vòng 100 ngày kể từ ngày cuối cùng dùng thuốc”, TS Minh nói.

Favipiravir

Favipiravir cũng tương tự Molnupiravir, là thuốc kháng virus với cơ chế gây đột biến. Theo TS Bùi Lê Minh, Favipiravir vốn được thiết kế để sử dụng chống virus cúm mùa. Khác với Molnupiravir dẫn tới đột biến thay thế uracil (U) bằng cytosine (C), Favipiravir làm đổi chỗ guanine (G) và adenosine (A), khiến tế bào không sản xuất được đủ RNA polymerase và ngừng quá trình tái bản của virus.

Mặc dù nghiên cứu cơ chế cho thấy Favipiravir có khả năng gây đột biến kém hơn Molnupiravir nhưng bản thân Favipiravir cũng đã được biết đến với khả năng tạo ra quái thai và dị tật bẩm sinh từ thí nghiệm trên động vật.

Các đánh giá lâm sàng với Favipiravir cho thấy, thuốc có thể giảm thời gian điều trị, giúp rút ngắn thời gian dẫn tới âm tính với xét nghiệm PCR nhưng lại không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ tử vong ở nhóm có điều trị so với nhóm đối chứng không dùng thuốc.

Thuốc Favipiravir không được Anh và Mỹ cấp phép dù được phát triển từ 2014 ở Nhật. Hiện nay, thuốc này chỉ dùng ở Nhật trong điều kiện bệnh nhân mắc cúm mùa không đáp ứng với các thuốc kháng virus khác. Favipiravir đã hết thời gian bảo hộ độc quyền vào năm 2019 nên các công ty dược khác có thể sản xuất các dược phẩm chứa Favipiravir dưới các tên khác (như Areplivir và Avifavir của Nga).

Thuốc kháng virus Areplivir được quảng cáo "rầm rộ" hiện nay là dược phẩm chứa Favipiravir

Arbidol

Với Arbidol – một loại thuốc kháng virus khác cũng đang được quảng cáo rất nhiều trên thị trường “chợ đen”, TS Minh cho hay, thành phần chính của Arbidol là Umifenovir, vốn được sử dụng để chữa cúm mùa. Umifenovir được phát triển và sử dụng ở Nga, Trung Quốc, nên nguồn nhập về Việt Nam cũng từ các nước này.

Cơ chế tác dụng của Umifenovir khác Molnupiravir và Favipiravir, nó không phải chất gây đột biến mà có tác dụng ngăn chặn quá trình dung hợp màng của virus và tế bào chủ, từ đó chặn khả năng lây nhiễm của virus.

Một công bố tháng 11/2021 đã xác định Umifenovir bám trực tiếp vào tiểu phần S2 tham gia vào quá trình dung hợp màng. Mặc dù đã xác định được cơ chế phân tử nhưng vấn đề của Umifenovir là thiếu các nghiên cứu tiền lâm sàng và các dữ liệu đánh giá lâm sàng quy mô lớn nên các kết quả không thống nhất.

Umifenovir đã được đánh giá hiệu quả lâm sàng so sánh với Favipiravir nhưng các kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa hai hoạt chất này. “Như vậy, mặc dù Arbidol có vẻ an toàn hơn Molnupiravir và Favipiravir, nhưng hiệu quả của thuốc này vẫn là điều chưa được làm sáng tỏ”, TS. Bùi Lê Minh nhấn mạnh.

Thuốc kháng virus Arbidol đang được rao bán rất nhiều thời gian gần đây

TS. nêu quan điểm, hiện chưa có thuốc kháng virus dùng trong chữa trị Covid-19 vừa hiệu quả cao, vừa an toàn. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin trên toàn quốc đã đạt mức cao, tỷ lệ những người có nguy cơ bệnh nặng, tử vong đang ngày càng giảm. Phần lớn bệnh nhân Covid-19 (trên 85%) không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và có thể khỏi bệnh khi chăm sóc sức khỏe tốt, không cần dùng tới thuốc kháng virus.

“Một số người cho rằng việc dùng các loại thuốc này giúp khỏi bệnh, nhưng thực tế không ai có thể nói chắc chắn một người sẽ bị bệnh nặng hay nhẹ khi không dùng các thuốc kháng virus, tức không thể đánh giá hiệu quả thuốc qua trải nghiệm cá nhân.

Việc người dân tự ý mua các loại thuốc này và sử dụng tùy tiện chưa chắc đã có tác dụng, thậm chí còn dẫn đến nguy cơ như tăng khả năng quái thai và tạo biến thể virus mới. Người dân cần tìm hiểu rõ ràng về lợi ích và nguy cơ của các loại thuốc này và tuân theo các chỉ dẫn của các bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ tư vấn”, TS Minh nói.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/dieu-nen-biet-ve-cac-loai-thuoc-dieu-tri-covid-19-duoc-quang-cao-hien-nay-808324.html