Doanh nghiệp che giấu thông tin có thể bị rút giấy phép

Theo Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, doanh nghiệp nếu bị xác định phạm tội  sẽ bị phạt tiền, nặng hơn sẽ bị rút giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Doanh nghiệp che giấu thông tin có thể bị rút giấy phép

Sáng nay (23/4), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đã tổ chức Hội thảo “Bộ luật Hình sự dưới góc nhìn cộng đồng doanh nghiệp”, nhằm lấy ý kiến các doanh nghiệp góp ý cho việc sửa đổi Bộ luật hình sự.

Trước đây, pháp luật hình sự nước ta chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân. Giờ đây, với những sửa đổi mới, các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Dự thảo dành riêng chương XI để đưa ra các quy định về pháp nhân phạm tội bao gồm các vấn đề như nguyên tắc xử lý, phạm vi trách nhiệm, hệ thống chế tài và một số vấn đề khác như quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt; miễn, giảm hình phạt; xóa án tích…

Theo quy định của Dự thảo, chỉ có pháp nhân kinh tế mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Các loại pháp nhân khác sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Có 15 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, đó là buôn lậu, trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, gây ô nhiễm môi trường…

Có 3 tội liên quan đến thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp sẽ bị truy tố hình sự, gồm tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, thao túng giá thị trường chứng khoán.

“Việc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân có liên quan đến hành vi phạm tội” - bà Lê Thị Hòa, Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết.

Về hình phạt, hình phạt chính đối với pháp nhân là phạt tiền. Ngoài ra, pháp nhân có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ kinh doanh có thời hạn. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị tước giấy phép hoặc đình chỉ vĩnh viễn. Doanh nghiệp cũng có thể phải chịu hình phạt bổ sung như cấm huy động vốn, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực.

Về vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến e ngại cho rằng, nhiều nước không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Vậy thực tiễn ở các nước này ra sao? Việt Nam hiện nay cũng không quy định điều này và mọi hoạt động vẫn bình thường?

Dự luật quy định chỉ pháp nhân kinh tế mới phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nhiều pháp nhân khác cũng hoạt động kinh tế? Còn có doanh nghiệp tư nhân tuy không phải pháp nhân nhưng cũng hoạt động sản xuất kinh doanh?

Một số ý kiến khác cho rằng, quy định về hình phạt là chưa phù hợp bởi những hình phạt như phạt tiền, tước giấy phép, đình chỉ hoạt động đều là những hình phạt gây ảnh hưởng rất lớn tới người lao động.

Nhưng ở chiều ngược lại, một số ý kiến lại ủng hộ quy định buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự bởi với một số hành vi phạm tội tinh vi như chuyển giá, xả thải, chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới đủ thẩm quyền để xác minh, điều tra làm rõ.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng cho rằng, mỗi một giai đoạn, một thời kỳ chúng ta cần có quy định phù hợp với tình hình thực tế.

“Trước kia chúng ta không có tội này, tội kia cũng không sao nhưng hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật của doanh nghiệp ngày càng phổ biến, gây thiệt hại nghiêm trọng thì quy định phải khác đi, cần ngăn chặn loại hành vi này” - Luật sư Hoàng Văn Hướng nói.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán