Doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm: Lý lẽ của người nắm "đằng chuôi"

 Một hợp đồng được ký với con dấu của pháp nhân, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Vậy khi thiệt hại xảy ra, pháp nhân viện lẽ gì để phủ nhận khách hàng?

Doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm: Lý lẽ của người nắm

Điều 618 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Một điều luật rõ ràng, dễ hiểu. Có lẽ không cần giải thích gì thêm ai cũng hiểu rằng, khi nhân viên của một công ty gây ra thiệt hại trong lúc công tác thì pháp nhân phải đứng ra bồi thường. Sau đó, công ty sẽ áp dụng các hình thức xử lý đối với nhân viên đó, có thể là điều chuyển, kỷ luật, buộc thôi việc, hay yêu cầu bồi thường, chịu trách nhiệm dân sự, thậm chí hình sự tùy mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi vụ việc xảy ra, không ít DN đã đưa ra vô vàn lý do để từ chối một trách nhiệm đã được quy định rõ ràng trong Luật. Điển hình nhất là những vụ việc liên quan đến chứng thư bảo lãnh. Đây là một dịch vụ tín dụng mà ngân hàng đứng ra cam kết sẽ thay khách hàng của mình trả tiền cho bên thứ 3 trong trường hợp khách hàng không có khả năng chi trả. Sau đó ngân hàng sẽ buộc khách hàng phải nhận nợ bắt buộc.

Lý lẽ phổ biến mà các ngân hàng đưa ra để từ chối thanh toán là bảo lãnh vượt thẩm quyền, bảo lãnh vi phạm quy trình cấp bảo lãnh, vi phạm quy định nội bộ của ngân hàng… Ngân hàng cũng có thể không chấp nhận hồ sơ yêu cầu thanh toán của bên thứ 3 và đòi hỏi bổ sung nhiều loại văn bản như xác nhận công nợ, biên bản giao nhận…

Chẳng hạn, vụ tranh chấp bảo lãnh giữa một ngân hàng và Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVF). VVF đã đầu tư 150 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Tập đoàn Vina Megastar với sự bảo lãnh của ngân hàng vào năm 2011.

Một năm sau, trái phiếu đáo hạn, Megastar không có khả năng trả nợ, VVF đã yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nhưng ngân hàng từ chối với lý do Phó tổng giám đốc ngân hàng ở thời điểm đó, đã ký chứng thư bảo lãnh trái pháp luật, không đúng thẩm quyền.

Theo quy định của ngân hàng này, Tổng giám đốc được phê duyệt các giao dịch với mức tối đa không quá 30 tỷ đồng. Chứng thư bảo lãnh 150 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của HĐQT. Trong trường hợp này, giao dịch chưa được HĐQT phê duyệt. Tại Ngân hàng không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với Megastar, giao dịch bảo lãnh cho Megastar không tồn tại trong hệ thống quản lý của ngân hàng.

Với kết luận chứng thư bảo lãnh ký kết sai thẩm quyền, ngân hàng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và tố cáo bà Phó tổng giám đốc ra cơ quan công an.

Tương tự, Agribank cũng có không ít vụ việc liên quan đến chứng thư bảo lãnh, đặc biệt là ở chi nhánh Hồng Hà. Ông Đỗ Đức Hưng, cựu Giám đốc chi nhánh này đã phát hành nhiều chứng thư bảo lãnh với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, hiện đang bị khởi tố vì hành vi Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Cụ thể, theo cáo trạng, từ ngày 28/12/2010 đến ngày 13/10/2011, Đỗ Đức Hưng đã ký 15 bảo lãnh thanh toán hết quyền phán quyết cho Công ty Tân Hồng, Công ty Đức Hùng mua hàng, huy động vốn của các DN, không có hồ sơ, không theo dõi trên hệ thống sổ sách, không thu phí cấp tín dụng.

Từ các bảo lãnh được ký trái quy định này, Trịnh Khánh Hồng (Giám đốc Công ty Tân Hồng) đã chiếm đoạt gần 282 tỷ đồng của các DN.

Đỗ Đức Hưng cũng chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ tín dụng khống, nâng giá trị tài sản đảm bảo cho 2 công ty khác của Trịnh Khánh Hồng là Công ty Giang Linh và Công ty Thái An vay vốn trái quy định, sử dụng vốn vay sai mục đích, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước số tiền gần 139 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Hưng còn ký nhiều bảo lãnh khác dẫn đến tranh chấp dân sự như CTCP Máy và thiết bị dầu khí PV Machino khởi kiện Agirbank đòi thanh toán bảo lãnh hơn 44 tỷ đồng; Công ty Việt Nhật khởi kiện Agribank đòi hơn 40 tỷ đồng…

Trong một số trường hợp, dù pháp nhân chấp nhận trả tiền cho khách hàng, thì họ cũng đưa ra lý do là để giữ uy tín chứ đúng ra không có trách nhiệm bồi thường.

Nhưng lý do gì thì ghi nhận bên lề các phiên tòa cho thấy, nhiều ý kiến đều bày tỏ sự bức xúc khi các pháp nhân phủi tay trách nhiệm. Với họ, các giao dịch là được thực hiện với pháp nhân, chứ không phải với các cá nhân là cán bộ, lãnh đạo của pháp nhân.

Về phía các pháp nhân, chối bỏ được trách nhiệm với khách hàng đồng nghĩa với việc thoát khỏi một khoản thiệt hại nhất định. Song lý do quan trọng hơn là những cá nhân đang làm việc cho pháp nhân còn tránh được liên đới chịu trách nhiệm (rất có thể là hình sự) về khoản thiệt hại. Bởi nếu có thiệt hại sẽ phải làm rõ ai, bộ phận nào có sai sót, đã thiếu trách nhiệm, đã vi phạm các quy định để hành vi phạm tội trót lọt. Điều này sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu đó là các pháp nhân đặc thù. Do vậy, pháp nhân luôn phải tìm mọi cơ sở để từ chối trách nhiệm.

Hoàng Duy

{fcomment}