Doanh nghiệp nhà nước tắc thoái vốn vì nghẽn pháp lý

 Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang gặp khó, nếu không muốn nói là bế tắc khi thoái vốn, do bất cập của quy định pháp lý.

Doanh nghiệp nhà nước tắc thoái vốn vì nghẽn pháp lý

Đủ kiểu vướng

Liên quan đến vướng mắc phát sinh qua thực tế triển khai thoái vốn ngoài ngành nghề kinh doanh chính, Chủ tịch HĐTV một tập đoàn cho biết, theo quy định hiện hành, khi khoản thoái vốn có giá trị cổ phần trên 10 tỷ đồng, sẽ phải bán đấu giá qua Sở GDCK.

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cũng như góp phần tạo thêm giá trị gia tăng từ thương vụ thoái vốn, tập đoàn đề nghị Sở GDCK bán đấu giá cả lô nhưng bị từ chối, vì Sở GDCK không được bán đấu giá cả lô cổ phần.

Điều này khiến cho hoạt động thoái vốn của tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến lộ trình tái cơ cấu như phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một vướng mắc khác theo phản ánh của đại diện một DN, khi DN đề nghị Sở GDCK bán cả lô cổ phần kèm nợ phải thu, cũng bị Sở GDCK từ chối, do Sở không có chức năng bán nợ và không được bán đấu giá cả lô cổ phần…

Phản ánh của các DN còn cho thấy một điểm nghẽn khác, đó là theo quy định hiện hành, việc chào bán cổ phiếu của cổ đông lớn (bên bán vốn) tại công ty đại chúng phải tuân thủ theo các quy định về thủ tục và điều kiện chặt chẽ về chào bán chứng khoán ra công chúng.

Theo đó, hoạt động kinh doanh của DN năm liền trước năm mà bên thoái vốn đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán… Những bất cập này khiến cho việc hoàn tất thủ tục thoái vốn qua UBCK của DN thoái vốn gặp khó, dẫn đến một số phương án thoái vốn của DN rơi vào bế tắc...

Liên quan đến hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông lớn (bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước), Thông tư 204/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng quy định: báo cáo tài chính của tổ chức phát hành trong 2 năm gần nhất phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận. Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính phải thể hiện chấp nhận toàn bộ.

Trường hợp ý kiến kiểm toán là chấp nhận có ngoại trừ, thì khoản ngoại trừ phải không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán và không phải là các khoản ngoại trừ liên quan đến các khoản mục: tiền mặt, hàng tồn kho, tài sản cố định..., các khoản mục trọng yếu khác.

Quy định này, theo phản ánh của nhiều DN là dẫn đến tình trạng, nếu DN đã thuê tổ chức kiểm toán không trong danh sách được chấp thuận, thì bên thoái vốn rất khó yêu cầu DN kiểm toán lại, nhất là trong trường hợp bên bán vốn không nắm cổ phần chi phối tại DN.

Quy định trên còn gây ra một bất cập khác là với những DN thua lỗ, bên thoái vốn không thể bán vốn mặc dù có đối tác quan tâm mua, hoặc có NĐT muốn mua khoản vốn này với mục đích vào tái cơ cấu, phục hồi hoạt động của DN...

Gỡ cách nào?

Để đảm bảo thoái vốn và thu nợ thành công tại công ty trong diện tái cơ cấu hoạt động (chứ không phải thuần túy là thoái vốn tại các công ty đại chúng), các DN kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép họ được chuyển nhượng cổ phần và nợ phải thu tại các DN theo hướng, việc bán cổ phần của DN tại các công ty tái cơ cấu là nhằm tiếp tục quá trình tái cơ cấu DN, không phải là bán cổ phần của cổ đông sáng lập, nên không phải thực hiện theo quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng.

Các DN cần được chủ động lựa chọn hình thức bán thỏa thuận, chào giá cạnh tranh hoặc đấu giá trên nguyên tắc minh bạch và không thấp hơn giá thị trường (không phải bán đấu giá qua Sở GDCK đối với khoản đầu tư tài chính có giá trị theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên).

Bộ Tài chính cũng nên xem xét cho phép DN được thực hiện bán cả lô cổ phần, hoặc cả lô cổ phần kèm nợ phải thu sau khi HĐTV các DNNN phê duyệt, để đảm bảo thành công khi cần bán hết vốn tại DN theo phương án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tân Văn

{fcomment}