Doanh số vàng miếng SJC giảm 51,4%

Lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đang giảm mạnh, trái với thực tế cách đây vài năm, khi vàng miếng là “giấc mơ” của nhiều nhà băng và là cần câu cơm chính của các nhà vàng.

Doanh số vàng miếng SJC giảm 51,4%

Âm thầm đóng cửa

Cách đây một năm, TPBank rầm rộ cho ra mắt dịch vụ mua - bán vàng trực tuyến (eGold). Trước đó, khi mua lại 20% cổ phần và lên kế hoạch tái cơ cấu TPBank, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là chủ tịch HĐQT TPBank khẳng định, vàng là một trong 4 trụ cột chính của Ngân hàng. Thế nhưng, “giấc mộng vàng” của TPBank giờ đã vỡ cùng sự đi xuống của thị trường vàng. Từ cuối năm 2013, dịch vụ này của TPBank đã âm thầm đóng cửa, vì kinh doanh ế ẩm và chưa có kế hoạch hoạt động trở lại.

Tương tự TPBank, hoạt động kinh doanh vàng miếng của 22 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép cũng rất “đì đẹt”. Nhiều điểm giao dịch của các ngân hàng lớn, như VCB, BIDV… không có dịch vụ kinh doanh vàng miếng. Một số ngân hàng như ACB, Eximbank… đã thua lỗ hàng trăm tỷ đồng vì vàng trong năm 2013 có lẽ càng không có ý định dấn sâu thêm vào kinh doanh vàng. Dịch vụ giữ hộ vàng cũng được nhiều ngân hàng đóng cửa.

Hiện chỉ có một số ít ngân hàng có công ty con về vàng (kinh doanh cả vàng miếng lẫn vàng trang sức) là vẫn sống tốt nhờ vàng, còn hầu hết các ngân hàng trực tiếp kinh doanh vàng miếng khác đều mua bán rất cầm chừng.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Kinh doanh vàng miếng Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết: “Sức mua vàng miếng rất chậm và khách mua chủ yếu từ khối khách hàng cá nhân”. Điều này đồng nghĩa, khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là ngân hàng) không còn hăng hái mua vàng để kinh doanh như trước.

“Sức mua chậm, doanh số thấp, vốn tồn lớn, rủi ro cao, lời lãi không đáng kể…, nên ngân hàng không mặn mà kinh doanh vàng. Trước đây, ngân hàng là lực lượng kinh doanh, tiêu thụ vàng lớn trên thị trường, vàng SJC dập ra bao nhiêu cũng bán hết. Còn hiện tại, cả hệ thống mỗi tháng mua vào chỉ khoảng vài trăm ngàn lượng. Đây là lý do từ đầu năm đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường, nhưng vẫn không có hiện tượng khan hàng, thậm chí còn ế vàng miếng”, giám đốc một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho biết.

Nhà vàng cũng sợ vàng miếng

Tình trạng ngân hàng “ế ẩm” trong kinh doanh vàng không phải là điều khó hiểu, bởi ngay cả các doanh nghiệp lớn, dày dạn kinh nghiệm trong kinh doanh vàng cũng đang lao đao vì sụt giảm lợi nhuận từ vàng miếng. Trước năm 2013, thị trường vàng tăng giá 10 năm liên tiếp, sức mua vàng tăng mạnh, giá bán cao hơn giá thế giới 4-5 triệu đồng/lượng, khiến nhà vàng chỉ việc ngồi dập vàng miếng và hốt bạc. Thế nhưng, thời hoàng kim đó đã qua, khi năm 2013, thị trường vàng thế giới rớt giá không phanh, thêm vào đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng) ra đời, càng khiến thị trường rơi vào ảm đạm.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, doanh thu quý I/2014 của Công ty giảm tới 51,4% do sức mua giảm. Bên cạnh đó, nguồn lợi thu về từ gia công vàng miếng 6 tháng đầu năm nay cũng không còn, do NHNN không đặt hàng.

PNJ cũng trong cảnh tương tự. Theo báo cáo tài chính mà doanh nghiệp này vừa công bố, doanh thu quý II của PNJ giảm gần 14% so với cùng kỳ do doanh thu vàng miếng giảm 443,5 tỷ đồng. Hiện vàng miếng chỉ còn đóng góp 31% tổng doanh thu của PNJ, thấp hơn nhiều so với mức 44% cùng kỳ năm trước. Phong độ lợi nhuận mà Công ty giữ được (tăng 49% so với cùng kỳ) là nhờ nhóm vàng trang sức, trang sức kim cương, trang sức đá màu…

Nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định: “Hoạt động kinh doanh vàng miếng gặp khó khăn là do biến động giá vàng trong nước, cũng như sự quản lý chặt chẽ hơn của Chính phủ đối với thị trường này làm giảm tính hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư”.

Theo Hà Tâm
baodautu.vn

{fcomment}