Giá vàng trong nước
Tính tới 8h30 sáng 31/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,45 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 300 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 150 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,92 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 30/7.
Giá vàng thế giới
Tới 8h30 sáng 31/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.963 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.977 USD/ounce.
Đêm 30/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.959 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.972 USD/ounce.
Giá vàng hiện cao hơn khoảng 28,8% (438 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 2,1 triệu đồng so với giá vàng trong nước.
Vàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng giá mạnh bất chấp sức ép rất lớn sau khi mặt hàng này tăng hơn 150 USD mỗi ounce trong một thời gian ngắn. Vàng được dự báo còn tăng tiếp trong bối thế giới đầy bất ổn.
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố GDP của Mỹ trong quý II sụt giảm gần 33%, mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1947 do tiêu dùng giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Trong quý I, kinh tế Mỹ giảm 5%.
Như vậy, nước Mỹ đã chính thức rơi vào suy thoái với 2 quý suy giảm liên tiếp, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ với 11 năm đi lên liên tiếp.
Nước Mỹ cũng chứng kiến số lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này trong tuần qua lên tới 1,43 triệu người. Đây là tuần thứ 19 liên tiếp ghi nhận số liệu này ở trên mức 1 triệu, cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ.
Không chỉ Mỹ, nhiều nước khác cũng rơi vào tình trạng suy thoái. Nước Đức công bố GDP suy giảm hơn 10% trong quý II. Hàn Quốc cũng ghi nhận 2 quý suy giảm liên tiếp.
Vàng tiếp tục xu hướng đi lên còn do các thị trường chứng khoán thế giới chịu áp lực giảm lớn. Trong phiên 30/7, hầu hết các TTCK châu Á giảm điểm do lo ngại dịch Covid.
Triển vọng lãi suất được duy trì ở gần mức 0% trong một thời gian dài đã gây sức ép lên đồng USD. Đồng bạc xanh đã chạm mức thấp trong hai năm so với đồng euro.
Vàng tăng giá còn do hàng loạt quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và các chuyên gia quản lý tài sản tư nhân đổ tiền vào vàng trong bối cảnh lợi tức trái phiếu tụt giảm. Khoảng 15 nghìn tỷ USD trái phiếu có lợi suất âm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng giữ lãi suất ở gần mức 0 trong thời gian dài tới.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 30/7 đa số các cửa hàng vàng tăng giảm giá vàng 9999 thêm bớt khoảng 100-300 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 30/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 56,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 56,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,82 triệu đồng/lượng (bán ra).