Gỗ khủng ung dung ra khỏi rừng đặc dụng

Từ nguồn tin nhận được về việc phá rừng quy mô lớn tại rừng đặc dụng Nam Kar (huyện Krông Ana, Đắk Lắk), từ giữa tháng 11, PV Pháp Luật TP.HCM trong vai người đi bẫy chim đã vào để tìm hiểu thực hư.

Xưởng cưa xẻ gỗ ngay trong rừng

Men theo những con dốc cao, phải mất nhiều giờ đồng hồ chúng tôi mới tiếp cận được nơi bị chặt phá, ở khu vực xã Bình Hòa. Ấn tượng đầu tiên là những gốc cây lớn, có cây hơn hai người ôm vừa được cưa xẻ, bên cạnh là nhiều phách gỗ có đường kính hơn 60-80 cm, dấu cưa còn rất mới.

Đi sâu vào bên trong là ngổn ngang những tấm gỗ lớn nhỏ, vuông vắn bỏ lại dọc đường mòn. Tiếp tục đi, chúng tôi lại phát hiện nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm bị cưa, nhiều súc gỗ lớn nằm chồng lên nhau. Đáng nói là có những tấm ván gỗ dày khoảng 30-40 cm được khéo léo lấp bởi bụi rậm và trên những con đường mòn có nhiều vết rất mới của dấu kéo gỗ.

Không những thế, cách bìa rừng chừng hơn 3 km, nơi đường dốc quanh co, là một công trường gỗ với hàng loạt tấm ván có đường kính rất lớn. Nhiều cây cổ thụ có tuổi đời trăm năm, đường kính 1,2-1,5 m bị cưa xẻ với dấu vết còn mới. Nơi đây nhiều vật dụng như chai nước uống, vỏ đồ ăn, thước đo… nằm lăn lóc.

Quá trình thâm nhập, chúng tôi gặp một số người đang cưa gỗ. Thấy người lạ, họ bỏ đi, để lại những phách gỗ nằm xếp chồng lên nhau.

Theo người dân, gỗ sau khi cưa xẻ được máy tời chuyển đến khu vực có trâu kéo để đưa ra khỏi rừng. “Có những cây lớn nhiều người ôm không hết bị tàn phá một cách vô tư, ngang nhiên kéo đi. Tình trạng này diễn ra một thời gian khá lâu nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng không phát hiện và xử lý” - ông H., một người dân, nói với chúng tôi trên đường đi.

Công trường gỗ trong rừng đặc dụng. Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ và cưa xẻ trong rừng đặc dụng. Ảnh: H.TRƯỜNG

Những dấu vết dùng trâu vận chuyển gỗ còn rất mới. Ảnh: H.TRƯỜNG

Nhiều cây bị hạ có đường kính lớn. Ảnh: H.TRƯỜNG

Liên tục tuần tra nhưng… không phát hiện (!?)

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar. Ông Nhật cho hay công tác bảo vệ rừng là thường xuyên và liên tục theo tuần, tháng, năm. Mặt khác, các trạm ở địa bàn cũng xây dựng kế hoạch tuần tra.

“Nói chung, năm 2019 anh em làm tốt. Anh em cũng rất nhiều cố gắng. Mỗi tháng đi kiểm tra phải cả trăm lần trở lên. Trong tháng vừa rồi không xuất hiện tình trạng phá rừng. Việc phá rừng trong thời gian vừa rồi là không có” - ông Nhật khẳng định.

Tuy nhiên, sau khi chúng tôi thông tin và cung cấp hình ảnh, clip việc có hàng loạt cây cổ thụ bị chặt phá ngang nhiên tại khu vực xã Bình Hòa, ông Nhật trả lời không xác định được đó là khu vực nào, vì trong rừng đặc dụng Nam Kar có những vùng đệm, có những vị trí giống nhau.

“Sẽ cho kiểm tra lại, nếu thật sự trên địa bàn mình có sự việc như thế này (phá rừng - PV) thì sẽ lập biên bản xử lý ngay. Cùng với đó là kiểm tra lại cách làm việc của anh em ở đó… Chứ bây giờ thật sự thì mình cũng chưa nắm” - ông Nhật thông tin.

Khi PV hỏi về việc trong cả trăm lượt tuần tra mỗi tháng như vậy thì có phát hiện được những đường mòn do dùng trâu kéo gỗ ra khỏi rừng hay không, ông Nhật nói khu vực đó xung quanh là người dân sinh sống, đường mòn có từ lâu đời rồi. Còn về dấu vết dùng trâu kéo gỗ thì mấy năm trước đây đã nhiều lần bắt được trâu kéo gỗ, đã có xử lý. Riêng trong năm nay (2019), theo báo cáo thì chưa phát hiện.

Điều khó hiểu là mặc dù hàng loạt cây cổ thụ bị hạ nhưng các cơ quan liên quan lẫn chủ rừng đều không biết. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Hạt Kiểm lâm Krông Ana nói rừng đặc dụng Nam Kar ở khu vực xã Bình Hòa do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar quản lý, phía Hạt Kiểm lâm huyện chỉ phối hợp. “Chúng tôi sẽ cùng phía xã Bình Hòa xác định vị trí rừng cụ thể như thế nào, vì hiện cũng chưa biết tọa độ cụ thể”- vị này nói.

Được biết sau khi PV phản ánh thông tin về việc phá rừng rầm rộ ở rừng đặc dụng Nam Kar, ngày 26-11, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana cho biết đã cùng đại diện công an huyện đi vào kiểm tra.

Tình hình phá rừng diễn biến phức tạp

Cũng tại huyện Ea Kar, hồi tháng 3-2018, lực lượng chức năng xã Cư Bông đã phát hiện và bắt giữ 31 hộp gỗ với khối lượng 11,7 m3 cùng hai xe độ chế được cất giấu tại tiểu khu 702, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar.

Số gỗ bị bắt từ lâm tặc được tạm giữ ở UBND xã Cư Bông. Ảnh: TIẾN ANH

Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Vỹ (Chủ tịch UBND xã Cư Bông) cho biết chỉ trong ba tháng đầu năm, lực lượng chức năng của xã đã phát hiện bốn vụ vi phạm lâm luật, bắt giữ khoảng 20 m3 gỗ. “Dù chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng tình hình phá rừng, khai thác gỗ tại địa phương diễn biến rất phức tạp” - ông Vỹ cho biết.

Được biết trong vụ việc này, phía Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã đề nghị cơ quan điều tra làm rõ có hay không sự tiếp tay cho các đối tượng lâm tặc của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng…


Nguồn: Báo PLO