GPS thay đổi thói quen mua sắm

Nhờ công nghệ định vị, từ 2015, Starbucks có thể giao cà phê tận nơi sau khi khách thanh toán qua điện thoại, còn người đi Volvo sẽ được đặt hàng vào tận cốp với ứng dụng Volvo On Call.

Ở nhiều nơi tại Mỹ, dữ liệu định vị và thuật toán có thể sẽ dần thay thế vị trí của các hãng vận chuyển hàng hóa với thiết bị radio 2 chiều. Đó chính là thế giới tương lai với thiết bị định vị toàn cầu - GPS.

Hiện nay, mỗi năm mua bán trên thiết bị di động tăng thêm 50%, trong khi các mảng còn lại của thương mại điện tử chỉ dừng lại ở 10%. Thiết bị di động đã và đang thay đổi cách mua sắm của chúng ta, và sẽ được sử dụng nhiều hơn nữa cả trong khâu thanh toán lẫn giao hàng.

volvo-1-4250-1420014096.jpg

Nhân viên giao hàng sẽ dùng ứng dụng để tìm vị trí xe bạn đang đỗ và giao đồ. Ảnh: Volvo

Trong suốt 4 năm lãnh đạo nhóm Geo của Apple (phụ trách các dự án dịch vụ vị trí, tìm kiếm địa phương, định vị khách hàng), Jaron Waldman đã thực hiện nhiều dự án về dịch vụ định vị và tìm kiếm. Sau khi rời Apple, Jaron tham gia vào sáng lập Curbside. Dịch vụ này cho phép khách hàng nhận những món đồ mình dễ dàng và nhanh chóng hơn khi chỉ cần táp xe vào lề đường.

Khi khách hàng đến nhận sản phẩm đã đặt mua qua thiết bị di động, Curbside sẽ thông báo với nhân viên cửa hàng biết khách đang trên đường tới. "Khi họ xuất hiện, nhân viên sẽ chào hỏi bằng tên và đặt đồ vào ghế sau trên xe của khách. Mọi thứ chỉ diễn ra trong 15 giây. Đâu là một trải nghiệm tuyệt vời", Jason cho biết thêm.

curbside-1750-1420014097.jpg

Curbside cho phép khách nhận hàng chỉ trong vài chục giây. Ảnh: Curbside

Để làm được điều này, Jaron đã phải giải quyết 2 vấn đề lớn. Một là, Curbside phải làm thế nào để có thể thông báo với cửa hàng rằng có khách đang tới nhận đồ mà không làm hao pin của khách.

Hai là, làm sao để hiển thị chính xác danh mục hàng hóa. Hệ thống danh mục tại cửa hàng không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Có khi khách hàng đã để đồ vào xe đẩy, nhưng hệ thống vẫn báo nó nằm trên giá.

Những năm gần đây, các hãng bán lẻ đã tích cực đưa danh mục hàng hóa lên mạng và khách hàng cũng chuyển dần sang đặt mua trực tuyến. Các thiết bị di động giờ đây cũng không tốn nhiều pin để chia sẻ vị trí cửa hàng như trước nữa.

Curbside dự định sẽ thử nghiệm ở một vài thị trường tại San Francisco (Mỹ). Do bang này gần với thung lũng Silicon, nơi đây tập trung khá nhiều người tiêu dùng dễ tiếp thu xu hướng mới.

Bastian Lehmann cũng chuyển từ London (Anh) đến thung lũng Silicon để gây dựng Postmates - một dịch vụ giao hàng nhờ thiết bị định vị GPS mà ông gọi là `hệ thống chống lại Amazon".

postmates-7165-1420014098.jpg

Người dùng Postmates có thể theo dấu đơn hàng của mình trên smartphone. Ảnh: Postmates

"Amazon xây một nhà kho ở ngoại ô thành phố. Còn chúng tôi muốn khẳng định rằng thành phố chính là kho hàng của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng nắm bắt những mặt hàng có sẵn trong thành phố và xây dựng một đội chuyên giao những hàng hóa ấy", Bastian cho biết.

Phương tiện giao hàng của Postmates là xe đạp, xe máy và cả ôtô. Họ hiện là dịch vụ giao hàng theo yêu cầu lớn nhất tại Mỹ. Hãng thực hiện trên 25.000 lượt giao hàng ở 17 thành phố mỗi tuần với chi phí dao động từ 5 - 12 USD, tùy vào quãng đường và phụ phí cho giờ cao điểm.

Lehmann ấp ủ ý tưởng về Postmates từ năm 2005. Nhưng cũng như Waldman, phải đến thời kỳ bùng nổ của điện thoại thông minh, ý tưởng ấy mới được triển khai.

Còn Jordan Metzner, nhà sáng lập kiêm CEO Washio thì chia sẻ: "Ở Mỹ Latin, chúng tôi có thể dễ dàng yêu cầu dịch vụ giặt là, nhưng ở Mỹ thì không". Xuất phát từ nhu cầu giặt là của bản thân, cũng như bị hấp dẫn bởi thành công của ứng dụng taxi Uber, Metzner bắt đầu phát triển dịch vụ giặt là theo yêu cầu từ tháng 3/2013. Hiện nay dịch vụ Washio của ông đã có mặt ở 6 thành phố của Mỹ.

washio-1886-1420014099.jpg

Nhân viên Washio sẽ đến tận nhà khách hàng để nhận và trả đồ. Ảnh: Washio

Người dùng chỉ cần chọn loại hình giặt là và thời gian giao quần áo trên điện thoại. Sau đó, nhân viên Washio nhận được tin nhắn sẽ lái xe tới tận nhà khách hàng lấy đồ, rồi quay lại vào ngày hôm sau để trả hàng. Vì vậy, cũng giống các doanh nhân khác, Metzner thừa nhận nếu không có điện thoại thông minh, ý tưởng của ông sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Ông cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống cho phép các nhân viên tự chọn và thay đổi lộ trình đơn hàng. Nếu một nhân viên không thể tìm được chỗ đỗ xe, hay tắc đường, đơn hàng sẽ được giao cho một nhân viên khác đảm nhiệm". Metzner tin rằng thương mại theo yêu cầu là cơ hội và thị trường lớn chưa từng có.

Những thay đổi này chủ yếu diễn ra ở Thung lũng Silicon. Nhưng tại Anh, công ty Rocket Internet của anh em nhà Samwer (chuyên "nhân bản" những mô hình thành công của Mỹ cho các thị trường khác) cũng đã ra mắt ứng dụng giao thức ăn EatFirst tại London tháng 8 vừa qua, sau đó là ứng dụng giặt là vào tháng 11.

Hiện nay, 58% người trưởng thành ở Mỹ sở hữu di động thông minh. Ở Anh, tỷ lệ này lên tới 72%. 15 năm trước, sự bùng nổ Internet đã khiến các dịch vụ giao hàng trở nên vô cùng hứa hẹn. Thì hiện nay, khi hầu hết mọi người có smartphone, GPS lại có công lớn trong việc nâng dịch vụ giao hàng lên một cấp độ mới.

Thanh Tuyền

Theo Vnexpress