Hi hữu: Chiếc kim khâu 'chui' vào mông người phụ nữ suốt 8 tháng

Thông tin từ bệnh viện Đa khoa Bắc Quang đã tiếp nhận bệnh nhân Lý Thị N., 23 tuổi tại xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì trong tình trạng đau tức mông.

Theo bệnh nhân, 8 tháng trước chị bị kim chọc vào mông nhưng vì phải làm việc và quá bận rộn nên chị chưa bao giờ đến viện thăm khám. Gần đây, những cơn đau đặc biệt rõ khi chị chạy, chị luôn cảm thấy đau tức nên xin vào viện kiểm tra.

Tại đây các bác sĩ đã thăm khám, chụp X-quang phát hiện một chiếc kim khâu nằm bên mông trái của bệnh nhân. Sau khi làm các xét nghiệm và hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy dị vật.

Chiếc kim rỉ sét được lấy ra sau 8 tháng nằm trong mông bệnh nhân. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Với trình độ chuyên môn tay nghề cao, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, ca phẫu thuật diễn ra rất thuận lợi và nhanh chóng. Chiếc kim nằm trong mông bệnh nhân là loại kim may quần áo. Hiện bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.

Các bác sĩ khuyến cáo, kim khâu là vật nhọn và nhỏ nên có thể nhẹ nhàng xuyên qua da vào cơ. Khi vào trong cơ thể, tùy theo sự vận động của người bệnh, kim có thể di chuyển tới nhiều cơ quan khác nhau như cơ, khớp, phổi thậm chí chạy vào tim rất nguy hiểm cho tính mạng và khiến việc phẫu thuật lấy kim trở nên rất khó khăn.

Thực tế đã có những ca bệnh bị kim khâu lọt vào cơ thể đầy tình cờ và người bệnh chỉ phát hiện khi chiếc kim di chuyển, gây ra triệu chứng.

Trường hợp bệnh nhi Nguyễn Thị Thanh H., 3 tuổi, Nghệ An bị kim đâm vào lưng từ năm 1 tuổi, nhưng 2 năm sau mới phát hiện ra. Đó là khi bé H. có biểu hiện mệt mỏi, sốt, nôn và đau bụng, được người nhà đưa tới bệnh viện tỉnh khám. Qua chụp X-quang, bác sĩ phát hiện dị vật ở lồng ngực bên phải của cháu bé, nghi là kim khâu. Trong 2 năm, cây kim di chuyển từ lưng, đi qua lồng ngực, xuyên vào phổi.

Trong các trường hợp nếu bị vật nhọn đâm sâu hay vết đâm lớn, rút ra ngay sẽ khiến máu chảy nhiều hơn, khó cầm máu, có khả năng gây gãy để lại dị vật trong cơ thể thì cần ép chặt vết thương lại để ngăn máu bớt chảy. Dùng vải buộc tạm rồi nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất. Hạn chế tối đa việc vận động mạnh, di chuyển nhiều. Sau khi băng bó vài ngày mà huyết tương chảy ra có mùi lạ, vết thương sưng, đỏ, tấy, có mủ; mảnh vỡ, dị vật vẫn còn trong vết thương (sờ thấy gai và đau nhói) thì nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra, tư vấn và điều trị.

Để phòng ngừa nguy cơ này, sau khi lấy kim khâu xong cần cất vào nơi an toàn. Nhất là thói quen của nhiều người đang khâu lại cắm kim vào gối, đệm là rất nguy hiểm nếu sau đó quên không cất kỹ. Tránh để rơi rớt trên sàn, chăn chiếu, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.


Nguồn: Báo Người Đưa Tin