Khống chế hoàn toàn nguồn cung chất cấm cho chăn nuôi!?

“Đến thời điểm này có thể khẳng định nguồn cung cấp Salbutamol đã được Bộ và C49 khống chế”, Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết.

Tại cuộc họp báo về kết quả công tác năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) diễn ra chiều 5/1, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, trong năm 2015 có hai loại chất cấm được nhắc đến nhiều là Salbutamol và chất Vàng- ô.

Khống chế hoàn toàn nguồn cung chất cấm cho chăn nuôi!? - 1

Người tiêu dùng ăn phải thịt chứa chất cấm có thể bị ung thư.

Tuy nhiên, khi vào cuộc kiểm tra quyết liệt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tháng 10/2015 vừa qua, Thanh tra Bộ NN&PTNT, C49 đã bóc được đường dây buôn bán, nhập khẩu Salbutamol. Chính vì thế, ông Việt cho rằng nguồn cung cấp chất cấm này sẽ hạn chế nhiều trong thời gian tới.

“Đến thời điểm này có thể khẳng định nguồn cung cấp Salbutamol đã được Bộ và C49 khống chế”, ông Việt cho biết.

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ, trong tháng 11/2015, các đoàn kiểm tra đã lấy 100 mẫu nhưng chỉ phát hiện 1 mẫu có sử dụng chất cấm. Trong tháng 1/2016 này các đoàn sẽ tiếp tục lấy khoảng 150 mẫu và tổng kết để đánh giá trong đợt cao điểm tình hình có chuyển biến như thế nào.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất trong năm 2016.

Ông Việt cho biết, tại Hội nghị Tổng kết ngành diễn ra sáng 5/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc nhở về công tác tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), phải thực sự tạo chuyển biến rõ nét đối với công tác này trong năm 2016. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các sở tập trung thanh tra kiểm tra trong năm nay.

“Sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng năm 2016 chúng ta vẫn phải tập trung vào vấn đề này, nhất là tăng cường thanh tra kiểm tra đột xuất”, ông Việt cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo đảm vệ sinhATTP, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị chức năng phải xác nhận và chỉ ra được những địa điểm bán các sản phẩm an toàn, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, đây là vấn đề mới và khó nên không thể làm nhanh và làm nhiều được.

Ông Tiệp cho biết, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn để các địa phương triển khai, tăng cường quảng bá có những sản phẩm rau, thực phẩm an toàntại các siêu thị, cửa hàng. Riêng tại Hà Nội đã có mô hình điểm tại Khu hội chợ đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy).

Nha Trang đã xác nhận một số sản phẩm an toàn. TP. HCM cũng xác nhận một số sản phẩm an toàn tại hệ thống siêu thị. Đến nay Hà Nội đã lập được danh mục 27 chuỗi thực phẩm cung ứng an toàn, sẽ lấy mẫu giám sát và quảng bá những địa chỉ này.

Tuy vậy, có ý kiến băn khoăn cho rằng tại sao hàng ngày vẫn có thông tin về các lô hàng hôi thối, ôi thiu được vào tiêu thụ. Liệu có câu chuyện như người dân nói "có lô hàng được tích trữ 10- 15 năm nay vẫn đưa vào tiêu thụ tại Việt Nam"?

Trả lời vấn đề này, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, giữa Việt Nam và Trung Quốc không có nhập khẩu chính ngạch sản phẩm nội tạng và gia cầm. Những gia cầm, nội tạng nhập vào Việt Nam đều bằng tiểu ngạch, nhập lậu. Ban chỉ đạo 389 đã rất tích cực kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm.Tuy nhiên chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, nhiều đối tượng khi bị phát hiện thì “bỏ của chạy lấy người”.

Nguồn 24h