Lãi suất vượt mốc nhạy cảm, cầm tiền tỷ mà quá nóng ruột

Tiếp tục “cuộc đua”

Ngày 19/8, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho biết vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức, với lãi suất cao nhất lên tới 10,2%/năm. Cụ thể, chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng là 9,5%/năm, 36 tháng là 9,8%/năm, 48 tháng là 10%/năm và 60 tháng là 10,2%/năm. Đây là mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Á phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,1%/năm dành cho khách hàng cá nhân, kì hạn 24 tháng với số tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng và Ngân hàng TMCP Quốc tế phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 - 36 tháng với lãi suất gần 9%/năm, như SHB, Sacombank, SeABank,...

Một số ngân hàng TMCP nhỏ lại tiếp tục “cuộc đua” đẩy lãi suất huy động lên cao.

Trong khi có thêm ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao ngất ngưởng thì trong tháng 8 này, nhiều ngân hàng cũng điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm theo xu hướng tăng.

Ngân hàng ABBANK thông báo tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng là 8,5%/năm, lần lượt tăng 0,7% và 0,8% so với mức lãi suất cũ.

Ngân hàng SHB vừa điều chỉnh lãi suất lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 7% lên 7,8%/năm, kỳ hạn 9 tháng lên 8%/năm, 12 tháng lên 8,1%/năm và kỳ hạn 13 tháng lên 8,2%/năm. Trước đó, lãi suất cao nhất của ngân hàng này chỉ ở mức 7,2%/năm.

Ngân hàng OCB cũng công bố biểu lãi suất áp dụng từ ngày 12/8 với lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy là 8%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,3% so với trước.

Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 6/8. Theo đó, lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm tại quầy là 8,4%/năm với kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng, 36 tháng thay vì 8%/năm như trước đây. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,8%/năm lên 7,9%/năm.

Ý kiến từ một số ngân hàng cho biết, việc tăng mạnh lãi suất huy động, xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước quy định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40%, kể từ đầu năm 2019.

Lãi suất huy động cao cũng thể hiện thanh khoản của các ngân hàng nhỏ đang có vấn đề.

Lãi suất đi về đâu?

Tuy nhiên, lãi suất huy động cao cũng thể hiện thanh khoản của các ngân hàng nhỏ đang có vấn đề. Những ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao chứng tỏ thanh khoản đang eo hẹp. Nhìn biểu lãi suất có thể thấy sự phân hóa giữa các ngân hàng rất rõ rệt. Những ngân hàng nhỏ, thương hiệu danh tiếng hạn chế, mạng lưới các phòng giao dịch ít sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn.

Vì vậy, phải tăng lãi suất lên cao, dẫn đến “cuộc đua” tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng và gây áp lực lên lãi suất cho vay.

Câu hỏi đặt ra là: Khi lãi suất huy động tăng cao thì lãi suất cho vay từ các ngân hàng này sẽ là bao nhiêu?.

Hiện các NH TMCP có vốn Nhà nước đang cho vay trung dài hạn với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường lãi suất phổ biến từ 9%-10,5%/năm. Ở nhóm NH TMCP, mức lãi suất cho vay thông thường cao hơn khoảng từ 0,5-1 điểm phần trăm. Nhưng với việc đẩy lãi suất huy động lên, lãi suất cho vay trung dài hạn từ nhóm NH TMCP nhỏ, có thể lên tới 12-14%/năm. Đây là lãi suất khá cao, so với các nước trong khu vực, gấp từ 2-3 lần.

Trong khi đó, các DN nhỏ thường khó tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ những ngân hàng lớn, thường phải tìm đến những ngân hàng nhỏ. Phải chấp nhận lãi suất cao thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn.

Trong khi những khách hàng có tiền nhàn rỗi mang gửi rất vui mừng, thì những người đi vay méo mặt.

Đại diện một DN nhỏ sản xuất thiết bị điện tại Thanh Trì, Hà Nội cho biết, họ không thể tiếp cận được các ngân hàng lớn, chỉ có thể tìm đến những ngân hàng nhỏ. Vốn vay dài hạn của ngân hàng nhỏ bị đẩy lên khoảng 11-12%. Trong khi đó, lợi nhuận của DN chỉ ở dưới 10%. Vì vậy, nhiều khi không dám vay vốn, bởi cầm chắc thua lỗ. Một số DN nhỏ cho hay lãi vay cao là nguyên nhân khiến họ không dám vay vốn và phải từ chối các đơn hàng, cũng như không thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Vốn vay trung và dài hạn thấp mới khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh.

Nhiều kỳ vọng đặt ra từ đầu năm 2019 là lãi suất sẽ giảm để hỗ trợ cộng đồng DN. Thế nhưng, khi các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động thì việc tăng lãi suất cho vay là điều khó tránh khỏi.

Câu hỏi đặt ra là liệu “cuộc đua” đến đây đã dừng lại hay vẫn còn tiếp tục và lãi suất sẽ đi về đâu?. Tình huống hiện nay khiến cho nhiều người có nguồn tiền mặt nóng ruột để quyết định chọn nơi gửi lãi suất cao.

Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá, do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân. Người sở hữu chứng chỉ tiền gửi sẽ được hưởng lãi suất, được thanh toán tiền gốc khi đến hạn và được quyền cho, tặng, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành.

Có tiền nhàn rỗi mua chứng chỉ tiền gửi hiện nay sẽ hưởng lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Chẳng hạn nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng hiện được hưởng lãi suất cao nhất là 8,6%/năm thì mua chứng chỉ tiền gửi cùng kỳ hạn này, sẽ được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 9,5%/năm.

Do chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài và không được rút trước hạn nên khách hàng cần cân nhắc. Nếu người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi muốn rút tiền trước hạn thì phải thế chấp cho ngân hàng để vay với lãi suất rất cao. Chẳng hạn, cá nhân thế chấp chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm, lãi suất 10%/năm, ngân hàng sẽ cho vay lại với lãi suất gấp 1,25-1,5 lần, tính ra lãi suất cho vay khoảng 12,5%-15%/năm. Tuy chứng chỉ tiền gửi được phép chuyển nhượng cho người khác, nhưng hiện nay thị trường gần như không có người mua. Vì vậy, sẽ gặp khó khi cần tiền muốn chuyển nhượng.


Nguồn: Báo VietnamNet