Liệu Nga có dùng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine đánh vào Crimea?

Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn giằng co ở nhiều nơi, khi Nga càng cải tiến lối đánh thì phương Tây lại càng viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine. Mới đây, Nga đã ám chỉ sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu Crimea bị Ukraine tấn công.

Nga không dễ đè bẹp quân đội Ukraine bằng phương pháp quy ước

Cuộc chiến Nga - Ukraine sắp bước sang tháng thứ 6 nhưng độ khốc liệt vẫn không hề thuyên giảm, cả trên chiến trường lẫn trên mặt trận truyền thông.

Các cuộc tấn công của Nga tiếp tục nhắm vào các thành phố Ukraine như Vinnytsia ở miền Tây nằm cách xa tiền tuyến và cả những nơi như Mykolaiv và Odessa có giá trị chiến lược cao nhằm giành quyền kiểm soát vùng duyên hải Biển Đen của Ukraine.

Các tên lửa đạn đạo Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh: AFP.

Trong lúc đó, trận chiến Donbass đã gia tăng cường độ hơn nữa. Nga hiện đang tập kết lực lượng để đánh chiếm phần còn lại của lãnh thổ do Ukraine kiểm soát ở vùng Donetsk.

Ukraine cũng đã mở một cuộc phản công vào tháng 5 để tái chiếm khu vực Kherson ở miền Nam nước này – khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với kế hoạch của Nga giành lại hành lang trên bộ dẫn tới Crimea.

Được phương Tây tiếp sức bằng nhiều vũ khí hiện đại, đặc biệt là pháo phản lực cơ động HIMARS do Mỹ sản xuất, Ukraine bắt đầu có khả năng bắn phá các sở chỉ huy, kho hậu cần và tuyến tiếp tế của Nga ở cự ly xa hơn với độ chính xác cao hơn.

Khả năng Ukraine sẽ triển khai nhiều hệ thống HIMARS để hậu thuẫn cho cuộc phản công ở Kherson đã khiến cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lên tiếng cảnh báo Ukraine về “Ngày Tận thế” nếu Ukraine tấn công các mục tiêu trên bán đảo Crimea.

Vai trò chiến lược của Crimea khiến Nga quyết giữ bằng mọi giá

Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Bán đảo là nơi đóng quân của hạm đội Biển Đen thuộc Nga. Bán đảo có tầm quan trọng cực lớn đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga, đóng vai trò như bàn đạp cho các hoạt động quân sự trên bộ ở khu vực phía Đông, bao gồm cuộc bao vây Mariupol.

Nga thường xuyên đưa ra các kịch bản ngày tận thế để hăm dọa đối thủ, thường là nhằm vào khối quân sự NATO, ban đầu là việc cung cấp vũ khí và đạn dược, sau đó là việc triển khai binh sĩ. Bây giờ Moscow dường như đã chấp nhận thực tế là họ ít cản được hoạt động tuồn vũ khí của phương Tây vào Nga. Thay vào đó, họ tập trung vào xử lý số vũ khí đang được Ukraine sử dụng.

Thời gian qua, nhiều người đánh giá rằng phương Tây đã vượt qua lằn ranh đỏ của Nga tới mấy lần mà không chịu hậu quả gì. Nhưng lần này, lời cảnh báo mới nhất của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev không thể bị xem nhẹ như các lần trước nữa. Ông Medvedev đã sử dụng cụm từ “mối đe dọa có hệ thống” đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Crimea và đây là một trong các lý do mà học thuyết quân sự Nga cho phép kích hoạt vũ khí hạt nhân của nước này.

Theo truyền thông Nga, ông Medvedev đã phát biểu với các cựu chiến binh tại thành phố Volgograd (miền Nam nước Nga), trong đó ông hứa sẽ có một “ngày tận thế, rất nhanh và cứng rắn” nếu các lực lượng Ukraine dám tấn công vào Crimea. Mặc dù chưa có quốc gia nào khác công nhận việc Nga sáp nhập Crimea, ông Medvedev coi phản ứng trên là phản ứng chính đáng dành cho một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Việc Nga thể hiện quyết tâm bảo vệ Crimea cho thấy tầm quan trọng chiến lược lớn lao của Crimea đối với Nga trong việc bảo đảm bàn đạp và tuyến tiếp tế cho họ nếu quân đội Nga muốn tiến xa hơn nữa về phía Tây, nhằm vào Odessa.

Quyết chiến trong mùa thu

Dự kiến hai bên sẽ cố gắng đặt được bước tiến quyết định vào mùa thu 2022 này. Cả Nga và Ukraine đều hy vọng sẽ “đóng băng” được tiền tuyến trong thế có lợi cho mình trước khi nối lại các cuộc hòa đàm có khả năng sẽ diễn ra vào mùa thu tới và trước khi mùa đông tới, vì vào mùa đông hoạt động tác chiến sẽ gặp nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu này, hai bên cần huy động thêm lực lượng và bổ sung vũ khí khí tài.

Trong khi Ukraine cận kề khả năng tổng động viên thì Nga cho tới nay vẫn tránh phương án này và vẫn chỉ sử dụng quân nhân tình nguyện và lính hợp đồng để bù đắp cho việc thiếu hụt nhân lực.

Nga có dân số lớn hơn Ukraine nhiều (khoảng 140 triệu dân Nga so với 40 triệu dân Ukraine) nhưng quân đội Nga thiếu các vũ khí khí tài có độ tinh vi cao như các thiết bị mà Ukraine được tiếp cận thời gian qua. Cho tới nay, Nga vẫn đang tích cực sử dụng các xe tăng và pháo từ thời Xô viết.

Triển vọng cuộc chiến sẽ là tiếp tục giằng co. Về phía Bắc, Nga có thể mở một chiến dịch mới để tái chiếm Kharkov, còn về phía Nam, Ukraine có thể xúc tiến tiếp cho cuộc phản công ở Kherson.

Khi thế trận không có đột phá lớn, Ukraine có thể gia tăng ý định tấn công cây cầu của Nga bắc qua eo biển Kerch dẫn tới Crimea. Về phần mình, khi ấy Nga có thể sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Do một cuộc tấn công như vậy vẫn chưa phải là tấn công trực tiếp vào một thành viên NATO, Tổng thống Nga Putin sẽ gặp ít áp lực hơn./.

Nguồn: vov.vn