Ngân hàng chấm điểm để cho vay

Các ngân hàng đang ráo riết chấm điểm doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp để tăng cường cho vay tín chấp, không quá dựa vào tài sản đảm bảo như hiện nay.

Ngân hàng chấm điểm để cho vay

Bắt đầu chấm điểm

Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng - CIC (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, lâu nay, các tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay căn cứ vào các đánh giá về thế chấp và dự án vay vốn, nên thông tin về uy tín khách hàng như chỉ số xếp hạng tín dụng chưa được quan tâm.

Tuy nhiên, tình hình trên đang thay đổi, khi mới đây, NHNN đã có Văn bản 5342/NHNN/TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để cho vay tín chấp. Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ. Hiện nhiều ngân hàng đã xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, song số lượng doanh nghiệp được đánh giá, xếp hạng còn ít, thông tin còn mỏng.

Bên cạnh đó, CIC cũng tăng cường phối hợp với các ngân hàng để tăng số lượng doanh nghiệp được xếp hạng tín dụng. Ông Đỗ Hoàng Phong cho biết, mỗi năm, CIC xếp hạng tín dụng được hơn 25.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 20% tổng số doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng và chấm điểm được khoảng 10.000 lãnh đạo doanh nghiệp.

Ngoài CIC, Công ty cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB), công ty thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, cũng đang phối hợp với đối tác chiến lược CRIF (tập đoàn xếp hạng tín nhiệm của Italy) xây dựng điểm tín dụng cho thị trường Việt Nam, dự kiến ra mắt trong năm 2014.

Theo PCB, điểm tín dụng không chỉ giúp ngân hàng quản lý rủi ro tốt hơn, cắt giảm chi phí, mà còn giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay với chi phí thấp, nhanh chóng và công bằng hơn, do quá trình chấm điểm được thực hiện hoàn toàn tự động dựa vào các thông tin từ hồ sơ vay vốn và báo cáo tín dụng từ trung tâm thông tin tín dụng.

Thay đổi cách cho vay

Cho vay tín chấp dựa trên điểm tín dụng hay hạng tín dụng đã trở thành phổ biến tại các nước phát triển, song ở nước ta, các ngân hàng chưa dám căn cứ vào yếu tố này để cho vay, mà vẫn đòi hỏi tài sản đảm bảo. Đây cũng chính là lý do khiến tín dụng bế tắc trong 8 tháng đầu năm nay.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) khẳng định, dù công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên, song đến nay, các doanh nghiệp trong ngành này chưa được vay vốn tín chấp.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tâm đề nghị: “Ngân hàng cần xem kỹ doanh nghiệp nào làm ăn tốt, có uy tín, thì nên mở rộng cho vay tín chấp. Doanh nghiệp chúng tôi có đầu ra, cần vốn để thu mua nông sản, nhưng không có tài sản thế chấp, nên không được vay vốn ngân hàng”.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, hiện đã có cơ chế về cho vay tín chấp. Các tổ chức tín dụng nếu đánh giá phương án trả nợ, năng lực kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp tốt, thì có thể cho vay tín chấp. Ở các nước phát triển, cho vay tín chấp rất phổ biến, vì ngân hàng có thể lấy mọi thông tin về doanh nghiệp khá dễ dàng để đánh giá uy tín của doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, điều này khá khó khăn, do thông tin của doanh nghiệp không minh bạch.

Theo các ngân hàng thương mại, hiện số lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp chưa qua kiểm toán chiếm đa số, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, ngân hàng không thể thông qua các báo cáo này để chấm điểm doanh nghiệp một cách chính xác. Do đó, để tăng cơ hội vay tín chấp, ngân hàng khuyến cáo, doanh nghiệp nên chủ động mời kiểm toán độc lập xác nhận tính chính xác về báo cáo tài chính của mình.

Trước mắt, để tháo gỡ vướng mắc này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang tạo kết nối giữa doanh nghiệp, ngân hàng và lãnh đạo địa phương. Theo bà, lãnh đạo địa phương là người nắm rõ tình hình doanh nghiệp, nên nếu chính quyền tham gia, ngân hàng sẽ tin tưởng doanh nghiệp hơn.

Theo Hà Tâm
baodautu.vn

{fcomment}