Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch

 Hai dự luật quan trọng với các nhà đầu tư là Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được trình Quốc hội thảo luận, góp ý trước khi được đưa ra biểu quyết thông qua vào cuối tháng 11 này.

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch

“Chọn bỏ” thay vì “chọn cho”

Với dự thảo Luật Đầu tư, danh mục các ngành nghề bị cấm và hạn chế, vốn là tâm điểm góp ý của các đại biểu và thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp, đã được “gút” lại và sẽ ban hành theo luật.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) đã yêu cầu các cơ quan hữu quan tiến hành tập hợp, rà soát và xây dựng danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.

Sau khi xem xét, cân nhắc, UBTV đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của Dự thảo luật và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với các điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định của Chính phủ.

Được biết, danh mục này được xây dựng theo hướng bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước hoặc bị trùng lặp, đồng thời bổ sung một số ngành, nghề cần thiết. Bên cạnh đó, cập nhật chuẩn tên gọi và hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực, thay vì theo bộ, ngành quản lý; xác định rõ danh mục “loại trừ” về ngành, nghề, nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.

Theo Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM), đây là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển từ quản lý theo “chọn cho” sang quản lý “chọn bỏ”, có nghĩa thay vì quy định doanh nghiệp được làm những gì, thì nay quy định rõ những việc bị cấm, bị hạn chế, còn lại doanh nghiệp đều có quyền đầu tư kinh doanh.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu đến từ Hà Nội, Thái Bình, Lào Cai cho rằng, đây là một điểm sáng, tiến bộ của Dự luật, thể hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của công dân trong tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng có một số góp ý để Dự luật hoàn thiện hơn, đảm bảo sau khi ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống, không có vướng mắc, mâu thuẫn với những văn bản quy phạm đang có hiệu lực.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị cần quy định rõ tiêu chí về điều kiện kinh doanh dưới các hình thức giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, vốn pháp định và chấp thuận khác. Đồng thời làm rõ trường hợp nào phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và những trường hợp nào được thực hiện hoạt động kinh doanh khi có đủ điều kiện.

“Nếu không làm rõ được vấn đề này sẽ có rất nhiều trường hợp buộc phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), do điều kiện cụ thể đối với 272 ngành, nghề sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật, trong khi Luật Đầu tư dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015, nên đề nghị Chính phủ sớm ban hành chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư, kinh doanh để dự án luật sớm đi vào cuộc sống.

Báo cáo thêm trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, dự luật lần này đã chọn phương pháp tiếp cận tiên tiến và minh bạch đó là chọn - bỏ. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp rất khó làm, bởi tính chất phức tạp và chồng chéo trong nhiều văn bản pháp luật.

Theo Bộ trưởng, Dự luật bổ sung quy định cho phép rà soát lại danh mục này với thủ tục rút gọn thay vì phải sửa luật, đồng thời không bắt buộc có giấy chứng nhận đầu tư với các dự án trong nước, nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, hướng tới sự minh bạch.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều người đại diện

Với Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), liên quán đến những quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể..., cơ bản ưu tiên áp dụng Luật Doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề, lĩnh vực đặc thù, mà luật chuyên ngành cần có những quy định riêng, thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.

Dự luật cũng bãi bỏ quy định ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy đăng ký kinh doanh, cho phép một doanh nghiệp có nhiều người đại diện. Doanh nghiệp vẫn phải có con dấu, nhưng Dự luật cho phép doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu, bảo đảm con dấu thể hiện tên, mã số doanh nghiệp.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, Luật Doanh nghiệp hiện hành có nhiều chồng chéo với các luật chuyên ngành trong vấn đề cấp giấy phép thành lập. Xuất phát từ phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp dù kinh doanh trong ngành, nghề, lĩnh vực nào, đều phải được thành lập và tổ chức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Với ngành, nghề đặc thù, sau khi có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải xin giấy phép hoạt động và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Do vậy, Dự luật đảm bảo tạo thuận lợi cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, khi việc cấp phép thành lập doanh nghiệp được quy về một đầu mối.

Các đại biểu cũng ủng hộ việc không ghi mã ngành vào giấy đăng ký kinh doanh, bởi nhiều ngành, nghề không phù hợp hoặc đã lạc hậu. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 30 - 40% hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh, bổ sung ngành, nghề. Điều này vừa gây lãng phí thời gian, vừa không hiệu quả trong quản lý. Có công ty đăng ký cả trăm ngành nghề nhưng chỉ hoạt động vài ngành. Do vậy, thống nhất không ghi ngành, nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như Dự thảo luật để mở rộng quyền tự do hoạt động cho các doanh nghiệp.

“Việt Nam cam kết bảo hộ đầu tư”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trao đổi với báo giới về Dự án Luật Đầu tư. Bộ trưởng cho biết, về quy định lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Ban soạn thảo cùng với 16 bộ, ngành đã mất rất nhiều công sức để rà soát.

“Tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng nhất. Căn cứ vào các quy định này, doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp FDI đều biết cái gì mình được đầu tư, cái gì không được đầu tư, cái gì đầu tư có điều kiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Riêng doanh nghiệp FDI, ngoài danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện được minh bạch cụ thể, còn lại đều được Nhà nước bảo hộ đầu tư. Theo đó, Việt Nam cam kết bảo hộ đầu tư theo hướng, trừ những lĩnh vực liên quan đến quốc phòng an ninh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, sức khỏe con người sẽ được quy định rõ, còn lại các dự án đầu tư đều được bảo hộ đầu tư khi có sự thay đổi về chính sách.

“Nếu chính sách ban hành sau bất lợi hơn cho doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn được hưởng các ưu đãi chính sách đã được ghi trong giấy phép đầu tư đã cấp. Nếu chính sách thay đổi sau có lợi hơn với doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp áp dụng chính sách có lợi hơn”, Bộ trưởng khẳng định.

“Ưu tiên áp dụng Luật Doanh nghiệp so với luật chuyên ngành”

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Trong kỳ họp Quốc hội lần trước, tôi đã có ý kiến cần phải có nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Doanh nghiệp so với các luật chuyên ngành về các vấn đề tổ chức và quản trị doanh nghiệp. Nếu không, các ngoại lệ trong pháp luật chuyên ngành sẽ dẫn tới việc vô hiệu hóa Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật lần này vẫn quy định: "trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động liên quan đến doanh nghiệp thì áp dụng luật đó".

Tôi đề nghị ưu tiên áp dụng Luật Doanh nghiệp so với luật chuyên ngành, trừ những trường hợp ngoại lệ và chỉ được áp dụng đối với Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí, không nên áp dụng với tất cả luật chuyên ngành khác.

“Nên phân loại dự án khi quy định về quy mô ký quỹ”

Đại biểu Trần Du Lịch

Đối với các quy định về hợp đồng hợp tác công - tư, tôi đề nghị quy định một số nội dung để Chính phủ ban hành Nghị định. Ví dụ, trong hợp đồng công - tư, quan trọng nhất là cam kết pháp lý của các tổ chức nhà nước đối với nhà đầu tư; thứ hai là hình thức góp vốn; thứ ba là nguồn vốn góp để các tổ chức này có thể tham gia, bảo đảm được quyền lợi và cần luật hóa hình thức công - tư đối tác. Vì thế, Luật chỉ nên quy định nguyên tắc, sau đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung cụ thể.

Về ký quỹ đối với các dự án, Luật Đất đai có quy định mức ký quỹ từ 35% tổng dự án đầu tư. Tuy nhiên, các dự án rất khác nhau về quy mô, do đó nên phân loại và quy định cụ thể rõ ràng hơn.


Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}