“Mổ xẻ” nguyên nhân chậm cổ phần hóa

 “Tôi cảm nhận có một sân chơi không bình đẳng khi lắng nghe thông tin từ các bên tại Diễn đàn, nhất là với các DNNN”.

 

“Mổ xẻ” nguyên nhân chậm cổ phần hóa

 

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 với chủ đề "Làn sóng thứ 2" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam vừa tổ chức, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các NĐT cả trong và ngoài nước là vấn đề cổ phần hóa (CPH) DNNN, bởi đây là yếu tố được đánh giá sẽ góp phần giúp làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) sôi động trong thời gian tới.

“Tôi cảm nhận có một sân chơi không bình đẳng khi lắng nghe thông tin từ các bên tại diễn đàn, nhất là với các DNNN”, một NĐT nước ngoài đã làm nóng Diễn đàn bằng phát biểu mở đầu như vậy. Vị này cho rằng, dù Chính phủ đã có những nỗ lực đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN thời gian qua, nhưng kết quả thu được là quá nhỏ. Theo NĐT này, số lượng không quan trọng bằng việc phân loại doanh nghiệp nào cần được CPH, nhất là với những DNNN được CPH hoàn toàn thì đối tác chiến lược có vai trò quan trọng trong việc phát triển công ty.

“Di chuyển bàn ghế và sắp xếp lại không làm thay đổi diện tích căn phòng, vấn đề là có đạt được sự hiệu quả hay không? Quy trình CPH chậm cũng liên quan đến ngân sách nhà nước. Do đó, cần xem xét vấn đề quản lý nội bộ, tái cấu trúc doanh nghiệp mạnh mẽ hơn mới giải quyết được các vấn đề cơ bản. Về bức tranh vĩ mô, nhất thiết cần có sự kiên quyết từ phía Chính phủ, để khi NĐT rời bàn đàm phán, họ nhận được cam kết hỗ trợ từ phía Chính phủ”, NĐT trên nêu ý kiến.

Ở Việt Nam, đa phần CPH diễn ra ở những công ty hoạt động không hiệu quả, do đó, không thể xem đây là thời điểm thích hợp hay không thích hợp để CPH, mà là sự tham gia của NĐT nước ngoài có giúp doanh nghiệp tiến lên phía trước hay không? Tại nhiều doanh nghiệp, khi CPH thường bị đặt nặng vào vấn đề “tiền”, trong khi với NĐT nước ngoài, vấn đề tiền không quá quan trọng bằng tư duy quản lý, cách nhìn nhận vấn đề.

Ông Seck Yee Chung - Partner, Baker & McKenzie nhấn mạnh, nhìn vào một số thương vụ M&A được công bố thì việc tìm kiếm NĐT chiến lược được xem như một mục tiêu của công ty, chứ không phải mục tiêu chính là CPH. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đặt kỳ vọng vào NĐT chiến lược nhiều hơn là quản lý chiến lược, trong khi đây mới là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của công ty.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong các phương án CPH hiện nay mới chỉ đưa ra định hướng NĐT chiến lược, số lượng bao nhiêu, chứ chưa nêu đích danh, cụ thể NĐT. “Việc này sẽ được Ban chỉ đạo CPH chỉ định, trong khi đó, theo quy định, thời gian từ đàm phán đến ký kết với NĐT chỉ trong 1 tháng là quá ngắn, không thể thực hiện. Ít nhất cũng phải 2 tháng”, ông Hòa nói.

Đối với NĐT chiến lược, vấn đề họ quan tâm là người sở hữu đa số là ai, là người tham gia quản lý hay mọi “chỉ đạo” phụ thuộc ông Chủ tịch. Theo đó, NĐT chiến lược cũng cần phải tìm hiểu nhiều đối tượng khác nhau có liên quan tới doanh nghiệp mục tiêu, để từ đó biết sẽ cần làm việc với ai, cũng như cần tìm hiểu về định hướng phát triển, thị phần, sản phẩm… của công ty kỹ càng rồi mới ra quyết định đầu tư. Vì vậy, việc chia sẻ thông tin minh bạch, đầy đủ rất quan trọng và nên đưa vào quy định cụ thể. Điều này vừa giúp NĐT có đầy đủ thông tin, vừa buộc doanh nghiệp phải “suy nghĩ” về những chiến lược tiếp theo của mình và chia sẻ với NĐT. Không minh bạch sẽ không CPH được.

“Tuy nhiên, minh bạch hóa thông tin cũng tùy đối tượng, không thể đánh đồng với nhau vì có thể làm lộ bí mật kinh doanh cho đối thủ cùng ngành. Công bố thông tin không chỉ nhắm đến một đối tượng là NĐT chiến lược, mà còn gồm nhiều đối tượng liên quan khác”, ông Yee Chung nói.

Đồng quan điểm, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư tại VinaCapital cho rằng, định nghĩa công bố thông tin rất đa dạng. NĐT cũng cần nghiên cứu trước khi tìm đến với doanh nghiệp, như vậy mới có thể hiểu cùng một ý với thông tin mà doanh nghiệp đưa ra.

Phan Hằng

{fcomment}